Cha mẹ dùng mạng xã hội: Đừng sẩy ngón tay cái!

19/03/2022 - 09:48

PNO - Thế giới càng phẳng, thông tin càng dễ được tìm thấy thì sự cẩn trọng không bao giờ thừa.

Chuyện của B.B. đã lên top tìm kiếm, do bà mẹ không biết vô tình hay cố ý mà “sẩy miệng” trên mạng xã hội, đăng cả ảnh chụp màn hình các tin nhắn nhạy cảm trong Zalo của cậu con trai. Quả là một pha xử lý “đi vào lòng đất”, nhận “mưa gạch đá” từ cộng đồng mạng và dư luận nói chung. 

Ngoài vấn đề gây tranh cãi nhất là cách giáo dục con, có khi nào bạn nghĩ một cách thực sự nghiêm túc về quyền làm cha mẹ và quyền của các con mình? Chỉ cần nói đến lý (quy định của pháp luật) thì ta cũng đã sai. Dùng cách sai để dạy những điều đúng liệu có hiệu quả?

 

Từ việc khoe con 

Xin phép con rồi mới đăng ảnh con lên mạng xã hội là chuyện không hề mới của nhiều bà mẹ. “Trừ phi là ảnh gia đình có mặt các con, trong những sự kiện rất phổ biến như đám cưới, tiệc sinh nhật, đi du lịch… khi đăng hình lên ông bà vui, bà con ở xa đã lâu không gặp sẽ được cập nhật thì các con mới cho đăng, còn ảnh riêng của chúng thì bấm chụp còn phải xin phép, con không đồng ý là bố mẹ đành chịu chứ nói gì chụp rồi cứ lấy quyền phụ huynh mà đăng. Vấn đề không phải đẹp xấu, mà hai con tôi rất có ý thức về quyền riêng tư của chúng. Vợ chồng tôi đều nghĩ bố mẹ phải tôn trọng các con trước khi yêu cầu các con tôn trọng mình. Muốn dạy con điều phải thì trước tiên mình phải hành xử đúng lẽ phải” - N.V.Q., một bà mẹ có hai cô cậu teen ở nhà tên Xíu và Mì, cho biết. 

Không phải sinh con ra thì toàn quyền sở hữu và muốn làm gì thì làm

Việc bố mẹ khoe ảnh các bé con dễ thương, đáng yêu… trên mạng xã hội, muốn thông báo những sự kiện chính trong cuộc đời con qua các bức ảnh là chuyện rất bình thường, thậm chí là điều tích cực, khiến nhiều người xem vui lây. Các công chúa nhỏ có thể khiến nhiều người mỉm cười trìu mến mà bớt căng thẳng. Các bà mẹ hạnh phúc muốn chia sẻ hạnh phúc và niềm vui ấy cho mọi người cũng là tâm lý thường thấy. 

Tuy nhiên, mặt trái của việc này và những hệ lụy (nhất là đối với con của người nổi tiếng) cũng không hiếm. Thế nên khá nhiều người nổi tiếng luôn tiết chế và sử dụng hình ảnh, thông tin của con mình một cách kín kẽ, thậm chí giấu mặt trẻ. “Làm sao biết được 100 người khi xem đều có thành ý và không dùng hình ảnh con mình cho những ý đồ riêng; nên tránh đưa thông tin, hình ảnh cụ thể về con quá nhiều trên mạng là điều các ông bố bà mẹ nên làm.

Vì bố mẹ được sử dụng hình ảnh trẻ dưới 7 tuổi mà không cần xin phép nên người lớn càng cần có ý thức bảo vệ con. Đặc biệt, thông tin về lịch trình các chuyến đi là điều tôi luôn giấu kín để đảm bảo an toàn cho con. Việc cha mẹ đi công tác hay thường xuyên vắng nhà cũng không nên công khai thoải mái vì dễ khiến con ở nhà gặp nguy hiểm. Thế giới càng phẳng, thông tin càng dễ được tìm thấy thì sự cẩn trọng không bao giờ thừa” - N.H.C., một bà mẹ có cậu con trai năm tuổi bụ bẫm từng bị một vài trang mạng bán đồ dùng cho trẻ em dùng ảnh không xin phép để quảng cáo sản phẩm, chia sẻ. 

Nên điều ta cần nhớ đầu tiên từ khi con bảy tuổi là: cần xin phép nếu muốn chụp hay đăng ảnh trẻ.

… Đến bóc phốt, tố yêu 

- Sao dạo này không thấy Kun đăng gì trên Facebook nữa nhỉ?

- Ô, con vẫn thấy ảnh anh Kun đi tập flashmob và làm mẫu ảnh cho câu lạc bộ nhiếp ảnh của trường mà. Vậy là ảnh hủy kết bạn và chặn mẹ rồi.

