Cha của cô bé Alice đã quyết định từ giã cõi đời một cách đột ngột, để lại cho Alice một thế giới trống rỗng và tang thương. Nhưng nhờ tình yêu và mối tương liên của người cô ruột đối với cha của Alice, cô bé đã tìm thấy nơi nương náu tâm hồn không thể tuyệt vời hơn.
Câu chuyện chia sẻ trên tờ New York Times khiến hàng ngàn người vô cùng xúc động. Dưới đây là nội dung câu chuyện do cô của Alice kể lại.
"Vào tháng 12, tôi chuyển đồ đạc trong phòng ngủ của cô cháu gái 10 tuổi từ căn hộ của anh trai ở Portland, bang Oregon, đến căn nhà của mình cách đó nửa dặm, nơi tôi cố gắng tạo ra một bản sao hoàn hảo: tường sơn cùng màu, các bức tranh và thú nhồi bông được đặt đúng vị trí.
Alice sẽ sống cùng gia đình tôi ba ngày trong tuần vì cha cô bé – James, anh trai tôi – vừa tự tử ở tuổi 37. Mùa thu vừa rồi, James trông vẫn ổn; thế nên dù biết anh mắc trầm cảm, không ai trong chúng tôi có thể lường trước sự việc.
Mười tháng trước, khi quyết định ly hôn, James và vợ, Trina, cùng nuôi dưỡng Alice. Nhưng với công việc y tá bận rộn, Trina không thể chăm sóc Alice toàn thời gian sau khi chồng cũ qua đời.
Là người đã lớn lên cùng James, chia sẻ cuộc sống gần gũi với anh, mặc chung cả chiếc áo, cái quần, đôi tất, tôi tha thiết mong muốn nhận nuôi Alice, đặc biệt là trong khoảng thời gian khó khăn này.
Chẳng bao lâu sau, tôi bắt đầu tìm hiểu cuộc sống online của James. Tìm kiếm câu trả lời cho cái chết của anh, tôi lục lọi các tài khoản email, Facebook, Instagram, Snapchat, tài khoản ngân hàng, trang web trao đổi của kỹ thuật viên BMW… và cả hóa đơn rác.
Cái tôi mong mỏi nhất là lịch sử trình duyệt trên điện thoại, cho rằng đây có thể là một đầu mối quan trọng, nhưng chiếc điện thoại nhất quyết từ chối sau nhiều lần nhập mật khẩu sai.
Dẫu biết nó nhất định là sự kết hợp giữa 0 và 4, tôi không thể sắp xếp hai con số theo trình tự chính xác. Trong lúc bối rối, tôi vô thức bấm đi bấm lại dãy số 4-0-0. Cuối cùng, tôi đã có thể kết nối được với một số tính năng của chiếc điện thoại, nhưng không phải là lịch sử trình duyệt.
Cuộc gọi đầu tiên là từ cha tôi trong buổi sáng mùa đông buốt giá, theo sau là một loạt cuộc gọi và tin nhắn cho người thân, bạn bè cho đến khi thi thể anh được phát hiện lúc gần trưa.
Sau khi rời khỏi nhà James, tôi và mẹ lái xe đến nhà Trina để đón Alice, cháu đang ngồi khóc trên ghế, khuôn mặt trắng bệch, người run bần bật.
Giá như tôi có thể biến thành anh trai chỉ trong chốc lát thôi, tôi sẽ ôm con bé mà nói: “Đừng buồn, Blueberry. Cha quay lại rồi đây.” Và Alice sẽ cười khúc khích, lăn lộn trên đùi tôi.
Tối hôm đó, tôi ghi lại chi tiết các thông tin trong điện thoại. Nếu một ngày nào đó Alice thắc mắc về câu chuyện, tôi sẽ kể cho cháu không thiếu điều gì.
Ký ức về những ngày sau trở nên mờ nhạt, cả gia đình phải đối diện với mất mát khi mùa Giáng sinh đang đến gần.
|
Con yêu bố! |
Đêm Giáng sinh, Alice nhắn tin cho tôi: “Cha có mua quà Giáng sinh cho cháu không ạ?”
“Có chứ! Rất nhiều là đằng khác!” – tôi trả lời.
Những món quà James dành cho Alice nằm trên bàn làm việc, chưa được gói và cũng không có thiệp chúc. Với nét chữ giống anh, tôi đem chúng về nhà để ghi lại những lời yêu thương thay cho James, vừa viết vừa sợ nước mắt sẽ làm nhòe dòng chữ.
Buổi sáng Giáng sinh, tôi phải kiềm chế cảm xúc để tặng món quà cho Alice. Hôm sau, khi con bé đi Seattle với ông bà, tôi và chồng có thời gian dọn dẹp căn phòng, mà có thể nói là di chuyển cả căn phòng, từ nhà James đến nhà chúng tôi.
Alice lại nhắn tin: “Phòng của cháu đang ở nhà cô ạ?? Đừng gửi ảnh cho cháu nhé, cháu muốn được bất ngờ!”
“Cháu sẽ yêu nó đấy. Nó trông y hệt như cũ.”
Trong khoảng thời gian chăm sóc Alice, tôi làm tất cả những gì mà James vẫn làm: đưa cháu đi ngủ mỗi tối và âu yếm đón cháu dậy vào sáng hôm sau, bên tấm chăn cũ mang mùi kỷ niệm.
|
"Buồn là khi... bạn nhớ bố tha thiết." |
Nhiều tháng cứ thế trôi qua, chồi non xanh bắt đầu nhú lên dưới lớp tuyết đã mỏng đi nhiều phần. Cuộc sống không có James tưởng như đi vào quỹ đạo, nhưng Alice trở nên khó ngủ, dù căn phòng và thói quen sống của con bé không hề thay đổi.
Alice bộc lộ nhiều hành vi phức tạp, như nếu không thể ngủ trên giường, cháu sẽ ngủ trên ghế. Nếu không thể ngủ trên ghế, con bé sẽ ngủ trong phòng của các em. Nếu nỗ lực vẫn không thành công, Alice sẽ ngủ với tôi và chồng. Tồi tệ nhất, khi mọi trường hợp đều thất bại, cháu sẽ gọi cho mẹ để được đón lúc nửa đêm.
Một lần nữa, tôi ước mình có thể biến thành James trong chốc lát.
Nhiều đêm liền, sau khi chồng ngủ say, tôi lặng lẽ đăng nhập vào Facebook của James. Hai lần quên đăng xuất cũng là khi tôi vô tình gửi tin nhắn cho bạn bè của anh, khiến họ câm lặng, hoảng sợ.
Nhưng tôi lại cảm thấy nhẹ nhàng, ít nhất James vẫn còn sống trên mạng xã hội, cho đến khi Facebook chuyển nó thành tài khoản tưởng niệm, rồi khiến nó biến mất mãi mãi.
|
"Hạnh phúc là khi... được cha ôm vào lòng." |
Nhưng tài khoản email của James không chết. Thường xuyên kiểm tra mail trên máy tính, tôi biết James không nhận được email nào mà chỉ là tin rác hoặc thông báo từ nhiều nguồn, như trường học của Alice hay tổ chức cứu trợ động vật.
Nhưng ngày kia, một email bất ngờ hiện lên: “chào bố”.
Tôi sững sờ một lúc lâu, nhìn chằm chằm vào tin nhắn của Alice, cảm thấy hoàn toàn tuyệt vọng và vô dụng. Liệu tôi có nên trả lời? Một người bạn khuyên nhủ: “Đừng đóng giả James khi Alice chưa đồng ý.”
Tôi mất một vài ngày để tìm hiểu về cách trò chuyện của hai cha con. Tôi đọc tất cả email và tin nhắn mà James gửi cho con bé. Tôi nghiên cứu nhịp điệu, từ vựng, từng dấu chấm câu, chấm than và cả cách thể hiện tình cảm.
Rồi tôi nhắn: “Cô đang dùng email của cha cháu. Cô có thể viết thư cho cháu từ đó không?”
Alice đáp lại: “Gì cơ ạ? Vâng, được thôi.”
“Cô nghĩ cô muốn chơi trò đóng vai một chút.”
“Ồ, cháu hiểu rồi. Ổn thôi ạ.”
Hôm sau, tôi trả lời email “chào bố” của Alice: “Chào Alice!!! Yêu con!!!”
Ngày tiếp theo, con bé nhắn: “chào bố, bố gửi email đó khi con vẫn ở trường đó nhé.”
“Oooooops! Con có đọc nó trong lớp không thế? Nhớ con nhiều lắm Blueberry!!”
“Con chỉ lướt qua nửa tin nhắn rồi học xong mới đọc hết.”
“Đúng là con gái của bố. Bố nghe rằng con bị khó ngủ ở nhà cô Jessies? Mong tối nay con sẽ ngủ ngon hơn!!!!”
“Vâng,” con bé đáp.
Ngày hôm sau, chuông báo email lại rung lên: “Công việc thế nào hả bố?”
“Bận rộn lắm!! Bố đang được nghỉ một lúc!! Bố nhớ con!!! Yêu con nhiều Alice!!!”
“Con nhớ bố lắm, con yêu bố”
Tôi không biết Alice nghĩ gì về những cuộc trò chuyện này, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục làm vậy cho đến hôm nay, dù ít thường xuyên hơn. Con bé hiểu rõ chúng tôi đang giả vờ, nhưng ai mà biết cháu có những suy nghĩ gì?
Alice chẳng bao giờ bộc lộ cảm xúc qua lời nói. Cháu viết email để nói nhớ và yêu thương cha rất nhiều. Cháu muốn được hỏi thăm, được trả lời để bằng mọi cách vượt qua nỗi trống rỗng. Và tôi cũng vậy.
Tôi mở email của anh trai 24/7 và luôn cố gắng trả lời Alice trong vòng nửa giờ. Đến nay, con bé có thể ngủ ngon ở nhà tôi, dù đôi khi vẫn ngủ trong phòng hai vợ chồng. Tôi nhắn tin cho cháu mỗi tối để hỏi: “Chào con, hôm nay thế nào?” và Alice sẽ kể với tôi về những sự việc vui vẻ, bình thường và buồn rầu trong ngày.
Tôi không thể hàn gắn tổn thương hay đem cha của Alice quay trở lại, nhưng tôi có thể nỗ lực để khiến hiện tại trở nên tốt đẹp nhất. Tôi để Alice sống trong căn phòng quen thuộc, tâm sự qua email, ôm cháu trong vòng tay và nói: “Cháu sẽ ổn thôi, Blueberry. Có chúng ta ở đây rồi.”
Và chúng tôi nhất định sẽ ổn thôi".
Ngọc Anh (theo New York Times)