Cha mẹ chỉ là người bình thường nuôi con bằng trái tim mạnh mẽ

01/07/2023 - 06:03

PNO - Lần đầu tiên nghe con nói được tròn câu, anh Huấn đã khóc. Vợ chồng anh gọi điện thoại khoe hết người này đến người kia.

“Tôi từng mơ ước một cuộc sống bình thường với niềm vui làm mẹ như bao người mẹ khác. Nhưng chẳng thể ngờ có lúc tôi đã rơi vào trạng thái buồn đau đến tận cùng, rồi lại sung sướng đến tột độ khi con chạy đến ôm mình. Tôi là người mẹ có con tự kỷ”.

Đó là dòng tự sự của cô giáo Trần Thị Hằng (ở Bảo Lộc, Lâm Đồng) với những gì đã trải qua cùng cậu con trai Trần Như Gia Huy.

16 năm qua, họ đã đồng hành cùng nhau với bao nước mắt và nụ cười
16 năm qua, họ đã đồng hành cùng nhau với bao nước mắt và nụ cười (ảnh gia đình cung cấp)

Hôn nhân chênh vênh khi con tự kỷ

Lập gia đình năm 29 tuổi, 32 tuổi chị Hằng mới sinh con. Hôn nhân của chị với anh Trần Như Huấn bắt nguồn từ mối tình thời sinh viên khi chị học năm 2 trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt.

Mọi người mừng cho chị khi có chồng giỏi làm kinh tế, con trai đầu lòng sáng sủa bụ bẫm như thiên thần. Ngắm con ăn no ngủ ngon, chị Hằng thầm cảm ơn cuộc sống. Nhưng trực giác của người mẹ đã khiến cô giáo dạy Anh văn nhận ra dấu hiệu khác lạ. 15 tháng tuổi, Gia Huy chỉ nói được 3 từ: “ba”,“xe”, “hết”.

Dù mọi người an ủi chỉ là con chậm nói, chị vẫn bất an khi con không tương tác với mẹ, con khóc mẹ không dỗ được. Con không cảm nhận sự khác biệt giữa mẹ và người khác.

20 tháng, bé Huy không còn làm theo các hiệu lệnh vẫy tay, hôn gió, tập thể dục… như trước. Con không đáp lại lời gọi của mọi người nhưng chỉ cần nghe tiếng nhạc quảng cáo là con chạy lại xem say sưa.

Khi con trai 27 tháng, chị Hằng lên mạng run rẩy gõ cụm chữ “dấu hiệu trẻ tự kỷ”. Chị bàng hoàng nhận thấy con có hầu hết những dấu hiệu của một đứa trẻ tự kỷ. Tiếng khóc của vợ vào lúc sáng sớm khiến anh Huấn giật mình tỉnh giấc. Rồi đến lượt anh chết lặng trước những dòng thông tin.

Hôn nhân của chị Hằng từng đứng trước nguy cơ đổ vỡ vì bị mất phương hướng dạy con(ảnh gia đình cung cấp)
Hôn nhân của chị Hằng từng đứng trước nguy cơ đổ vỡ vì mất phương hướng dạy con (ảnh gia đình cung cấp)

Hoang mang, tuyệt vọng là tâm trạng của vợ chồng chị Hằng ngày đó. Họ hoài nghi lẫn nhau và nghi ngờ bản thân. Gia Huy ngày càng mất khả năng kiểm soát hành vi. Bé chạy nhảy vô định, hay cáu gắt và ăn vạ. Không đêm nào anh Huấn chị Hằng yên giấc vì tiếng khóc thất thường của con cùng những lần Huy tiêu chảy, táo bón triền miên.

“Tôi từng rất buồn khi anh Huấn buột miệng: “Vướng vào 2 mẹ con, hỏng hết đời tao”. Lúc đó tôi chỉ muốn ôm con lao vào xe tải để giải thoát cuộc đời, để người đàn ông tôi yêu lấy vợ mới rồi sinh những đứa con khỏe mạnh”. Chị Hằng ngậm ngùi kể.

Đó thực sự là thời gian ác mộng khi đôi vợ chồng không biết mình làm như này đã đúng chưa, con mình thuộc dạng gì trong phổ tự kỷ, mình cần làm gì, gặp ai tiếp theo…?

Cứ thế, họ tự dày vò bản thân và làm tổn thương nửa kia. Cuộc hôn nhân đi vào bế tắc với câu hỏi “buông hay giữ”. 

Nuôi con bằng trái tim mạnh mẽ

“Chúng ta không thể sống thiếu nhau, nên phải nghĩ lại cho sáng suốt. Cuộc chiến với tự kỷ còn dài, cứ như thế này chẳng giúp gì được cho con”. Đó không phải một lời xin lỗi mà là lời thú nhận của anh Huấn trước vợ. Nước mắt lại lưng tròng, nhưng chị thấy rõ hơn con đường phía trước phải vượt qua.

Ngồi lại cùng nhau, gạt “cái tôi” mỗi người sang bên, họ chăm sóc nhau trở lại. Cả 2 đều ý thức được rằng: “Nếu con không thể là đứa trẻ bình thường thì con vẫn có thể hạnh phúc trong sự che chở của ba mẹ. Cứ để con vô tư hồn nhiên theo cách riêng của con”.

Anh Huấn đã từ bỏ sự nghiệp để ở nhà dạy con (ảnh gia đình cung cấp)
Anh Huấn đã từ bỏ sự nghiệp để ở nhà dạy con (ảnh gia đình cung cấp)

Đưa con ra ngoài hòa nhập xã hội, công khai những khó khăn mà con vấp phải với mọi người, họ đã có quyết định đầy dũng cảm. Bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu, bình thản với những lời động viên, thương hại, thứ duy nhất anh Huấn chị Hằng quan tâm nhất là làm cách nào để giúp con.

Anh Huấn quyết định gác lại công việc đang làm, dù đó là nguồn thu nhập chính của gia đình. Anh nói rằng: “Tiền bạc không kiếm lúc này thì lúc khác. Có một núi tiền mà bỏ con trong khi nó cần mình thì cũng trở nên vô nghĩa”.

Niềm tin mạnh mẽ “ba sẽ cứu được con” thôi thúc anh Huấn đưa con đi khám, tư vấn khắp nơi, từ trong nước đến nước ngoài. Nhưng cuối cùng anh nhận ra: “Không ai dạy con tự kỷ tốt hơn cha mẹ”.

Anh dạy con từ những điều nhỏ nhất (ảnh gia đình cung cấp)
Anh dạy con từ những điều nhỏ nhất (ảnh gia đình cung cấp)

Anh Huấn ngày đêm không ngủ để tìm và dịch tài liệu nước ngoài. Trong khi đó, chị Hằng lang thang trong các hội nhóm để được các mẹ có con cùng cảnh tư vấn. Quyết tâm cao là thế, đọc tài liệu đến nát cả sách nhưng áp dụng cho con đâu phải dễ. Thế giới của Gia Huy vẫn là điều bí ẩn mà vợ chồng chị Hằng chưa chạm vào được. Đối diện với con, họ như đối diện với bức tường di động.

Sự nhẫn nại của người cha có ý nghĩa to lớn với sự thay đổi của Gia Huy(ảnh gia đình cung cấp)
Sự nhẫn nại của người cha có ý nghĩa to lớn với sự thay đổi của Gia Huy (ảnh gia đình cung cấp)

Đã có lúc chị Hằng phải ngồi thiền để nhớ lại những sự kiện cảm xúc tuổi ấu thơ, cố gắng tìm hiểu suy nghĩ của một đứa trẻ để đặt mình vào những phản ứng thiếu hợp tác của con. Và rồi chị đơn giản hóa vấn đề “con mình vẫn là một đứa trẻ, nhưng con gặp chút khó khăn cần cha mẹ đồng hành”.

