Nguyên nhân dẫn đến trẻ bị dậy thì sớm
Theo các chuyên gia y tế, tình trạng dậy thì sớm ở trẻ bắt nguồn từ 4 lý do cơ bản.
Trước hết, đó là chế độ ăn dư thừa dinh dưỡng. Tỷ lệ những trẻ béo phì dậy thì sớm hơn hẳn những trẻ bình thường.
Độc tố cũng là một nguyên nhân quan trọng khác thúc đẩy sự dậy thì sớm ở trẻ. Bisphenol A (BPA), một hóa chất công nghiệp trong thành phần sản xuất các loại chai nhựa cứng và hộp đựng thực phẩm tác động tiềm ẩn tới tuyến tiền liệt ở bào thai, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Ngoài ra, hormon estrogen có trong các chất kích thích tăng trưởng ở vật nuôi bị nghi ngờ là thủ phạm gây nên sự dậy thì sớm nếu bé được mẹ cho ăn quá nhiều thịt.
Cuối cùng, các nhân tố xã hội như sách, ảnh, phim, truyện về giới tính khi trẻ được sớm tiếp xúc cũng chính là một phần dẫn đến sự phát triển dậy thì sớm. Chưa kể khi bé bị stress, những hormon tiết ra ở tế bào não cũng “kích hoạt” yếu tố dậy thì sớm như một dạng trầm cảm tiềm ẩn.
|
Ăn quá nhiều đồ ăn nhanh là nguyên nhân gây ra tình trạng dậy thì sớm ở trẻ. |
Tác hại của dậy thì sớm
Tăng nguy cơ mắc bệnh
Trẻ dậy thì sớm cần đi khám để xác định rõ nguyên nhân, phòng trường hợp đáng tiếc xảy ra. Nếu dậy thì sớm do sự kích hoạt của não như u não, tổn thương não... rất dễ dẫn đến tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.
Nếu trẻ dậy thì sớm do bất thường của hormon sinh dục có thể là nguy cơ tiềm ẩn một số bệnh như ung thư vú, ung thư dạ con, ung thư buồng trứng ở bé gái. Dậy thì sớm ở bé trai còn có thể dẫn đến vô sinh nếu không được điều chỉnh kịp thời.
Gây ảnh hưởng đến tâm lý
Những thay đổi trên cơ thể của trẻ dậy thì sớm khác với những trẻ cùng trang lứa sinh ra những vấn đề tâm lý làm cho trẻ ngại ngùng, dễ làm cho trẻ có tâm lý tự ti và để lại di chứng cho trẻ sau khi trưởng thành.
Ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ
Ảnh hưởng rõ nhất của trẻ dậy thì sớm là phát triển tăng nhanh theo tuổi xương, làm cho trẻ nhìn cao hơn so với các bạn cùng lớp. Tuy nhiên, trẻ dậy thì sớm sẽ làm cho đầu xương đóng khép sớm, rút ngắn thời kỳ sinh trưởng, từ đó ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ khi dậy thì, trưởng thành.
Ham muốn tình dục trước tuổi
Sự phát tiển tâm lý dậy thì quá sớm dẫn đến những hành động ham muốn về sinh lý trước tuổi. Do suy nghĩ còn nông nổi, tuổi đời còn nhỏ, khả năng tự khống chế kém nên không thể tránh khỏi những cạm bẫy xã hội, từ đó dẫn đến mang thai hoặc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
Các biểu hiện của trẻ dậy thì sớm
Trẻ dậy thì sớm thường có dấu hiệu “trổ mã”, chiều cao phát triển từ 7-15 cm/năm.
Các bé gái đã có ngực (có thể to một bên), âm đạo tăng tiết chất nhầy, có kinh trước 8 tuổi, lông mu và lông nách xuất hiện trước hoặc sau khi tuyến vú to lên.
Các bé trai “vỡ tiếng”, ria mép lún phún, mọc trứng cá, xuất hiện cơ bắp, có lông xuất hiện ở vùng kín, thể tích tinh hoàn tăng trên 4ml, dương vật to, dài, sẫm màu.
Những việc cha mẹ nên làm để phòng tránh dậy thì sớm ở trẻ
1. Chú ý đến chế độ dinh dưỡng
Hạn chế đồ ăn nhanh và các chất béo, thức ăn nhiều mỡ
Với các đồ ăn nhanh chứa các chất béo và nhiều calo gây kích thích nhanh quá trình trao đổi chất. Từ đó góp phần tăng nguy cơ béo phì và dậy thì sớm ở trẻ.
Có những nghiên cứu cho thấy, ăn nhiều hơn 2 lần trong tuần thức ăn nhanh và thường xuyên ăn thực phẩm nhiều chất béo như dầu mỡ làm tăng khả năng dậy thì sớm ở trẻ cao gấp 2,5 lần. Cho nên để trẻ không rơi vào tình trạng dậy thì sớm cần hạn chế cho trẻ ăn đồ ăn nhanh, thay vào đó là tăng cường cho trẻ ăn hoa quả và thực phẩm tươi sạch.
Cha mẹ cần chú ý không tẩm bổ cho trẻ những món sơn hào hải vị như: tổ yến, bột protein, các loại thực phẩm chức năng…(nhóm thực phẩm bổ dưỡng chứa estrogen rất dễ làm cho trẻ dậy thì sớm) và hạn chế cho trẻ ăn đồ ngọt, thực phẩm chiên như: đùi gà, thịt xiên nướng…chứa nhiều chất béo khiến trẻ thừa dinh dưỡng.
Không nên cho trẻ ăn hoa quả trái mùa
Hoa quả trái mùa có nhiều chất kích thích tăng trưởng, chất bảo quản, trong quá trình vận chuyển, bảo quản, thì lượng dư chất này không hề giảm đi. Khi các trẻ ăn những loại hoa quả này, vô tình bị ảnh hưởng bởi dư lượng chất kích thích có trong hoa quả. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên hạn chế cho các trẻ ăn rau quả trái mùa và các thực phẩm có chất phụ gia.
Sử dụng thuốc bổ hợp lý
Sử dụng nhiều thuốc bổ cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng dậy thì sớm ở trẻ, làm kích thích quá trình phát triển của các bộ phận trong đó có cả bộ phận sinh dục. Vì thế, tuyệt đối không cho trẻ dùng các loại thuốc bổ, thực phẩm bỗ dưỡng, thực phẩm chức năng như sữa ong chúa, sâm, các loại thuốc bổ… nếu không có chỉ định của bác sĩ.
Phụ huynh cần đặc biệt lưu ý, tránh không cho trẻ sử dụng thực phẩm chức năng và các sản phẩm dinh dưỡng, kem dưỡng da chứa nội tiết tố.
|
Cha mẹ nên tập cho trẻ thói quen vận động thường xuyên để tăng cường sức khỏe, đồng thời ngăn tình trạng dậy thì sớm ở trẻ. |
2. Khuyến khích trẻ tăng cường hoạt động thể dục thể thao
Vận động cũng là những hình thức để tiêu hao năng lượng cho cơ thể. Cùng một độ tuổi, những trẻ vận động nhiều có xu hướng “dây” hơn những trẻ khác. Vì vậy cha mẹ cần cho trẻ tham gia vào các hoạt động thể thao như: bơi, nhảy dây, đá bóng, đánh cấu lông….
Theo y học, mô chất béo là một trong những cơ quan nội bài tiết, tiết ra estrogen, thông qua vận động thiêu đốt chất béo cũng có thể giảm thấp mức độ hormone trong cơ thể trẻ. Đặc biệt là tăng cường luyện tập chân, mỗi ngày nên đảm bảo tập luyện 30 phút, các môn thể dục thích hợp là chạy bộ, leo cầu thang và nhảy dây.
3. Tập cho trẻ thói quen ngủ đủ giấc ngay từ nhỏ
Mỗi ngày cần ngủ chất lượng cao đủ 8-9 tiếng để đảm bảo tuyến yên ban đêm tiết ra đủ hormone phát triển, bởi vì hormone phát triển có tác dụng thúc đẩy quan trọng giúp cơ thể trẻ nhanh phát triển chiều cao.
|
Không nên cho trẻ tiếp xúc với các loại mỹ phẩm người lớn. |
4. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với môi trường không phù hợp
Những sản phẩm như mỹ phẩm, hình ảnh, văn hóa dành cho người lớn có ảnh hưởng rất lớn đến trẻ trong giai đoạn phát triển và khám phá. Ngoài ra, 1 điều khá quan trọng đó là không nên để cho trẻ nhìn thấy lúc cha mẹ có tình cảm “thân mật” và cần giáo dục giới tính cho trẻ từ sớm.
Khánh Linh