PNO - Ngày 7/2, làm việc với cơ quan điều tra, C.M.T. thừa nhận hành vi bạo hành khiến con ruột của mình, bé C.M.K., bốn tháng tuổi, bị gãy xương, xuất huyết não.
Những ngày qua, ở Khoa Bỏng và Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM, hình ảnh đứa bé bốn tháng tuổi nằm im lìm, hai chân bó bột treo ngược trên khung inox, khiến nhiều người xót xa. Cháu tên là C.M.K.
Càng xót xa khi cháu bé bốn tháng tuổi nhập viện (ngày 3/2) trong tình trạng đa chấn thương, bầm tím hai má, ngực, bụng, gãy xương đùi phải, xuất huyết não và đặc biệt, kẻ gây ra những chấn thương cho bé chính là người cha ruột tên C.M.T., 24 tuổi, ở P.Long Phước, Q.9, TP.HCM. Sau khi gây chấn thương cho con mình, T. đưa bé vào viện và khai con trai nằm võng bị té. Tuy nhiên, các bác sĩ nghi ngờ bé bị bạo hành nên đã báo công an. Vụ việc sau đó được chuyển về Q.9 nơi T. cư trú. Công an Q.9 làm việc và T. thừa nhận đã đánh con do bực tức.
Ngay khi hay tin con nhập viện, chị N.H.T. (20 tuổi, quê ở H.Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) đã vào bệnh viện chăm sóc con. Người mẹ cho hay chị và C.M.T. quen nhau từ năm 2015, có với nhau hai mặt con nhưng chưa đăng ký kết hôn, bé K. cũng chưa có giấy khai sinh. C.M.T. sử dụng ma túy, từng đi cai nghiện hai năm. Từ khi K. được 1,5 tháng tuổi đã thường xuyên bị người cha nghiện ngập đánh đập, vì anh ta cho rằng dạy con phải dạy từ nhỏ (!). Hơn hai tháng nay, chị N.H.T. ôm con sang P.Trường Thạnh, Q.9, thuê phòng trọ sống cùng mẹ ruột. Vụ việc xảy ra trong lúc chị đi làm, bé K. được bà ngoại mang về bên nội gửi.
Khi Hội LHPN Q.9 và Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM vào cuộc thì nhiều tình tiết liên quan mới được hé mở. Có mặt trong bệnh viện, ông C.M.H. (ông nội bé K.) kể, lúc mới đón bé K. từ bà ngoại của cháu, T. vẫn vui vẻ pha sữa, chơi cùng con. Nhưng khoảng một tiếng sau, T. báo và nhờ cha mẹ đưa bé K. đi viện giúp vì “nó sắp chết rồi”. “Hỏi sao mà chết thì nó nói bị té võng. Hai vợ chồng nó nghiện luôn”, ông H. chia sẻ.
Trong khi C.M.T. đang bị công an điều tra thì ngày 7/2, N.H.T., mẹ bé K. đã bỏ con trong bệnh viện và đi đâu không rõ. Hiện, bé K. được bà ngoại chăm sóc. Hai chân bé sẽ phải treo trên khung inox trong nhiều ngày nữa. Tương lai của bé dường như cũng rất mờ mịt.
Cách ly khỏi cha mẹ để các bé được an toàn
Trước tình hình đó, Hội LHPN Q.9 và Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em đã yêu cầu chính quyền có biện pháp cách ly cháu K. với cha của cháu là ông C.M.T., không cho ông quyền chăm sóc, nuôi dưỡng bé ít nhất 45 ngày theo luật định, đồng thời yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Q.9 xem xét khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông T.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em - cho biết, những ngày qua các luật sư thay nhau vào bệnh viện thăm, mua tã, sữa cho bé K. và nắm bắt thông tin nhằm kịp thời hỗ trợ mẹ con bé về mặt pháp lý. Nhưng do không thể liên lạc với chị N.H.T. nên công việc gặp nhiều khó khăn. Về nghi vấn chị N.H.T. nghiện ma túy, theo luật sư Nữ, nếu có xác nhận từ phía cơ quan công an, các luật sư sẽ tiếp tục làm đơn đề nghị cách ly bé K. khỏi người mẹ.
Đáng buồn, đây không phải là trường hợp duy nhất bị các luật sư kiến nghị tạm thời cách ly, tước quyền trực tiếp nuôi dưỡng con đối với bậc làm cha mẹ. Mới đây, kẻ buộc dây vào cổ con rồi xách con lên đánh đập dã man (Nguyễn Thị Thanh Thúy, sinh năm 1989, ngụ thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) cũng đã bị công an tạm giữ hình sự để điều tra. Trước đó, ngày 13/6 tại nhà trọ B.G., ở hẻm 68, đường Cách Mạng Tháng Tám, P.3, TP.Tây Ninh, bé trai 6 tuổi cũng bị mẹ ruột và bạn tình bạo hành đến đa chấn thương, khắp người bầm tím.
Hành vi đánh đập con tàn nhẫn của Nguyễn Thị Thanh Thúy, sinh năm 1989, ngụ thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương (hình ảnh cắt từ clip)
Những kẻ độc ác rồi sẽ bị xử lý nghiêm minh, nhưng việc cách ly tạm thời các bé với kẻ xâm hại, bạo hành là hết sức cấp bách. Tuy nhiên, không phải lúc nào các kiến nghị cũng được tòa, cơ quan thi hành án hay chính quyền địa phương chấp nhận. Không ít nơi đã “làm lơ” những yêu cầu chính đáng của các luật sư, Hội Phụ nữ cũng như các đoàn thể, tổ chức có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Thậm chí, cơ quan Thi hành án dân sự Q.5 từng “bỏ qua” yêu cầu cách ly bé Q. (sinh tháng 12/2011) khỏi mẹ ruột khi có dấu hiệu bé bị người tình của mẹ dâm ô và các cơ quan, tổ chức như Hội Bảo vệ quyền trẻ em và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM đã lên tiếng. Nhưng với sự kiên trì của các cơ quan, tổ chức, cùng sự quyết liệt của các luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, ngày 20/1, Tòa án nhân dân Q.5 đã buộc người mẹ giao bé Q. lại cho cha ruột nhằm đảm bảo an toàn cho bé.
Trường hợp khác là cháu V.Q.K., 10 tuổi, ngụ tại chung cư The Flemington, P.15, Q.11, TP.HCM, nạn nhân trong vụ bị cha và mẹ kế bạo hành. Sau yêu cầu cách ly không thành, cháu bé tiếp tục bị bạo hành, nên các luật sư đã phải tư vấn mẹ ruột của cháu kiện hành chính đối với Chủ tịch UBND P.15, Q.11, vì vị này đã không ra quyết định cách ly cháu bé đến nơi an toàn theo luật định…
TRƯỚC TIÊN PHẢI ĐỂ ĐỨA TRẺ ĐƯỢC CHĂM SÓC AN TOÀN
Việc yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm cách ly, tạm tước quyền nuôi dưỡng chăm sóc các bé - nạn nhân của những người làm cha mẹ, là một biện pháp thiết thực nhằm bảo vệ trẻ. Biện pháp này không chỉ nhằm bảo vệ đứa bé - nạn nhân của vụ việc bạo hành, xâm hại khỏi đòn roi, khỏi những hành động mất nhân tính của những kẻ không còn tính người mà còn để giúp trẻ ổn định sang chấn tâm lý nếu có, kịp ngăn chặn để trẻ không phải gánh chịu các di chứng về sau. Biện pháp tạm thời cách ly, tước quyền nuôi dưỡng trực tiếp đứa trẻ cần được thực hiện ngay lập tức để bảo vệ trẻ. Việc điều tra những nguyên nhân, đánh giá mức độ vi phạm… cơ quan chức năng sẽ phải làm, nhưng luôn phải là sau khi đứa trẻ đã được an toàn, được chăm sóc y tế, can thiệp về tâm lý…
Thạc sĩ Phan Thanh Minh - nguyên Trưởng phòng Chăm sóc bảo vệ trẻ em - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM
ĐÁNH ĐẬP, NGƯỢC ĐÃI CON CÁI, NGƯỜI LỆ THUỘC MÌNH LÀ PHẠM PHÁP
Pháp luật lẫn luân thường đạo lý không hề dung thứ cho hành vi bạo hành, ngược đãi con cái. Mọi hành vi đánh đập, ngược đãi, hành hạ… con cái của cha mẹ đều là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi trẻ em là đối tượng mỏng manh, dễ bị tổn thương và không thể tự bảo vệ mình. Đây là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm nên tùy vào mức độ, tính chất của việc đánh con, cha mẹ có thể bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trong quá trình chờ đợi cơ quan chức năng xem xét, giải quyết vụ việc/vụ án, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu UBND xã, phường, thị trấn nơi xảy ra vụ việc hoặc tòa án có thẩm quyền hoặc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, hoặc điều 115 - Bộ luật Tố tụng dân sự.
Luật sư Nguyễn Sơn Lâm - Chi hội phó Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM
Ngày 10/12, quận Tân Bình phối hợp với Ban quản trị chung cư K300, Phòng VH-TT Tân Bình khánh thành khuôn viên hoạt động văn hóa, thể dục thể thao ngoài trời.