Tiền bạc lúc này rất thiếu thốn, nhưng bù lại, họ dư giả tính kiên trì. Mỗi ngày anh Huấn giành hơn 12 tiếng để lên giáo án cho con. Anh cầm tay con ngày này qua ngày khác, dùng hết 10 quyển vở để bé viết chỉ một nét cong. Cứ thế họ nhẫn nại và chờ đợi.

Lên 5 tuổi Gia Huy nói được câu: “Xin ba cho bé bấm tivi”. Lần đầu tiên nghe con nói được một câu tròn trịa, anh Huấn đã khóc. Vợ chồng anh gọi điện thoại khoe hết người này đến người kia.

Thay đổi nhỏ ở con thổi bùng lên hy vọng lớn. Họ có niềm tin: con trai mình sẽ hòa nhập được với cộng đồng, sẽ được cắp sách đến trường như bạn bè cùng độ tuổi - điều mà một chuyên gia tư vấn trước kia từng nói là Gia Huy không thể.

“Đừng kì thị em nha chị gái xinh đẹp”

Ở độ tuổi 16, Gia Huy vừa đạt kết quả học sinh giỏi cuối năm lớp Mười. Với chiều cao 1m 64, cân nặng 54 ký lại hoạt ngôn và tự biết cách tạo mối quan hệ với mọi người..., ít ai nghĩ rằng đó là cậu bé chỉ biết ngồi 1 mình lấy chiếc chăn làm bạn.

Ngoài học giỏi qua các năm, Gia Huy còn đam mê các cuộc  thi sáng tạo khoa học kỹ thuật (ảnh gia đình cung cấp)
Không chỉ là học sinh giỏi qua các năm, Gia Huy còn đam mê các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật (ảnh gia đình cung cấp)

Huy bây giờ chẳng khác gì một "thanh niên cứng" trong nhà. Huy tự giác học bài và học tốt môn Toán, đứng ra lập nhóm bạn đánh cầu lông.

Từ năm lớp 2, vợ chồng chị Hằng đã tập cho con tư duy “có làm có hưởng”. Bởi thế Huy đã có “lương” ba mẹ trả khi làm việc nhà, phụ mẹ đi chợ... Số liền tích lũy được, cậu trang trải tiền học phí, mua đồ tiêu vặt, mua quà sinh nhật bạn và đặc biệt còn biết đầu tư khi gửi ba để sinh lời.

Chàng trai 16 tuổi đã chủ động tạo lập mối quan hệ cùng bạn bè và có lối sống tích cực (ảnh gia đình cung cấp)
Chàng trai 16 tuổi có lối sống rất tích cực (ảnh gia đình cung cấp)

Gia Huy của hiện tại là kết quả của tình yêu thương cùng sự chăm sóc cẩn thận mọi mặt của gia đình. Ngoài ra còn phải kể đến nỗ lực của bản thân em. Càng lớn, cậu càng hoàn thiện khả năng giao tiếp, làm chủ cảm xúc.

Tuy vậy, Huy vẫn luôn ý thức được rắc rối của mình. Chị Hằng đã từng bật khóc khi con trai chủ động nói chuyện với học trò cũ của mẹ lâu ngày gặp lại: “Tự kỷ không phải là bệnh và không lây đâu. Đừng kì thị em nha chị gái xinh đẹp”.

Chăm rèn luyện thể dục, Gia Huy đang ấp ủ ước mơ trở thành một doanh nhân như ba Huấn (ảnh gia đình cung cấp)
Chăm rèn luyện thể dục, Gia Huy đang ấp ủ ước mơ trở thành một doanh nhân như ba (ảnh gia đình cung cấp)

Có người từng khuyên chị Hằng sinh thêm con khi biết Huy gặp vấn đề. Chị hiểu ý của họ nhưng chỉ cười vì nghĩ rằng: “Đặt gánh nặng chăm sóc một người khuyết tật lên vai một người nào đó, nhất là một đứa trẻ chưa ra đời là điều không nên. Chỉ có cha mẹ mới là người đồng hành dài lâu nếu không có rào cản của sinh tử. Muốn thế, cha mẹ phải có kế hoạch can thiệp ngay và luôn, thay vì đi vòng hay tìm một người thay thế”.

Dù khó khăn đến mấy nhưng chị Hằng vẫn luôn thấy mình được nhiều thứ chứ không bị mất điều gì (ảnh gia đình cung cấp)
Dù gian nan đồng hành cùng con nhưng chị Hằng vẫn luôn thấy mình được nhiều thứ (ảnh gia đình cung cấp)

Có nhiều chương trình truyền hình mời gia đình chị Hằng lên hình để truyền cảm hứng. Anh chị đã tham gia với mong muốn chia sẻ những gì mình trải qua, mình biết được để nhiều gia đình cùng cảnh bớt nhọc nhằn trên hành trình chữa tự kỷ cho con. Họ gọi anh chị là chiến binh, nhưng chị chỉ nhận mình là người bình thường nuôi con bằng trái tim mạnh mẽ.

Sau bao nhiêu mồ hôi và nước mắt, họ cùng nhau chu du khắp nơi để cảm nhận được niềm vui vô bờ (ảnh gia đình cung cấp)
Sau bao nhiêu mồ hôi và nước mắt, họ cùng nhau chu du khắp nơi để cảm nhận được niềm hạnh phúc vô bờ (ảnh gia đình cung cấp)

Trong suy nghĩ của vợ chồng chị Hằng, con bị tự kỷ không phải là dấu chấm hết. Gian nan cùng con là thế nhưng người mẹ ấy lại vui vẻ nói: “Cái được của người mẹ có con khiếm khuyết là họ biết chấp nhận, thấu hiểu, sẵn sàng hy sinh, dễ bỏ qua chuyện nhỏ để thấy yêu đời hơn. Tôi có sẵn gen lạc quan nên thấy mình được rất nhiều mà không mất gì cả”.

Lâm Hoàng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI
  • “Tạm ứng” gối chăn

    “Tạm ứng” gối chăn

    18-12-2024 06:17

    Trong công việc, cuộc sống, người ta có thể tạm ứng nhiều thứ, nhưng tạm ứng gối chăn sẽ để lại nhiều hậu quả khó lường.

  • Chỉ đường cho hươu: Yêu người hơn tuổi

    Chỉ đường cho hươu: Yêu người hơn tuổi

    17-12-2024 18:37

    Lòng con canh cánh về mối tình ngang trái của mình. Mỗi khi nghe ai đó nói “phi công trẻ”, “hồng hài nhi”… là con lại chộn rộn, mắc cỡ.

  • Ai rồi cũng tập thể thao: Bước ngoặt huy hoàng trong công cuộc tập luyện của tôi

    Ai rồi cũng tập thể thao: Bước ngoặt huy hoàng trong công cuộc tập luyện của tôi

    17-12-2024 12:48

    Bạn thuyết phục ròng rã mấy tháng trời. Bạn bảo sẽ cùng tôi đi bộ về đích để tôi không thấy ngại.

  • Chữ hiếu trong kinh doanh

    Chữ hiếu trong kinh doanh

    17-12-2024 08:51

    Tôi thích được ngồi nghe mẹ kể chuyện xưa, được ăn cơm với mẹ, được cùng mẹ đi thăm bà con… Mấy món mẹ nấu là ngon nhất thế giới.

  • Trăm năm trong cái nắm tay

    Trăm năm trong cái nắm tay

    17-12-2024 06:03

    Người ta có thể dễ dàng đến bên nhau, nhưng liệu có bao nhiêu người đi được cùng nhau tới tuổi xế chiều?

  • “Siêu xe” của ông nội

    “Siêu xe” của ông nội

    16-12-2024 16:19

    Chiếc “siêu xe” của ông nội đã theo chủ nhân được gần 15 năm. Mỗi ngày, ông luôn dành thời gian chăm chút nó, như người bạn đồng hành đáng tin cậy.

  • Lời nói như dao

    Lời nói như dao

    16-12-2024 13:03

    Cần tránh những lời nói xúc phạm, miệt thị, thay vào đó là những lời nói lịch sự, tôn trọng, góp phần xây dựng mối quan hệ.

  • Trẻ em cần thế giới thật đầy yêu thương

    Trẻ em cần thế giới thật đầy yêu thương

    16-12-2024 06:21

    Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.

  • Khoảnh khắc dài nhất

    Khoảnh khắc dài nhất

    15-12-2024 17:58

    Chỉ cần gặp mẹ, được ngồi gần mẹ, mọi chênh chao, chơi vơi, xáo trộn đều được lắng xuống, chữa lành.

  • Ngoại vẫn chắt chiu những hạt mè

    Ngoại vẫn chắt chiu những hạt mè

    15-12-2024 16:54

    Có lẽ vì vị mè ướp đẫm mồ hôi của ngoại, cũng có thể vì khói bếp thân thương làm thơm chén cơm nóng hổi quyện cùng vị muối mè mằn mặn.

  • Con bình thường hay đặc biệt?

    Con bình thường hay đặc biệt?

    15-12-2024 06:48

    Mong con thông minh vượt trội hay chỉ cần con khỏe mạnh, bình thường, câu trả lời của bạn là gì?

  • Ngưng đổ lỗi!

    Ngưng đổ lỗi!

    14-12-2024 19:37

    Người luôn tự coi mình là nạn nhân hiếm khi nhận ra lỗi của chính mình, cũng khó có cơ hội nhận ra khả năng của bản thân khi cố gắng.

  • Mẹ chưa bao giờ xa tôi

    Mẹ chưa bao giờ xa tôi

    14-12-2024 15:48

    Sau bao nhiêu năm cách lòng, tôi đã thật sự hiểu mẹ, hiểu rằng mẹ có những lý do để rời xa ba, nhưng chưa bao giờ mẹ rời xa tôi.

  • Nuôi dạy con xuyên biên giới

    Nuôi dạy con xuyên biên giới

    14-12-2024 06:14

    Vì công việc đặc thù, có những ông bố, bà mẹ phải chấp nhận cảnh nuôi dạy con xuyên biên giới.

  • Bầy vịt tháng Chạp

    Bầy vịt tháng Chạp

    13-12-2024 18:30

    Tết đến, cũng đồng nghĩa tôi sắp phải chia tay với chúng. Không ai nuôi vịt để… làm cảnh.

  • Những tấm thiệp Giáng sinh ngày ấy

    Những tấm thiệp Giáng sinh ngày ấy

    13-12-2024 09:22

    Những cơn gió lạnh báo hiệu một mùa Noel nữa lại về. Tôi nhớ cái không khí lành lạnh đặc trưng và nhớ cả những tấm thiệp mừng Giáng sinh.

  • Ai rồi cũng tập thể thao: Pickleball - môn dưỡng sinh vui vẻ

    Ai rồi cũng tập thể thao: Pickleball - môn dưỡng sinh vui vẻ

    13-12-2024 06:24

    Vừa khỏe vừa dễ vui nên pickleball đáng là lựa chọn cho xu hướng thể dục thể thao mới.

  • Thiên đường nhà ngoại

    Thiên đường nhà ngoại

    12-12-2024 17:30

    Tết sắp đến rồi, bà phải ráng mà khỏe, đặng còn lo nhà cửa, bánh trái… đón con cháu. Già thì già, vẫn phải ăn tết chứ.