Bạn thấy câu chuyện này có quen không? Nếu một ngày đẹp trời bạn thấy mình bị “đá” khỏi danh sách bạn bè của các con, thậm chí chúng âm thầm mở một tài khoản khác, tên khác, phớt lờ hoặc thẳng tay xóa, không chấp nhận các yêu cầu kết bạn của ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì… thì hãy biết rằng bạn không phải là phụ huynh duy nhất bị cư xử như vậy. Không kết bạn với cha mẹ, người thân là cách các con tránh sự can thiệp của người lớn vào cuộc sống riêng của chúng, tương tự cách chúng khóa cửa phòng và yêu cầu bố mẹ khi vào cần gõ cửa. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Một thực tế: các tấm ảnh cá tính, các câu chuyện dùng ngôn ngữ theo cách tư duy của trẻ em thường hài hước, ngộ nghĩnh, kéo theo lượt xem, lượt thích cao nên rất nhiều cha mẹ chia sẻ chúng mà không nghĩ ngợi sâu xa, rất tự hào khi các bài đăng về con mình có lượt thích cao hơn bản thân. Nhưng, cũng rất nhiều bố mẹ quên rằng, chuyện tố yêu, bóc phốt hài hước này chưa chắc đã mang lại nụ cười cho nhân vật chính mà rất có thể là ngược lại. 

Điều cần nhắc thứ hai: sau bảy tuổi, trẻ có quyền không cho phép bố mẹ “muốn viết gì thì viết” về mình.

“Con bị sốc khi mẹ vào máy tính và tự cho mình quyền đọc các đoạn chat của con và nhóm bạn. Mẹ thì sốc vì thấy chúng con chửi thề ghê quá. Mẹ bảo sao học sinh giỏi lại trò chuyện với nhau theo cách đó, theo kiểu ngôn ngữ “lề đường” như vậy. Nói chung là “bùng nổ”, cô ạ! Theo cô thì chúng con sai nhiều hơn hay mẹ con sai nhiều hơn?” là câu hỏi của một học sinh trường chuyên gửi cho tác giả cuốn Bí quyết thương lượng cho tuổi dậy thì. 

Câu hỏi này có thể là chủ đề cho những cuộc hội thảo nghiêm túc, đề cập đến những vấn đề lớn trong giáo dục con trẻ. Liệu một phương pháp sai có thể dùng để dạy những điều đúng?

Dĩ nhiên cô học sinh trường chuyên ấy đã xóa ngay cuộc trò chuyện, không cho mẹ có bằng chứng để gặp các phụ huynh khác hay cô chủ nhiệm để phản ánh. Cô nói với tác giả cuốn sách rằng “con không xấu hổ với người lớn khác nếu họ biết được tụi con có dùng từ ngữ không hay khi trò chuyện với nhau nhưng con vô cùng xấu hổ vì mẹ mình đã đọc lén, lại còn ngang nhiên công nhận việc làm ấy. Đâu phải cứ làm mẹ là có quyền!”. 

Tôi nghĩ cô bé đúng.

Vậy nên lưu ý thứ ba là không phải sinh con ra thì toàn quyền sở hữu và muốn làm gì thì làm.

Liệu một phương pháp sai có thể đạt đực mục tiêu đúng? (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Liệu một phương pháp sai có thể đạt được mục tiêu đúng? (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK)

 

Đừng quên hình ảnh của chính mình

Người mẹ của B.B., nhân vật chính trong câu chuyện đang rầm rộ trên mạng vừa qua, không biết có nhận ra rằng bản thân tuy không phải là nội dung chính nhưng tên chị đã trở thành từ khóa khi lên top tìm kiếm. Lướt qua các bình luận thì 99% là phụ huynh, người xem, thầy cô giáo… đều không thể đồng tình với cách mang lỗi của con lên cho cộng đồng mạng cùng xem. Thay vì chỉ nhắm đến việc chia sẻ sự lo lắng và lên tiếng cảnh báo, người mẹ trong lúc quá giận đã “sẩy miệng” mà quên rằng không chỉ hình ảnh con mà hình ảnh của chính mình đã bị ảnh hưởng nặng nề.

“Làm bạn với con, quan tâm đến quá trình phát triển tâm sinh lý của con, cùng phân tích để con biết tò mò về giới tính không xấu nhưng hành động không đúng có thể gây tác hại nghiêm trọng… là mục đích chính, cần làm thì không biết bà mẹ này đã làm chưa hay chỉ đập nát điện thoại rồi thôi. Cũng may, chính cách làm tiêu cực trên sẽ khiến nhiều phụ huynh nghiêm túc hơn khi nhìn nhận quyền của mình và của con trong bối cảnh đời sống hiện đại và công nghệ. Dạy con ngày càng khó, không thể chủ quan và cứ theo ý mình” - chị N.V.Q., bà mẹ của hai cô cậu teen ở câu chuyện đầu tiên, cũng là một nhà đầu tư giáo dục, khẳng định. 

Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có hiệu lực từ ngày 15/4/2020; theo đó hành vi vi phạm quy định về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân có thể bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó (khoản 1 điều 84). 

 

Lê Lan Anh


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI