Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, trong tuần 15 (từ ngày 7/4-13/4), TPHCM ghi nhận 476 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng 36,6% so với tháng trước. Tổng số ca tích lũy từ đầu năm 2025 đến tuần 15 là 3.168. Địa phương có số ca mắc cao gồm quận Bình Tân, quận 8, huyện Nhà Bè.
Canh kỹ lắm nhưng con vẫn bệnh
Chăm con trai 4 tuổi tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (ở tỉnh Đồng Nai) ngán ngẩm nói: “Năm ngoái, con trai tôi bị tay chân miệng nặng, phải nằm viện hơn 2 tuần. Gần đây, nghe cô giáo nói trong trường có bé bị tay chân miệng, gia đình tôi canh chừng con rất kỹ. Mỗi lần bé đi học về, tôi đều tắm sạch sẽ cho bé. Rồi dùng cồn lau khô dụng cụ học tập, cặp, nón của con…”.
 |
Trẻ mắc tay chân miệng đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 |
Vậy mà, hơn 1 tuần sau, con trai của chị bị sốt hầm hập, dù bé vẫn ăn uống, chạy chơi bình thường. Chị cho con uống thuốc hạ sốt, uống nước ép trái cây. Ngày thứ hai sau sốt, bé mệt mỏi, ói nhiều sau khi ăn, quấy khóc… Kiểm tra thấy tay chân bé nổi ban, chị lo lắng, dỗ dành con há miệng và thấy có vết loét trong miệng, báo hiệu cuộc “vật lộn” với tay chân miệng bắt đầu.
Chị Ngọc cho hay: “Tôi dạy con rửa tay thường xuyên, ít chở con đến nơi đông người. Vậy mà không hiểu sao con vẫn mắc bệnh. Lần này, diễn tiến bệnh nhanh quá, con sốt cao, lơ mơ… Bác sĩ nói phải nhập viện để theo dõi sát đề phòng biến chứng. Tôi cứ băn khoăn, không biết con lây bệnh từ đâu để phòng ngừa”.
Nghe chị Ngọc nói, chị Trần Thị Kim Quý (ở TP Thủ Đức - TPHCM) cũng đang chăm con ở bệnh viện không khỏi lo lắng. Con của chị bị lây bệnh từ bạn ở cùng dãy trọ dù chị đã khử khuẩn tay nắm cửa, bàn ghế, xe đạp, bình nước… của con. “Bác sĩ nói con tôi bị tay chân miệng độ 2. Dù bé đỡ sốt, ăn uống bình thường, các nốt ban cũng ngưng nổi nhưng tôi không yên tâm, bởi ở nhà còn một bé nhỏ hơn. Tôi dặn chồng không để con ra khỏi phòng, khử khuẩn toàn bộ nhà, tôi cũng hạn chế về thăm” - chị Quý cho biết.
Theo bác sĩ Phạm Hoàng Anh Khoa - Khoa Nhi Bệnh viện TP Thủ Đức - trong 3 tháng qua, đơn vị đã tiếp nhận điều trị hơn 130 lượt khám tay chân miệng, cao hơn nhiều so với năm ngoái. Số ca bệnh vẫn đang có xu hướng tăng, đa số là trẻ dưới 5 tuổi.
Đây là điều đáng ngại, bởi TPHCM đang vào mùa nắng nóng, bệnh tay chân miệng lại do vi rút đường ruột nhóm Coxsackievirus và Enterovirus 71 (EV71) gây ra, có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng. Chưa kể, nhiều phụ huynh do quá quen bệnh này nên dễ chủ quan khi con mắc tay chân miệng, hoặc dùng cách dân gian để điều trị cho bé.
Dự báo bệnh sẽ tăng nhanh
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, từ đầu năm 2025 đến nay ghi nhận 142 trẻ nhập viện do tay chân miệng, tăng cao hơn cùng kỳ năm 2024 và cao hơn trung bình 5 năm trước. Trung bình mỗi tuần bệnh viện tiếp nhận điều trị từ 30-40 trẻ mắc tay chân miệng. Có 3 trường hợp nặng (độ 3, độ 4). Bệnh viện dự đoán trong tháng tới, tỉ lệ trẻ mắc bệnh này sẽ tăng nhanh.
