Cha là người nhập cư, con là người Mỹ, bây giờ đi hay ở?

16/01/2018 - 07:00

PNO - Năm năm qua, Rogelio Galdamez đã tích cóp đủ tiền để để xây dựng thêm một ngôi nhà ở quê hương El Salvador, nhưng nay ông đột ngột bị cuốn vào một cơn lốc lớn, đe dọa chia cắt chính gia đình ông ở Mỹ.

Tuần trước, chính quyền của Tổng thống Trump mới tuyên bố chấm dứt Quy chế bảo vệ tạm thời (TPS) đối với hơn 250.000 người El Salvador chạy trốn cuộc nội chiến và thiên tai trong nước đến Mỹ.

Cha la nguoi nhap cu, con la nguoi My, bay gio di hay o?
Người biểu tình kêu gọi Quốc hội Mỹ hành động để giúp người El Salvador và những người nhập cư khác sắp bị tước quy chế TPS - Ảnh: CNN

Người nhập cư El Salvador đang hưởng quy chế TPS sẽ có 18 tháng trước khi họ mất địa vị pháp lý của mình và có thể bị trục xuất về nước.

Một trong số những người phải đối mặt với lệnh trục xuất là Galdamez, người đã sống hợp pháp tại Hoa Kỳ theo quy chế TPS từ năm 2001. Ông mới trở về El Salvador thăm gia đình trong kỳ nghỉ hè và lo tiến độ xây dựng nhà cho gia đình bị chậm trễ.

Hành trình tới Mỹ: "Tôi phải ăn cả thức ăn thối rữa”

Galdamez, 47 tuổi, rời El Salvador đến Mỹ vào năm 1999 khi đất nước ông đang hồi phục sau nhiều năm bị nội chiến tàn phá.

Cha la nguoi nhap cu, con la nguoi My, bay gio di hay o?
Ông Rogelio Galmadez rời El Salvador đến Mỹ 19 năm trước - Ảnh: CNN

Ông đã nhiều năm chứng kiến bom đạn của cuộc chiến và quyết định rời làng đi về phía bắc, đến miền đất hứa Hoa Kỳ.

"Tôi ngủ trên núi, uống những vũng nước dơ bẩn, và ăn thức ăn thối rữa, nhưng tôi đã thực hiện được mục đích của mình”, ông Galdamez kể về chuyến đi hãi hùng xuyên qua Trung Mỹ và Mexico để đến Mỹ.

Sau đó, vào tháng 1/2001, một trận động đất mạnh 7,7 độ richter đã tàn phá El Salvador. Hơn 1.100 người thiệt mạng, thêm 1,3 triệu người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.

Khi mới đến Mỹ, Galdamez làm bốc xếp tại bến tàu và chăm sóc vườn nho. Ông hiện là người lái xe cho một công ty cây xanh ở Riverhead, cách thành phố New York gần 150km về phía đông.

Trong số 10 anh chị em ruột của Galdamez, chín người cuối cùng đã di cư đến Mỹ sống cùng gia đình ông. Có thể chế pháp lý, Galdamez đã mua nhà, đóng thuế và nuôi dạy ba đứa con của mình, tất cả đều sinh ra ở Mỹ.

“Ai sẽ bảo vệ con cái người El Salvador ở lại Mỹ?”

Cha la nguoi nhap cu, con la nguoi My, bay gio di hay o?
Rogelio Galmadez với ba người con sinh ra ở Mỹ - Selhvin, Josslin và Marelin - Ảnh: CNN

Sự xuất hiện của trào lưu chống nhập cư và chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống của ông Donald Trump đã khiến Galdamez lo lắng rằng thể chế nhập cư của ông có thể bị hủy bỏ.

Galdamez nói: "Ông Trump không thể phát biểu về người nhập cư và đối xử với chúng tôi như cách ông gọi chúng tôi tội phạm. Chúng tôi không phải tội phạm, chúng tôi là người lao động”.

Nhưng khi đối mặt với khả năng sống bất hợp pháp ở Mỹ và bị tách khỏi gia đình, ông Galdamez đang xem xét việc trở lại El Salvador.

Ông chia sẻ: “Điều đó có nghĩa là ba đứa con của tôi - Marelin, 15 tuổi; Selhvin, 10 tuổi và Josslin, 6 tuổi – sẽ đến một đất nước các con chưa bao giờ sống.

Marelin, Selhvin và Josslin phải đối mặt với một cuộc sống rất khác với cuộc sống các em đã biết ở Hoa Kỳ. Các em lo lắng có thể không bao giờ thích nghi được.

Ba đứa trẻ nhà Galdamez nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh chứ không phải tiếng Tây Ban Nha và các em không quen với đường truyền Internet “chậm như rùa” và mỗi ngày được đánh thức lúc 5 giờ sáng bởi tiếng gà gáy.

"Các cháu không biết gì về El Salvador, nhưng nếu (các quan chức nhập cư) bắt tôi về El Salvador và giữ lại con tôi ở Mỹ thì ai sẽ chăm sóc cho chúng?”, ông Galdamez nói và cho biết vợ chồng ông đã ly thân.

Nhưng cha con nhà Galdamez không có nhiều sự lựa chọn, và những người El Salvador khác cũng đang chuẩn bị sẵn sàng nếu họ buộc phải về nước.

El Salvador - một trong những đất nước nguy hiểm nhất trên thế giới

Cha la nguoi nhap cu, con la nguoi My, bay gio di hay o?
Một người mẹ và đứa con 3 tuổi từ El Salvador đang chờ được chuyển đến trung tâm nhập cư sau khi họ vượt sông Rio Grande vào Mỹ ngày 24/7/2014 - Ảnh: CNN

Trong nhiều thập kỷ, El Salvador bị giằng xé bởi bạo lực của những băng đảng, khiến cho LHQ xem đất nước này như là một trong những quốc gia nguy hiểm nhất trên thế giới.

Ngay cả ở vùng nông thôn xa xôi nơi Galdamez đang xây dựng ngôi nhà của mình, các băng nhóm cũng chặn đường để thu thuế và khủng bố dân chúng.

Cảnh sát El Salvador cho biết chỉ trong hai tuần đầu năm 2018, ít nhất 115 người đã bị sát hại.

Năm 2016, có 5.278 vụ giết người ở El Salvador, theo số liệu thống kê của Bộ Ngoại giao Mỹ, và El Salvador được cảnh báo với mức 3 - khuyến cáo công dân Mỹ cân nhắc khi đi du lịch đến nước này.

Chấm dứt TPS: Cú sốc kinh tế lớn đối với El Salvador

Sự chấm dứt quy chế TPS có thể làm giảm hàng tỷ đô la kiều hối người nhập cư ở Mỹ gửi về nhà, một dòng tiền mặt quan trọng của El Salvador.

Theo Ngân hàng trung ương El Salvador, kiều dân nước này đã gửi 4,5 tỉ đô la cho người thân dưới các hình thức séc, chuyển khoản và tiền mặt trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 11/2017.

Số ngoại hối chuyển về nước bằng gần 1/5 toàn bộ nền kinh tế của El Salvador.

Ông Galdamez nói: "Thật kinh khủng nếu xảy ra cuộc trục xuất khổng lồ, mà tôi gọi đó là địa ngục, là thảm họa. Ai cũng muốn làm việc nuôi gia đình nhưng nay không được như vậy nữa”.

Tuy nhiên, Galdamez nói rằng ưu tiên duy nhất của ông bây giờ là giữ cho gia đình không bị ly tán.

Tai họa sẽ đến nếu một ngày ông không còn được ở bên con cái của mình, và các con ông bị chia cắt khỏi cha - “Đó sẽ là ngày đau khổ nhất đối với mỗi chúng tôi”.

Hoàng Diệu (Theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI