|
Thím tôi tết năm nào cũng được các con và dâu rể lì xì (ảnh Thuỳ Gương) |
Đầu năm, cơ quan tôi làm việc trở lại. Mọi người mang theo chả lụa, giò thủ, bánh tét… bày ra liên hoan nhẹ. Chị Hằng khoe cả nhà chị tranh thủ mấy ngày nghỉ tết, đi du lịch Phan Thiết. Chị Cầm thì kể quê chồng chị ở Đà Lạt. Cả nhà chị về chúc tết nhà nội, tiện thể du xuân…
Không khí khoe tết đang chộn rộn, bỗng chị Quỳnh lấy ra bao lì xì, khoe vợ chồng chị tết này được con gái lì xì. Chị nuôi con gái 4 năm đại học, tốn hơn nửa tỉ. Vậy mà giờ cầm 1 triệu đồng con lì xì, ông xã chị mừng tới chảy nước mắt. Chị cũng cảm động suýt khóc. Mừng vì thấy con trưởng thành, biết nghĩ, biết thương ba mẹ.
Anh Dũng cũng hào hứng góp chuyện. Anh nói năm 31 tuổi, anh được nhận lì xì. Người lớn mà nhận lì xì, cảm giác lạ lắm: mừng vui, cảm động, thấy mình được quan tâm, yêu thương. Duyên cớ để được lì xì, là năm đó anh Dũng mới cưới vợ. Bên nhà vợ anh Dũng có lệ, tết đến là con cái lì xì cho ba mẹ và được ba mẹ lì xì lại, dù bao nhiêu tuổi cũng vậy. Được ba mẹ vợ và anh vợ lì xì, anh thấy rất vui. Dù là chàng rể mới, nhưng cảm giác thân tình khiến anh Dũng không còn khoảng cách với nhà vợ.
Không khí lì xì qua lại rất ấm áp và tình cảm, nên anh Dũng bắt chước, về nhà lì xì cho ba mẹ. Ba mẹ anh Dũng làm nông, trước giờ chưa từng nhận lì xì của con cái, nên rất vui khi được anh lì xì. Giờ các con anh Dũng khôn lớn, cũng theo nếp nhà, lì xì cho vợ chồng anh. Anh nói: “Nuôi anh em nó tốn kém không biết bao nhiêu. Tới lúc tụi nhỏ đi làm, lì xì lại mình. Cầm tiền của con mà chảy nước mắt. Giá trị đồng tiền không lớn, lớn ở chỗ con biết trả ơn, biết hiếu thảo với ba mẹ”.
Anh Tân lấy ra bao lì xì có tờ 200.000 đồng. Anh nói: “Bao lì xì của mấy ông không quý bằng bao này của tui đâu nghen. Thằng Út tui mới lì xì”. Anh Tân cười mà vẻ mặt đầy tâm trạng. Ai cũng biết gia cảnh nhà anh Tân. Thằng Út con anh mới học lớp 10 đã nghiện game, bỏ học giữa chừng. Út chơi bời bạt mạng. Không ít lần anh Tân phải vay mượn để giải quyết nợ nần cho con. Út 30 tuổi, anh năn nỉ lắm nó mới chịu đi học nghề sửa xe. Được vài tháng, nó chê nghề gì mà lấm lem dầu mỡ, nhìn không sang.
Một người bạn của anh Tân giới thiệu nó đi làm shipper. Út đi làm được vài tháng, anh Tân đã phải đền cho chủ số tiền khá lớn vì Út làm thất thoát hàng hoá. Thằng con ngoài 30 tuổi vẫn long nhong, tốn cơm cha áo mẹ, vợ chồng anh Tân phát rầu.
Mới năm ngoái, tự dưng thằng Út hồi đầu, chịu đi học nghề cắt tóc. Sau mấy tháng học, Út rành nghề, được chủ trả lương. 200.000 đồng tiền lì xì của con anh Tân rất quý là vậy. Tiền đó đánh đổi bằng chặng đường vấp ngã tơi bời của con anh, bằng lo lắng, nước mắt sầu khổ của vợ chồng anh…
Tới giờ làm, mọi người tản về bàn mình. Chị Hồng kéo ghế ngồi cạnh tôi, khẽ thở dài: “Chị sắp tuổi hưu trí mà chưa từng được con trai lì xì”. Tôi nhìn vẻ mặt đượm buồn của chị, thấy thương vô cùng.
Chồng chị Hồng làm nghề môi giới bất động sản. Con trai chị được cha dắt vào nghề, được cấp vốn riêng nên chưa đầy 30 tuổi, chàng ta đã có số vốn khá lớn. Hai năm trước chồng chị Hồng bị K vòm hầu, phải sang Singapore chữa trị rất tốn kém. Bệnh tình anh vừa ổn thì ba chồng chị bị tai biến, nằm viện suốt mấy tháng. Bao nhiêu tiền mặt, chị Hồng mang ra chi dùng gần hết. Bất động sản mấy năm nay đóng băng, chị Hồng rao bán mấy căn nhà nhưng không có người mua. Chị hỏi mượn con trai vài trăm triệu. Con nói tiền để dành làm ăn, cơ hội tới là phải hốt liền, cho mượn thì nó đánh mất cơ hội. Chị nghe đau thắt lòng. Anh chị có mình nó là con trai, tài sản sau này cũng thuộc về con, sao con nỡ cạn tình với cha mẹ?
Tết năm nào vợ chồng chị cũng lì xì cho con trai, con dâu và hai đứa cháu nội. Chị nửa đùa nửa thật bảo con: “Sao tụi con không lì xì cho ba mẹ?”. Con trai chị hồn nhiên: “Ba mẹ giàu quá trời, con đâu cần lì xì”. Con dâu thì cười cười: “Mấy đồng tiền lẻ của tụi con, cho ba mẹ đâu đáng gì”. Chị gượng cười mà lòng đau. Trước giờ chị cầm tiền tỉ cho con làm ăn, chưa từng từ chối khi con xin tiền. Giờ chồng chị đau ốm, chị cũng sắp nghỉ hưu, muốn con cho lại chút tiền cũng khó quá.
“Có phải ngay từ đầu chị đã sai phải không em? Chị đã không dạy con biết nhận cũng phải biết cho đi. Chị đã khiến con suy nghĩ ích kỷ và nông cạn” – câu hỏi của chị tôi không dám trả lời, sợ chạm vào vết thương vốn đã sâu trong lòng chị.
Tết này tôi cũng mới nhận tiền lì xì của con trai, nên tôi hiểu cảm giác sung sướng của các bậc làm cha mẹ khi được con cái quan tâm, thể hiện tình thương. Cha mẹ dù bao nhiêu tuổi, dù có tiền hay không, thì bổn phận của con cái là phải luôn quan tâm, báo hiếu mẹ cha. Lì xì cho ba mẹ vào ngày tết sẽ khiến mẹ cha hãnh diện, vui vẻ cả năm, là việc con cái nên làm.
Đức Phương