Cha kể chuyện chiến trường, con gái kể chuyện thương trường

21/12/2017 - 12:04

PNO - Với 2 cuốn sách, hai cha con đã cống hiến cho chúng ta món quà tinh thần quý giá vào cuối năm, và đón một mùa Xuân mới đang tới.

Cha là ông Lê Quang Đồng, cán bộ lão thành, nguyên Thường vụ Quận ủy Quận 3, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa thông tin Tiền Giang, nguyên Phó Chủ tịch UBND Tiền Giang.

Cha ke chuyen chien truong, con gai ke chuyen thuong truong
Ông Lê Quang Đồng

Con gái là chị Lê Thị Thanh Lâm, Phó TGĐ Saigon Food, Phó Chủ tịch Hội nữ doanh nhân TP Hồ Chí Minh.

Tác giả Lê Quang Đồng viết cuốn Hồi ký “Gia tài của tôi” và con gái ông Lê Thị Thanh Lâm viết “Người thả diều”.

Cha ke chuyen chien truong, con gai ke chuyen thuong truong
Chị Lê Thị Thanh Lâm

“Gia tài của tôi” đáp ứng những ai thích thể loại Non-Fiction, kể chuyện thật cuộc đời, không hư cấu. Không là nhà văn, nên câu chuyện của ông thật một cách đáng tin cậy. Đó là cuộc đời dài của người thanh niên quê Mỹ Tho trải qua 2 cuộc kháng chiến ở Nam bộ.

Ông tái hiện lại khá tỷ mỷ đời sống suốt từ những năm 1928 khi mình sinh ra. Chuyện nuôi con của bà má những năm 1920-30, nhà vườn sông rạch, lớn lên đi học trường làng, trường Tỉnh, nhận thức nguồn cội, yêu nước, tham gia kháng chiến.

Từ làm giao liên, lao công quét dọn, phản đối thày Nhật cầm gậy gõ đầu học trò, đến tham gia Việt Minh ở Chợ Gạo Mỹ Tho, đi dự các kiểu hội nghị thời chiến, diễn thuyết, về Khu 9…

Kháng chiến chống Mỹ không đi tập kết, ở lại Nam bộ. Phần chiến đấu ác liệt này, ông đổi danh, xưng ba- như là kể lại cho các con nghe. Do đó rất thật chuyện từng vùng đất, từng con người. Hoạt động nội thành, ra chiến khu Củ Chi, ra miền Đông, xuống Mỹ Tho, từng chạy càn đầm mình dưới nước, chiến đấu ở Ấp Bắc…

Cha ke chuyen chien truong, con gai ke chuyen thuong truong
 

Ông từng là Phó văn phòng Khu Ủy Saigon-Gia định thời kỳ ông Võ Văn Kiệt làm bí thư. Là Phó Ban cán sự Quận 3 vào năm 1967. Sau Mậu Thân, ông về Phân khu 2, vào cuộc Tổng tiến công đợt 2. Một cuộc đời dài minh chứng của lịch sử đất nước, Nam Bộ.

Tạo vỏ bọc để hoạt động, ông làm lơ xe chạy Đà lạt và rồi thực sự thành công khi làm “chủ vựa" rau cải buôn bán ở chợ Cầu Muối những năm 58-59. Vừa kiếm tiền nuôi gia đình vừa hoạt động. Thú vị khi đọc đoạn đời này của ông, đấu tranh cãi lý với Đô trưởng Sài Gòn.

Sau này khi Thống nhất, ông trở thành cán bộ lãnh đạo, nhiều chức từ Sài Gòn đến Tiền Giang. Nhưng có 2 điều ông không tự kể, mà do con gái bổ sung. Chuyện nghe khá lạ. Đó là đang làm “chức to” ở Sài Gòn, có lúc Phó ban Tổ chức, nhưng ông xin về quê  Mỹ Tho làm việc. Và chẳng ai đòi, ông tự động trả cả ngôi biệt thự được cấp để…về quê công tác, sống ở nhà hàng ngày đi làm qua đò rất vất vả.

Ông không viết Hồi ký kể công trạng, mà nhớ lại, viết ra vì đã vào tuổi 90, muốn nhìn lại ghi lại cho đời biết đến “bao đồng chí đã hy sinh, biết bao người dân hết lòng đùm bọc”.

Chính vì thế, đời ông chính là một gia tài vô giá để lại không chỉ cho con cái ông, mà cho tất cả chúng ta.

“Người thả diều” là sách của con gái ông, một nữ doanh nhân thành công và xinh đẹp, có tấm lòng mang “di truyền” của người lãnh đạo Cách mạng chân chính.

Chị Thanh Lâm không viết giống “sách kỹ năng quản trị” kiểu hiện nay ra mắt rất nhiều, dịch của nước ngoài. Mà chị gọi đây là “Những câu chuyện chắp cánh ước mơ tuổi trẻ”. Chị nghĩ những gì người doanh nhân trải qua, đóng góp sáng tạo và tấm lòng trong kinh doanh “như một cuốn từ điển sống, hay một cẩm nang bổ ích, mà nếu không chịu khó ghi chép, trao truyền lại thì sẽ mất đi một cách lãng phí”.

Cha ke chuyen chien truong, con gai ke chuyen thuong truong
Chị Thanh Lâm

Chị kể các câu chuyện về kinh doanh trà sữa, chuyện dưỡng uy tín qua chuyện nhập cá Basa, chuyện 5 bước gian nan của dòng sản phẩm cháo tươi, chuyện hơn 10 năm theo đuổi một dòng sản phẩm. Viết về quyền lực mềm chính là sự tinh tế trong kinh doanh nghành hàng thực phẩm…

Những lý thuyết quản trị, xây dựng kỹ năng, xây dựng thương hiệu doanh nhân, mối quan hệ nội bộ, sự rèn luyện đào tạo nhân sự kiểu “má-con, sếp- lính”, xây dựng thương hiệu cá nhân bằng “lời hứa tình yêu”, cách xử lý khủng hoảng…Tất cả không khô cứng như lý thuyết mà thông qua các câu chuyện và đề mục ngắn gọn, cực kỳ dễ đọc.

Người trẻ, những cá nhân khát vọng kinh doanh thành công, chuyên nghiệp, đầy nhân văn …sẽ tìm được ở cuốn “Người thả diều” - cuốn sách bạn có thể đọc một mạch mà không mệt nhọc, thấy lòng nhẹ nhàng, thấm thía.

Đúng như lời nhận xét của doanh nhân Cao Thị Ngọc Dung: Người thành đạt nhiều, nhưng người phụ nữ Việt Nam thành đạt và hạnh phúc không nhiều lắm và cũng không phải ai cũng dành được thời gian để viết, để chia sẻ nên khi nhận được “Người thả diều” tôi rất trân quý. Mong cho ngọn lửa tình yêu trong Thanh Lâm luôn mạnh mẽ, truyền thêm niềm ti yêu cho nhiều bạn trẻ. Mong cho những cánh diều hãy cứ bay lên, bay cao….”

 “Gia tài của tôi” của cha Lê Quang Đồng và “Người thả diều” của con gái Lê Thị Thanh lâm, đều nhận được Giấy phép xuất bản trong cùng một ngày gần cuối năm 2017 do NXB Văn hóa- Văn nghệ ấn hành.

Với 2 cuốn sách, hai cha con đã cống hiến cho chúng ta món quà tinh thần quý giá đọc cuối năm, đón một mùa Xuân mới đang tới.

Nguyễn Thị Ngọc Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI