Cha mẹ đãng trí, nhớ lại ngày xưa mà cư xử

01/03/2020 - 15:01

PNO - Cha tôi đã vài lần nửa đùa, nửa thật: “Sau này, tao với mẹ bây có già đi, bị lẫn, đi không nổi, không tự vệ sinh được… thì lúc bây tức giận nhất, cứ ngồi xuống nghĩ về những chuyện đã qua".

Đoạn clip con ruột và con dâu bạo hành mẹ già 88 tuổi được lan truyền mấy ngày qua khiến dư luận xôn xao. Nguyên nhân được cho do bà cụ lớn tuổi, đãng trí, nên việc sinh hoạt cá nhân hằng ngày không theo ý muốn dẫn đến con cái bạo hành.

2 phút 30 giây không quá dài, nhưng tôi không thể xem hết. Tôi bần thần, tim như bị bóp nghẹt. Vì bất kỳ lý do gì, hành động vô đạo ấy là không thể chấp nhận!

Vụ con trai, con dâu bạo hành mẹ già 88 tuổi đang khiến dư luận phẫn nộ.
Vụ con trai, con dâu bạo hành mẹ già 88 tuổi ở Tiền Giang đang khiến dư luận phẫn nộ.

Năm nay, cha tôi vừa tròn 60, sức khoẻ của ông kém hơn những người bạn cùng tuổi. Ông từng bị tai biến mạch máu não năm 40 tuổi, thường xuyên căng thẳng, dẫn đến trí nhớ sa sút. 2 năm gần đây, cha có dấu hiệu đãng trí. Nhiều việc, ông hỏi đi hỏi lại, dù chúng tôi đã trả lời.

Tết vừa rồi, mỗi chuyện mua gừng làm mứt, cha hỏi tôi và chị gái đến bốn lần trong buổi sáng 27. Công việc đang căng thẳng và dang dở, lại phải nghe cùng một câu hỏi nhiều lần, tôi đã muốn cáu. Nhưng hiểu rằng lời nói trong lúc nóng giận dễ làm tổn thương người nghe, đặc biệt với người lớn tuổi, tôi gắng giữ sự điềm tĩnh. Và thật may, tôi đã kiềm được lời không hay trước những câu hỏi được lặp đi lặp lại.

Vô tình tôi được xem được một đoạn phim ngắn trên YouTube có tựa đề Người cha và con chim sẻ. Người cha già liên tục hỏi con trai đến 3 lần cùng một câu: “Đó là con gì thế con trai?” khi ông thấy một chú chim đậu trước mặt. Đến lần thứ ba, anh con trai gắt gỏng: “Con đã nói bao nhiêu lần, đó là con chim sẻ, ba không hiểu hả”.

Người cha buồn bã đi vào nhà, mang quyển nhật ký trao cho con. Trong đó, ông ghi lại những dấu mốc, câu chuyện đặc biệt trong cuộc đời. Năm đó, ông từng trả lời đến tận 20 lần cùng một câu hỏi được lặp lại liên tục của đứa bé 3 tuổi. Nhưng ông lấy đó làm niềm vui, xem như kỷ niệm đẹp trong đời.

Câu chuyện nhẹ nhàng nhưng khiến tôi nghẹn lại, hai dòng nước mắt lăn dài trên má, nóng hổi.

Câu chuyện Người cha và con chim sẻ:

 

Ký ức ùa về. Năm tôi lên 6 tuổi, gia đình một phen hoảng loạn khi trong người tôi xuất hiện khối u, cần phẫu thuật. Cha tôi dẹp mọi việc sang một bên, đưa tôi lên Sài Gòn chữa trị.

3 ngày chờ vào phòng mổ, tôi hỏi đúng một câu, lặp lại nhiều lần: “Mổ có đau không cha?”. Ở tuổi đó, con nít cứ nghe đến bệnh lại sợ bị chích thuốc, sợ đau chứ cũng chẳng biết nguy hiểm thế nào. Cha tôi kiên nhẫn đáp “không đau” - tương ứng với vô số lần tôi hỏi - cùng đôi mắt rười rượi. Sau này thì tôi biết, những ngày đó ông như ngồi trên đống lửa vì lo cho tính mạng tôi.

Ký ức sống lại, có thể cho chúng ta niềm vui, sự hạnh phúc; cũng có thể kịp thời dạy ta một bài học nào đó để trưởng thành. Tôi nghĩ về chuyện mua gừng làm mứt, về những gì đã qua, tự vấn về sự cáu giận trong lòng vào cái buổi sáng 27 Tết, thấy mình nhỏ bé quá trong tình thương và sự bao dung của cha mẹ.

Cha tôi đã vài lần nửa đùa, nửa thật: “Sau này, tao với mẹ bây có già đi, bị lẫn, đi không nổi, không tự vệ sinh được… thì lúc bây tức giận nhất, cứ ngồi xuống nghĩ về những chuyện đã qua mà rộng lòng”. Đôi lần, tôi nghe vậy rồi cười, bảo ông khéo lo xa. Nhưng chứng kiến những chuyện đã xảy ra, tôi hiểu nỗi lo của ông là thật.

Cha tôi mấy lần nửa đùa nửa thật mong chúng tôi luôn nhớ về ngày xưa để rộng lòng cư xử nếu không may sau này ông bị
Cha tôi mấy lần nửa đùa nửa thật mong chúng tôi luôn nhớ về ngày xưa để rộng lòng cư xử nếu không may sau này ông gặp vấn đề về sức khoẻ. (Ảnh minh hoạ)

Cha mẹ chúng ta đều đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, họ chắc chắn đã chịu đựng vô vàn nỗi đau thể xác hay tinh thần. Vì yêu thương con, cha mẹ luôn cất giấu những nỗi lo, kiên trì và bao dung với con cái tới mức nhẫn nhịn... Chúng ta thường vì sự thân quen, sự bao dung ấy mà đôi lúc chỉ vì chuyện nhỏ cũng buột ra thái độ tiêu cực, hành xử bừa bãi, để sau đó, có những nỗi ân hận, day dứt không bao giờ lành.

Ai rồi cũng già đi. Hình ảnh cha mẹ hôm nay cũng có thể là chúng ta của sau này. Đặt mình vào vị trí của cha mẹ, để hiểu và cảm thông nhiều hơn. Xin hãy nhớ rằng: “Vạn cổ tình thâm ơn cúc dục/Thiên thu nghĩa trọng đức sinh thành”. 

Trung Sơn    

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI