Tôi với Ngần đang ngồi ở quán cà phê, trước cửa một trung tâm thương mại lớn, thì thấy một cặp nam nữ đẩy xe đồ ra. Ngờ ngợ, tôi nói với Ngần, hình như mình quen người đàn ông kia, mà “não cá vàng”, nghĩ mãi không nhớ ra là ai. À, hóa ra đó là ông tiến sĩ Lê, chuyên đi giảng dạy mấy chương trình kỹ năng sống, hạnh phúc gia đình này nọ ở các trung tâm. Nhưng cô gái kia đâu phải vợ ông ấy. Tôi từng thấy hình vợ ông Lê này trên mạng. Chả lẽ nào? Mà ông Lê kia vốn đạo mạo, nghiêm túc lắm, tiếng là “thầy” cơ đấy, làm sao có thể cùng phòng nhì đi mua sắm công khai thế này?
Tôi bảo Ngần ngồi chờ, để mình lại gần xem có phải không. Nhưng người đàn ông đã nhanh chóng đi lấy xe, chỉ còn lại cô gái đang vội vã lấy chiếc khẩu trang loại lớn mang vào. Ở một địa điểm sang trọng, có phần đông đúc, nhưng sạch thơm thế này, hầu như chẳng ai phải sử dụng khẩu trang cho mục đích thông thường của nó cả. Phải chăng cô gái cẩn thận, không muốn gặp người quen? Nhìn kỹ, cô chỉ chừng 30 tuổi, ăn mặc có phần chải chuốt, diêm dúa, nhưng không thể gọi là quý phái hay đẹp. Thậm chí, nếu khắt khe, có thể nghĩ, cô gái được “nhặt” từ nơi chốn phức tạp và tế nhị, như quán xá hay cắt tóc mát-xa chẳng hạn.
|
Ảnh minh họa |
Tôi còn đang loay hoay nghĩ ngợi thì đã thấy người “giống ông tiến sĩ Lê” trờ xe tới, nhanh chóng mở cốp sau. Họ vội vàng chất đồ lên xe rồi rời đi, bỏ lại tôi đứng tần ngần, lòng vẫn nghi hoặc, sợ mình nhận nhầm người…
Tôi chợt nổi máu nhiều chuyện, lấy điện thoại ra gọi cho một anh đồng nghiệp, vốn chơi thân với ông tiến sĩ Lê: “Anh này, cho em tò mò xíu. Có phải anh Lê bạn anh chạy chiếc Ford Everest không?”. “Đúng rồi, mà sao em?” - anh bạn hỏi. “Không, là em vừa gặp ông Lê nhà anh đi với bồ” - tôi đáp và bất ngờ khi nghe anh bạn nói thản nhiên: “Thì có vấn đề gì đâu. Em phải biết, vợ anh Lê nay đã ngoài tuổi hưu. Hưu hết mọi thứ. Mà anh Lê thì cũng phải sống cho ra cái hồn người chứ. Đời được mấy tí đâu mà phải ép xác”.
Hóa ra trong suy nghĩ của nhiều bậc nam nhi chi chí, chuyện bồ bịch ngoài luồng là chuyện nhỏ, chẳng có gì phải e ngại hoặc xấu hổ. Rồi tôi chợt nhớ, cách đây chưa bao lâu, trên Facebook cá nhân của ông tiến sĩ khoe một loạt ảnh nhân dịp kỷ niệm mấy mươi năm ngày cưới. Cũng anh đồng nghiệp của tôi đã vào khen ngợi đẹp đôi, hạnh phúc viên mãn, tình vợ chồng tuổi heo may khắng khít… Tôi lúc ấy cũng ngưỡng mộ tình cảm thắm thiết của một đôi vợ chồng đã ở cái dốc bên kia cuộc đời, trải qua hầu hết thanh xuân với nhau và giờ vẫn êm ả, mặn mà. Có ai ngờ đâu…
Ngần nhìn vẻ thẫn thờ, thất vọng của tôi, bèn lên tiếng an ủi, chắc họ chỉ mèo mả gà đồng, ông tiến sĩ chắc chỉ vì nhu cầu giải quyết sinh lý thôi. Nhưng sao chẳng lựa cô nào trông thuần hậu, dễ thương xíu, mà lại dấn vào mối quan hệ với một kẻ nhìn “ớn ăn” thế kia. “Hay cứ mạnh dạn gọi, nói thẳng với ông Lê, thà anh cặp bồ với em còn ngon hơn” - Ngần bật cười, đùa cợt trước vẻ thất vọng của tôi.
Mà kể ra, ông Lê kia cũng liều thật. Là người chuyên đứng trước hội trường cả trăm học viên, vậy mà cũng dám dắt díu nhau ra nơi công cộng, không sợ bị thiên hạ nhận mặt. Đúng là ăn vụng còn bất chấp. Nhìn những thứ họ mua sắm mà xem, cứ như một gia đình thật sự: khăn giấy, bia với đồ ăn, dầu gội, nước mắm... Chẳng phải là một mối quan hệ mới mẻ gì đâu. Phòng nhì thực sự rồi. Có khi còn sinh con đẻ cái với nhau nữa không chừng.
|
|
Tới đây, Ngần kể, ở cửa hàng chuyên bán đồ bà mẹ và em bé của bạn, có một ông khách hàng quen. Ông cũng ngấp nghé tuổi hưu rồi, nhưng vẫn thường xuyên đến mua đồ cho trẻ sơ sinh, tự giải thích vu vơ là để tặng đối tác. Thế nhưng, những món đồ ông mua cứ lớn dần theo năm tháng, toàn mấy thứ thiết yếu, chu đáo và đều đặn chẳng khác chi một ông bố thứ thiệt. Ngần bảo, già chát thế rồi, chỉ có thể là con rơi “gởi gắm” ở đâu đó, chứ nếu vợ nhà thì ở tuổi ấy, con hẳn đã vào đại học rồi. Rồi bạn thở dài, chả lẽ đàn ông bây giờ khủng khiếp thế, hôn nhân thời nay toàn bi kịch dối lừa?
Chúng tôi ngồi lặng thinh sau câu hỏi như đánh đố của Ngần. Từ lúc nào, người ta coi chuyện “ngoài vợ ngoài chồng” là việc đương nhiên, bé mọn, thậm chí như đồng lõa và ủng hộ. Cái câu “tuy vợ đã hết hạn sử dụng, nhưng chồng vẫn yêu” chỉ có trên ngôn tình và ước mơ của đàn bà thôi hay sao?
Hải Đường