Cha mẹ càng nói con càng chây ì

31/10/2024 - 14:12

PNO - Trong nhiều gia đình, việc "truyền nhưng không thông" khiến những thành viên mang cảm giác “ứ” thông tin.

Cần có sự truyền đạt để các thành viên trong gia đình hiểu nhau (ảnh minh họa)
Sự truyền đạt giúp các thành viên gia đình hiểu nhau (ảnh minh họa)

Gia đình là nơi các thành viên phải truyền đạt cho nhau thế nào để hiểu ý nhau và làm tốt vai trò nhiệm vụ của mình. Việc truyền thông như hệ thống huyết quản xuyên suốt để nuôi sống cơ thể. Nếu mạch máu nghẽn chỗ nào, ắt hẳn cơ thể bất ổn chỗ đó.

Ở không ít gia đình, khi cha mẹ đã tuổi xế chiều con cái đã trưởng thành, nhưng trong mỗi nguời vẫn còn cảm giác bị “ứ” thông tin ở nơi nào đó mà họ không tiện nói ra.

Như gia đình tôi, có 5 thành viên nên mỗi người một tính cách khác nhau, kiểu ông bà xưa nói “cha mẹ sinh con trời sinh tính”. Người thì hoạt bát, năng nổ; người lầm lì ít nói. Người giỏi giang, lanh lợi; còn người thì thụ động, chậm chạp. Các bậc cha mẹ đều muốn con cái thành đạt, giỏi giang, hiếu thuận. Song mỗi nhà mỗi cảnh và ít nhất sẽ có một người con được coi là “trái tính trái nết”, việc chia sẻ với ba mẹ bằng 0; và ngược lại, cha mẹ cũng không thể nói chuyện được. Sự im lặng kéo dài từ năm này qua năm khác và ẩn chứa thành uẩn ức khi gặp chuyện.

Anh Trung Thành (ngụ Đồng Nai) kể rằng, cha anh vốn gia trưởng, khi con cái phản bác thì ông sẽ nổi nóng quát tháo, thậm chí đánh đập. Dần dần con cái trong nhà không dám phản hồi việc gì, dù bị "lỗi oan" đi nữa.

Anh và 2 anh chị lớn luôn chấp nhận và chịu đựng sự trách mắng của cha cho qua chuyện, nhưng đứa em út luôn phản kháng lại để giành lấy sự công bằng. Người cha lại nghe và chấp nhận ý kiến người con út. Vì vậy, khi cần việc gì, các anh chị đều nhờ em út làm "đại sứ truyền thông" với cha.

Anh nói, có thể một phần do đứa con bé được cha thương hơn và anh con út cũng dùng lý lẽ nhẹ nhàng nên thuyết phục được ông.

Trong các gia đình trẻ hiện nay, nhiều cha mẹ đau đầu trong việc trò chuyện với trẻ. Tiếp xúc với nhiều bậc phụ huynh đều có chung một ý kiến “tụi nhỏ giờ khó dạy quá!”, vấn đề trao đổi, truyền thông tin với con gặp trắc trở. Anh Hoàng Nguyễn (TP. Thủ Đức, TPHCM) bày tỏ: "Cứ nghĩ con gái dễ dạy dễ bảo. Ngờ đâu con gái tôi ương ngạnh khó chiều, trái tính vô cùng. Không đồng ý điều gì cha mẹ nói là cứ ngồi trơ ra, không phản ứng và không làm theo".

Anh Nguyễn vốn điềm tĩnh, nên sau các cuộc "va chạm" với con khoảng một vài ngày hoặc buổi tối trước khi đi ngủ, anh sẽ lựa lời hỏi lại con lý do con phản ứng như vậy. Có khi con trả lời do con không thích hay không muốn, hoặc có khi cháu cũng... lơ luôn.

Con cái và người lớn thường không hiểu nhau do bất đồng quan điểm (ảnh minh họa)
Con trẻ và người lớn thường không hiểu nhau do bất đồng quan điểm (ảnh minh họa)

Tương tự, bé trai 8 tuổi nhà chị Thu Tâm (TP. Vũng Tàu) cũng bắt đầu đổi tính. Chị nói luôn tôn trọng con, để cho con quyết định việc học, việc chơi hay chọn các môn học thêm. Chị không ép, vì nghĩ để con cảm thấy thoải mái, việc sẽ học tốt hơn. Tuy nhiên, mỗi lần nhắc nhở con học bài là mẹ con bước vào “cuộc chiến”, kể cả trong việc vệ sinh cá nhân của con. Luôn miệng hối thúc mà con chẳng hề có động thái tích cực, nên chị bực bội và lớn tiếng. Nhưng chị càng lớn tiếng, con càng chây ì ra.

Hướng dẫn để con tự lập, nhắc con quan sát để học hỏi, thế nhưng ngày này tháng nọ việc truyền thông gãy vụn. Chị phải nhờ cô giáo, hàng xóm hay ai mà con nghe lời để nhờ "nói góp".

Bà ngoại - người bé thương yêu nhất, thường nhỏ to tâm sự với bé mà cũng không mấy hiệu quả. Chồng chị Tâm là người kiềm chế giỏi, nhưng lắm lúc anh cũng nổi khùng vì sự lề mề, không tập trung của con.

Chị lo lắng tìm phương pháp dạy con nhưng bất thành, vì lời nói “chưa chạm được trái tim”. Chị nói: “Tôi gặp chuyên gia tâm lý, nhờ tư vẫn và trợ giúp, tôi mua sách cho mình và con đọc. Họ truyền tải nội dung câu chuyện hợp lý hợp tình, nhưng áp dụng với con lại là một thực tế khác...”

Không chỉ giữa người lớn và người lớn mà người lớn với trẻ nhỏ, việc truyền sao cho thông là cả một vấn đề. Chị Hà Lê (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) đúc kết bằng kinh nghiệm bản thân: “Trẻ nhỏ cũng như người lớn, nói nhiều sẽ khiến con chán và không muốn tiếp thu, thậm chí coi thường lời nói của cha mẹ. Tự va chạm ắt tự chịu hậu quả và đấy cũng là cách để con rút ra bài học kinh nghiệm, để nhớ kỹ và nhớ lâu. Còn việc "truyền không thông" cũng không hẳn lỗi do bản thân người truyền đạt, mà từ 2 phía. Người tiếp nhận có chịu hiểu hay cố tình không hiểu thì truyền đạt giỏi đến mấy cũng không hiệu quả.”

Trinh Huỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI