Cha mẹ đang ở đâu trong thế giới của con?

06/12/2023 - 20:27

PNO - Mâu thuẫn giữa cô, trò diễn ra từ tháng 9/2023, lẽ nào không một phụ huynh nghe con kể về những việc ở trường?

Mấy ngày nay, cảnh cô giáo cầm giày cao gót đuổi học sinh chạy tán loạn trong lớp; rồi học sinh hỗn hào, xấc láo, thậm chí “hành hung” chính cô giáo đã để lại trong tôi những khoảng lặng lớn hơn nỗi bức xúc rất nhiều.

Hình ảnh học sinh lớp 6-7 ở Tuyên Quang xấc láo, đe dọa giáo viên. Ảnh cắt từ clip.
Hình ảnh học sinh lớp 6-7 ở Tuyên Quang xấc láo, đe dọa giáo viên (ảnh cắt từ clip)

Bọn trẻ đáng trách không? Chắc chắn là có. Nhưng nhìn những đứa trẻ đang tầm tuổi con mình ấy, tôi cũng thấy rất thương. Khoảng 60 ông bố, bà mẹ của khoảng 30 cháu đang ở tuổi 11-12 ấy có lẽ phần lớn cùng thế hệ 8X với tôi. Họ nghĩ gì khi xem clip, thấy mặt con mình trong cuộc náo loạn thầy không ra thầy, trò không ra trò ấy?

Những hình ảnh đó, những câu hỏi đó lại khiến tôi nhớ đến nhiều câu chuyện. Tôi nhớ có lần tham dự tập huấn về an toàn cho trẻ em trên không gian mạng. Tâm thế ban đầu của tôi là “phải đi” theo trách nhiệm công việc. Thế nhưng những gì được các chuyên gia chia sẻ đã khiến tôi thấy mình may mắn khi có mặt ở buổi tập huấn.

Trường tiểu học của con tôi là trường công, phụ huynh được đánh giá là “tiên tiến” hơn so với mặt bằng chung của địa phương, cả về kinh tế và văn hóa. Tôi tóm tắt nội dung buổi tập huấn gửi vào nhóm Zalo chung của phụ huynh toàn khối và nói tôi sẵn sàng chia sẻ tài liệu chưa phổ biến rộng rãi này - cẩm nang an toàn cho trẻ em trên không gian mạng. Nhưng không một phụ huynh nào có phản hồi gì về những tin nhắn đó của tôi.

Một cuốn sách về giáo dục gia đình rất đáng và rất cần tham khảo trong bối cảnh hiện nay. Ảnh: M.T
Một cuốn sách về giáo dục gia đình rất đáng và rất cần tham khảo trong bối cảnh hiện nay (ảnh: M.T)

Từ 5-6 năm trước, điều tra gia đình Việt Nam đã cho thấy, 1 bộ phận cha mẹ dành rất ít thời gian cho con hoặc biết ít về các hoạt động của con. So sánh giữa 2 cuộc điều tra lớn về gia đình năm 2006 và năm 2018, thì tỉ lệ cha mẹ biết rõ bạn bè của con giảm đáng kể - 71,8% năm 2006, xuống còn 46,8% năm 2018. Các nhà xã hội học, gia đình học đã nhiều lần cảnh báo, sự thiếu quan tâm của cha mẹ với con cái có thể dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực cả về mối liên hệ tình cảm cha mẹ - con cái cũng như nguy cơ tăng thêm các hành vi lệch chuẩn trong cuộc sống, đặc biệt trong bối cảnh giáo dục xã hội chưa đủ sức để đảm nhận sự thay thế vai trò của cha mẹ.

Ngày tôi nộp hồ sơ cho con vào lớp Một, nhà trường thực hiện một khảo sát với phụ huynh. Tôi vẫn nhớ rõ những câu hỏi đó: “Anh/chị nghĩ gì về ảnh hưởng của gia đình, nhà trường và bạn bè đến con?”. “Anh/chị có sẵn sàng cùng nhà trường phát huy năng lực và khắc phục những hạn chế của con?”. “Anh/chị có sẵn sàng trao đổi cùng nhà trường những vấn đề con gặp phải trong gia đình?”. “Anh/chị có sẵn sàng tiếp nhận từ nhà trường tình hình học tập, rèn luyện của con?”. “Trung bình 1 ngày anh/chị dành bao nhiêu thời gian cho con?”…

Khi làm mẹ, nhất là từ khi con bước vào lớp Một, tôi mới thực sự nhận ra cái gọi là trách nhiệm làm cha mẹ, nó lớn hơn tôi nghĩ rất nhiều.

Cũng từ ngày con bước vào lớp Một, tôi ngày càng thấm thía đúc rút của ông bà - “nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình”. Tôi cũng ngày càng nhận ra, hành trình “nhìn cây sửa đất…” cũng như hành trình học làm cha mẹ ấy chưa bao giờ đơn giản, chưa bao giờ dễ dàng.

Sau những hình ảnh thầy không ra thầy, trò không ra trò này là những câu hỏi lớn về giáo dục - cả giáo dục ở nhà trường và giáo dục trong gia đình. Ảnh cắt từ clip
Sau những hình ảnh "thầy không ra thầy, trò không ra trò" này là những câu hỏi lớn về giáo dục - cả giáo dục ở nhà trường và giáo dục trong gia đình (ảnh cắt từ clip)

Câu chuyện cô giáo và học sinh cùng náo loạn lớp học ở Tuyên Quang hôm nay là báo động đỏ về giáo dục trẻ em. Trong đó gồm cả trách nhiệm của người thầy/gia đình và trách nhiệm không nhỏ của cha mẹ, gia đình. Không cha mẹ nào muốn con mình hư. Nhưng việc con hư hay ngoan đâu phải là sự “mặc định” của tạo hóa, cũng không thể là do con quyết định việc chúng sẽ hư hay ngoan - vì trẻ em vốn là những tờ giấy trắng, và cũng là tấm gương phản chiếu chính cha mẹ trẻ.

Ai cũng vướng phải áp lực mưu sinh, duy trì, đảm bảo cho sự “vận hành” của gia đình, thậm chí của đại gia đình. Phụ huynh có áp lực của phụ huynh, giáo viên có áp lực của giáo viên, học sinh có áp lực của học sinh. Tất cả mọi cá nhân trong xã hội hiện đại này đều đã và đang phải đối mặt với sự gia tăng những áp lực ngày càng lớn.

Trẻ em đang ở giữa trách nhiệm lẫn áp lực của cha mẹ và giáo viên (nhà trường). Trách nhiệm giáo dục trẻ em, dù nặng bên nào cũng đều không phải là cách giải quyết tối ưu. Chỉ có thể là: cả nhà trường và cha mẹ cùng nhìn nhận lại trách nhiệm của mình để cố gắng cân bằng áp lực mưu sinh và trách nhiệm dạy dỗ, giáo dục trẻ.

Minh Tuệ (Hà Nội)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI