Cha mẹ chồng khó tính và hay xéo xắt

21/11/2024 - 09:42

PNO - Có bao giờ em thử suy nghĩ, em sẽ làm sao trong trường hợp ba mẹ em cũng khó tính và hay xéo xắt với chồng em như vậy?

Chị Hạnh Dung thân mến.

Em mong được chị chia sẻ và tư vấn. Chồng em hiền lành, tình cảm, thương vợ con. Ba mẹ anh rất khó tính, lời nói không có tình cảm, có thể nói là rất xéo xắt, nói câu nào tổn thương câu đó. Vì vậy con cháu không dám lui tới. Trong khi gia đình các chú bác, cô cậu thì rất đầm ấm, tụi em cũng thích tới chơi.

Ba mẹ chồng muốn vợ chồng em ở cùng để phụng dưỡng ông bà, nhưng rồi em quyết ra riêng, vì thế ông bà không hài lòng. Chồng em khá sợ ba mẹ, việc anh ra riêng với em là lần duy nhất anh dám trái ý ba mẹ, nhưng cũng mất gần cả chục năm dùng dằng, thậm chí tụi em đã mệt mỏi ly hôn.

Sau khi anh cố gắng hàn gắn, quyết ra riêng ở, tụi em quay lại với nhau. Giờ ông bà tiếp tục hối thúc tụi em quay về chung sống phụng dưỡng ông bà vì chồng em là trai trưởng.

Em không trốn tránh trách nhiệm lo cho cha mẹ chồng, nhưng em bàn việc thuê người chăm sóc (ông bà vẫn có sức khoẻ nhưng than vãn suốt), hàng ngày tụi em lui tới thăm nhưng ông bà không chịu.

Em rất tổn thương khi ở gần ông bà, vì lời nào nói ra cũng nặng nề xéo xắt, cay nghiệt lắm. Tính em nhẹ nhàng, vén khéo, sạch sẽ, tự lập, còn giúp đỡ em chồng khó khăn. Duy chỉ có ba mẹ chồng lúc nào cũng chê cười, mỉa mai em.

Ông bà luôn nói với người khác em không biết làm gì cả. Mà không chỉ riêng em, ông bà nói về ai cũng cay nghiệt, tiêu cực như thế. Em mới sinh em bé, ông bà không ngó ngàng nhưng vẫn trách em không về nhà nội.

Em rất stress và buồn. Em càng sợ khi nghĩ tới chuyện ở chung. Vừa việc cơ quan vừa việc nhà em không ngại, nhưng tâm lý em dễ tổn thương, bất ổn khi ở cạnh người cay nghiệt như thế. Em sợ một điều nữa là con em bị ảnh hưởng tâm lý khi ở chung.

Nói thêm một chút, ba mẹ chồng em rất khá giả. Nhưng ông bà luôn sợ con cái nhòm ngó tài sản, nên cay nghiệt với tất cả các con ruột, làm tổn thương chồng em và các em rất nhiều. Ai cũng muốn đi được đi luôn.

Chồng em luôn xin lỗi em vì ba mẹ anh quá đáng như vậy, nhưng anh cũng hối thúc em sắp xếp về ở chung phụng dưỡng. Chị ơi, em phải làm sao?

Thanh Thanh

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Em Thanh Thanh thân mến,

Có bao giờ em thử đặt suy nghĩ thế này: Nếu ba mẹ chồng là ba mẹ ruột của em, thì em sẽ xử lý sao trong trường hợp ông bà cũng khó tính và hay xéo xắt như cha mẹ chồng em hiện giờ? Em có trách móc, khó chịu, có cảm thấy nhất định không muốn gần gũi, chăm sóc, phụng dưỡng hay không?

Hạnh Dung tin rằng khi đó, dù mệt mỏi, bực bội, hay khó chịu, nhưng chắc chắn là em sẽ cố gắng bỏ qua. Em sẽ động viên mọi người: đừng để ý đến những lời ông bà nói, người già trái tính trái nết ấy mà, chuyện bình thường thôi... Dù sao đó cũng chỉ là lời nói, chỉ cần không giữ nó lại trong lòng, bỏ lơ nó đi là được.

Nếu mọi người có khuyên em tìm người giúp việc, chắc chắn là em sẽ phải cân nhắc nhiều, bởi thực chất đó cũng là một kiểu trốn tránh trách nhiệm mà thôi. Vì em cũng sẽ được nghe nhiều người nói rằng, với người già, quan trọng là tình cảm chứ không phải vật chất đầy đủ.

Chắc chắn, nếu em là đứa con hiểu chuyện, em sẽ không nói rằng ông bà còn khỏe mà hay than vãn, người già đúng là có hay nhõng nhẽo, nhưng đôi khi chính chúng ta không biết được cái sự "đèn treo trước gió" đó sẽ tắt bao giờ. Nỡ lòng nào nói về sức khỏe của cha mẹ như vậy?

Nếu là bố mẹ của em, em sẽ không so đo, tị nạnh với anh chị em, rằng còn người này người kia, sao không chia nhau nghĩa vụ. Mà đúng với đạo lý làm con, em sẽ bảo: "Thôi, mình làm được gì cho bố mẹ thì làm, không chờ người khác, không đùn đẩy với ai".

Chồng em thường xuyên xin lỗi em, rằng ba mẹ chồng quá đáng, có nghĩa là anh ấy rất hiểu tâm trạng em. Anh ấy cũng đã vì em mà một lần bỏ qua chữ hiếu của mình. Nhưng giờ đây, cuối cùng thì anh ấy vẫn muốn về sống chung và chăm lo cho cha mẹ, bởi đó là điều tất nhiên mỗi đứa con phải làm với cha mẹ mình.

Và dù ba mẹ có khó chịu, xéo xắt thế nào, thì phận làm con vẫn không phán xét, không chọn lựa, không yêu cầu và không thể yêu cầu họ thay đổi. Chỉ có thương yêu và làm tròn phận sự của mình mà thôi.

Hạnh Dung không thể khuyên em làm gì, chỉ có thể nhắn em rằng, em hãy đặt mình vào tình cảnh của chồng, để có thể thông cảm, chia sẻ. Hãy cùng chồng nói về những gì đã khiến nảy sinh mâu thuẫn trước kia, để có thể tìm ra những cách dung hòa cuộc sống riêng của mình và mong muốn của cha mẹ chồng, của chồng.

Vừa mềm, vừa cứng, vừa nhu, vừa cương để cha mẹ chồng và chồng có thể hiểu được sự chấp nhận, hy sinh, biết điều của mình là những điều kiện mà để mình được tôn trọng.

Chồng em cũng không thể chỉ mong muốn và yêu cầu, mà không đưa ra được giải pháp để mọi người chung sống với nhau. Vai trò của anh ấy rất quan trọng trong quyết định này, em nhé. Em hãy cho anh ấy một cơ hội thể hiện vai trò của mình, giữa bên tình, bên hiếu, một cách đàng hoàng, đúng đạo nghĩa với cha mẹ và tình vợ chồng.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI