Khá nhiều vụ án đau lòng từ việc cha mẹ can thiệp quá sâu vào cuộc sống của con, nhất là trong chuyện tình cảm. Nhiều phụ huynh nghĩ, khi yêu bọn trẻ luôn mù quáng và bậc làm cha làm mẹ phải "giúp con khôn ngoan, tỉnh táo".
Dư luận chưa ngừng xôn xao về vụ án mẹ ruột thuê người bắt cóc con gái, con rể trở thành kẻ giết người. Ngày hôm nay, 28/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Long đã ra quyết định khởi tố 7 bị can; trong đó 1 bị can bị khởi tố về hành vi “Giết người”, 6 bị can bị khởi tố về hành vi “Bắt người trái pháp luật”. Bà Võ Thị Kim Chi (53 tuổi) và con trai Nguyễn Thanh Nhựt (21 tuổi) cùng về tội bắt giữ người trái pháp luật, con rể Trần Ngoại Giao (30 tuổi) về hành vi giết người.
Trước đó, ngày 15/11 bà Chi thuê một nhóm người cùng con trai trực tiếp tham gia dẫn đường để tìm và bắt con gái mình là Võ Thị Thúy Hằng. Trong khi thực hiện việc bắt cóc, nhóm người này và chồng chị Hằng là Trần Ngoại Giao đã xô xát làm 1 người tử vong tại chỗ, 2 người bị thương.
Theo thông tin từ người thân, trước đó việc kết hôn của chị Hằng không được mẹ và em trai ủng hộ nhưng đám cưới vẫn tổ chức. Chị Hằng và chồng đã đăng ký kết hôn hợp pháp. Có lẽ bà Chi không thể ngờ hành động can thiệp vào cuộc sống con gái khiến án mạng xảy ra, bà và con trai, con rể đều phải đối diện với các mức án của pháp luật.
|
Bà Kim Chi thuê người đi bắt cóc con gái. Ảnh từ Internet |
Trước sự can thiệp của cha mẹ, các đôi trẻ có phản ứng khác nhau nhưng phần lớn theo hướng tiêu cực. Nhiều người suy nghĩ bồng bột đã chọn cái chết để minh chứng cho tình yêu của mình để lại nỗi đau đớn khôn nguôi cho gia đình.
Hồi tháng 9/2020, một đôi nam nữ (24 tuổi) đã cùng nhảy từ tầng 35 ở khu chung cư số 29 Liễu Giai (Hà Nội) để tự tử. Nguyên nhân được xác định do bị gia đình ngăn cản chuyện yêu đương khiến đôi trẻ tìm đến cái chết đau lòng.
Sau đó, hai gia đình đã quyết định tổ chức lễ tang chung một ngày và chôn cất cả hai sát bên nhau. Đây là tiếng chuông cảnh báo cho việc các bậc làm cha mẹ, sự can thiệp thô bạo và quá sâu vào chuyện tình cảm của con.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp khi bị cha mẹ ngăn cản, đứa con trở nên thù ghét người thân, có hành động tàn nhẫn. Có phiên tòa đẫm nước mắt khi bị cáo ra tay sát hại chính người thân sinh ra mình do bị phản đối tình cảm.
Mới đây, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hoàng Nam (27 tuổi) mức án tử hình về tội giết người. Đau lòng hơn, người bị hại là bà nội, bà ngoại vợ, cha mẹ ruột của bị cáo.
Nam thừa nhận do tức giận vì bị ngăn cản chuyện tình cảm nên nảy sinh ý định giết những người thân trong gia đình. Theo nội dung vụ án, sau thời gian chấp hành bản án 11 năm tù về tội cướp tài sản, Nam về chung sống với chị Như (23 tuổi) tại nhà mẹ ruột ở Hóc Môn.
Đến đầu năm 2019, khi biết Như có thai thì giữa mẹ chồng con dâu xảy ra mâu thuẫn. Mẹ Nam cho rằng thời điểm sinh con không hợp với tuổi bà nên không nhận dâu và cháu nội.
|
Do bị ngăn cản tình cảm, bị cáo Nam đã đoạt mạng bà ngoại vợ, bà nội và cha mẹ ruột. Ảnh từ Internet |
Sau đó, giữa Nam và Như xảy ra mâu thuẫn, Nam đến nhà tìm Như nhưng không gặp và bị bà ngoại của người yêu đuổi về. Nam tức giận rồi lên kế hoạch giết bà ngoại của Như. Sau khi thực hiện tội ác, Nam đi xe máy về nhà dùng dao chém chết mẹ ruột rồi tiếp tục tấn công bà nội và cha ruột dẫn đến tử vong.
Khi bị ngăn cản tình cảm, các đối tượng thường tìm cách trả thù người phản đối một cách tàn nhẫn. Tháng 1/2020, Phạm Văn Thao (31 tuổi, Hải Dương) bị tạm giữ để điều tra về hành vi giết người. Trước đó, Thao dùng dao chém vào cổ và đâm trọng thương ông Thà. Do vết thương quá nặng, ông Thà đã tử vong. Thao khai có tình cảm với con gái ông Thà nhưng bị từ chối. Gia đình ông Thà cũng nhiều lần ngăn cấm khiến Thao nảy sinh ý định giết người để trả thù.
Chắc hẳn nhiều người chưa quên vụ thảm sát 6 người trong gia đình ông Lê Văn Mỹ (Bình Phước) năm 2015, cũng liên quan đến chuyện con yêu đương bị cha mẹ ngăn cản. Nguyễn Hải Dương có quan hệ tình cảm với Lê Thị Ánh Linh (22 tuổi, con gái ông Mỹ), từng có thời gian chung sống với nhau như vợ chồng.
|
Do thù hận khi bị ngăn cản tình cảm, Dương đã sát hại 6 người trong gia đình người yêu. Ảnh từ Internet |
Dương nhiều lần đưa Linh về thăm nhà, cũng đã tính đến chuyện kết hôn. Tuy nhiên, trong quá trình yêu nhau, cả hai thường xảy ra mâu thuẫn cãi vã. Khi đó, mẹ Linh yêu cầu con gái chấm dứt tình cảm với Dương và Dương phát hiện Linh có bạn trai mới.
Sau khi chia tay, Dương cũng quen và yêu người khác, nhưng cảm thấy không thể thiếu Linh nên nhiều lần tìm cách nối lại tình xưa và đều bị Linh và gia đình cự tuyệt. Khi bị ngăn cấm yêu, Dương hận tình nuôi ý định sát hại Linh và những người trong gia đình cô gái để trả thù.
Nhiều bậc cha mẹ vẫn giữ quan điểm có thương mới can thiệp vào cuộc sống của con để giúp con tránh đi vào ngõ cụt. Họ nói rằng họ khó lòng làm ngơ, mặc kệ khi thấy con cái yêu đương mù quáng. Nhưng thực tế, ranh giới giữa tình thương và tội lỗi trong chuyện này rất mong manh.
Sự can thiệp thô bạo, không đúng cách dễ dẫn đến những thảm kịch đau lòng. Vấn đề đặt ra là khuyên nhủ, dạy dỗ như thế nào để con hiểu ra điều phải trái mà không bị ức chế hay "phát điên". Chưa kể, góc nhìn nhận của cha mẹ cũng chưa chắc đã đúng, đã phù hợp.
Làm cha mẹ muôn đời là một "nghề" vô cùng khó. Dù ở tuổi nào, cha mẹ cũng phải nằm chắc các diễn biến tâm lý của con và có kỹ năng sống cùng hiểu biết pháp luật để không thể biến sai lầm này thành sai lầm khác, hay ở mức cao hơn là tạo ra chuỗi tội ác dây chuyền...
Phương Nhung