Ở Bệnh viện Nhi Đồng 2, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Qui - Phó trưởng khoa Nhiễm - cho hay, bệnh tay chân miệng xuất hiện vào tháng Tư, Năm và tháng Chín, Mười hằng năm. Hiện, bệnh tay chân miệng đã bắt đầu, không chỉ ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mà cả người lớn vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Trong đó, trẻ dưới 5 tuổi dễ mắc bệnh hơn. Đến nay, bệnh chưa có vắc xin phòng ngừa, cũng như thuốc điều trị đặc hiệu, đa số người bệnh sẽ khỏi sau 10-14 ngày. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể chuyển biến nghiêm trọng dẫn đến tử vong.
Theo bác sĩ Nguyễn Đình Qui, bệnh tay chân miệng dễ lây lan khi tiếp xúc với dịch tiết mũi, hầu, họng, nước bọt, dịch từ nốt phỏng, hay bề mặt tiếp xúc như bàn ghế, tay nắm cửa, nền gạch, đồ dùng cá nhân của người bệnh… Khi trẻ mắc bệnh, biểu hiện ban đầu thường hay sốt, ăn ít, khó chịu và đau họng. Khoảng 1-2 ngày sau khi sốt, trẻ xuất hiện các nốt loét ở lưỡi, lợi và bên trong má gây đau rát. Những nốt ban màu đỏ phẳng hoặc gồ lên, kèm theo bọng nước tập trung nhiều ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, có thể xuất hiện ở mông và một số nơi khác. Gia đình nên đưa trẻ đến bệnh viện để được khám, điều trị kịp thời, để tránh biến chứng.
Thực tế, trẻ có thể mắc tay chân miệng nhiều lần. Vì khi trẻ bị nhiễm bệnh do 1 chủng vi rút, trẻ chỉ có kháng thể chống lại loại vi rút đó trong một thời gian, và vẫn có nguy cơ mắc bệnh nếu nhiễm vi rút thuộc nhóm Enterovirus.
Hiện nay, ngoài 2 chủng vi rút gây bệnh tay chân miệng phổ biến hay gặp ở trẻ còn có hơn 10 chủng vi rút thuộc nhóm vi rút đường ruột (Enterovirus) cũng có thể gây ra bệnh này. Vì vậy, quan niệm trẻ mắc tay chân miệng rồi sẽ không mắc nữa là sai lầm.
“Ngoài việc đảm bảo vệ sinh cá nhân, hạn chế cho trẻ đến nơi đông người, phụ huynh cần phối hợp với nhà trường trong chăm sóc, phát hiện sớm và cách ly trẻ bệnh để tránh lây lan cho các trẻ khác. Bởi đây là những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao và phát triển ổ dịch” - bác sĩ Nguyễn Đình Qui nói.
Cách chăm sóc trẻ mắc tay chân miệng Bác sĩ Phạm Hoàng Anh Khoa khuyến cáo khi phát hiện trẻ mắc bệnh tay chân miệng, phụ huynh cần báo với nhà trường và cho con nghỉ học từ 7-10 ngày, tránh cho trẻ tiếp xúc với các trẻ khác, để hạn chế lây lan bệnh. Nếu trẻ có biểu hiện nặng, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà bằng các phương pháp dân gian hay sử dụng toa thuốc của người bệnh trước đó. “Cha mẹ cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là đạm từ cá, trứng, sữa và vitamin từ rau củ màu vàng đỏ, rau xanh đậm. Nên chia nhỏ bữa ăn, chọn thức ăn mềm, dễ nuốt và bổ sung đủ nước, điện giải. Tránh thức ăn cay nóng, mặn hoặc cứng bởi khoang miệng của trẻ đang bị tổn thương. Trong lúc ăn, không mớm thức ăn cho trẻ, không để bé ăn bốc, mút tay, ngậm đồ chơi. Các vật dụng mà trẻ sử dụng trước đó cần giặt, rửa sạch, ngâm tráng nước sôi trước khi sử dụng lại” - bác sĩ Khoa cho biết. |
Phạm An