Anh trai tôi gọi điện thoại: “Em thu xếp thỉnh thoảng về chơi với ba”. “Sao vậy anh?”. “Dạo này anh thấy ba nhắc em hoài”. “Em bận lắm…”. “Ba già rồi em à, về cho ba vui. Tuổi già có đợi được ai đâu”.
Anh cắt ngang không để tôi giải thích về sự bận bịu áp lực thường trực.
Tôi bất ngờ về thái độ của anh. Bình thường anh tôi ít nói, chuyện gia đình hầu như đều qua chị dâu, bởi chị cởi mở và chu đáo hơn anh.
Tôi băn khoăn, hay ba có ốm đau gì mà anh giấu. Từ ngày mẹ mất, ba tôi buồn và yếu đi nhiều. Người già, quãng đời cuối phải đi một mình rất cô đơn. Con cháu dù quây quần nhưng chúng có đời sống riêng, mối quan tâm riêng, không thể bằng người bạn đời đã đồng cam cộng khổ. Con chăm cha không bằng bà chăm ông mà.
|
Con chăm cha không bằng bà chăm ông... (ảnh minh hoạ) |
Tôi gác việc lại về với ba trong buổi sáng cuối tuần yên bình. 2 cha con tôi ngồi bên hiên nhà uống trà sớm cùng những câu chuyện nhẩn nha.
Anh trai tôi thong thả từng chuyện quá khứ đến hiện tại, đôi lúc quay lại hỏi ba có muốn làm cái này cái khác không. Đáp lại, ba cười thật hiền, câu trả lời như cũ: “Ba chỉ cần mấy đứa bây mạnh giỏi, sống vui là được rồi”.
Câu trả lời này, hồi mẹ còn sống, mẹ cũng nói y vậy. Cần gì, muốn gì đều không có cho riêng mình. Người già mà, nỗi lo âu thường trực chỉ hướng đến con cháu.
Giữa chừng những câu chuyện rời rạc, bất ngờ ba quay sang hỏi anh trai: “Sao mẹ bây đi chợ lâu về vậy con?”.
Tôi bất ngờ đến ngây người, mẹ đã mất rồi cơ mà? Nhưng anh trai nháy mắt tôi, thong thả nói: “Chắc mẹ còn ghé nhà cô Sáu. Lúc đi mẹ dặn con vậy”. Ba à ừ vẻ yên tâm. Câu chuyện của ba lại rề rà quay về hiện tại.
Tôi lặng đi, không thể bắt vào cuộc chuyện trò được nữa. Chén trà trở nên đắng ngắt. Cảm giác trong tôi vô cùng lo lắng bất an, nhưng nhìn sang chỉ thấy anh tôi xua tay ra dấu im lặng.
Cũng từ đó thi thoảng trong giữa chừng chuyện trò, ba chen vào một câu hỏi về mẹ. Tôi chợy hiểu ra, ba có dấu hiệu của người già bị lẫn.
“Gần đây, anh thấy ba bắt đầu vậy. Ba hỏi mẹ nhiều hơn. Những chuyện trong ký ức thì tươi mới, còn chuyện hiện tại ba bắt đầu quên”, anh trai giải thích khi ba đi vào nhà.
|
Tuổi già của ba đâu có chờ đợi ai?... Hình minh hoạ |
Tôi vẫn ngây ra, không chấp nhận được sự phũ phàng đó. Với tôi, ba lúc nào cũng hiền hậu, minh triết. Tuổi 83, ba vẫn mỗi ngày đứng bên hiên nhà, ngắm bà con lối xóm qua lại gửi theo một lời hỏi han, hay đợi con cháu về quây quần, hoặc ngắm cây cối vườn tược.
Tôi đinh ninh rằng ba sẽ luôn ở đó, mạnh khoẻ, yên bình như trước đó. Tôi không nghĩ đến thời gian, đến tuổi tác của ba. Tôi chỉ nghĩ mình nhiều việc, mình bận, mình chưa thể về thăm ba được. Tôi đã vô tâm đến nhường nào. Anh tôi nói đúng: Tuổi già của ba đâu có đợi được ai?
Đợi những đứa con hết việc, đợi những chuyến đi chơi của các con trở về, chờ những đứa cháu giãn lịch học hành kín mít… Thực ra nếu không sắp xếp, một gia đình trẻ bao giờ mới hết lí do để sum họp với ba mẹ già. Hàng ngày anh chị tôi đi làm, các cháu đi học, ba chỉ biết ngồi ngóng trông và lòng lại hướng về người vợ đã khuất. Những câu chuyện ký ức cũng cứ thế chảy về.
Ba tôi đang sống với kỷ niệm nhiều hơn. Và nhiều nhất là câu hỏi: “Mẹ đi đâu mà lâu về vậy con?”. Câu hỏi nhói lòng con cháu, và anh tôi phải gọi tôi về với ba nhiều hơn.
Gần một giờ đồng hồ chạy xe về quê, có nhiều gì đâu mà tôi đã lần lữa. Nào bận, nào mệt, nào tập trung cho việc này việc khác… Rõ ràng khi muốn người ta tìm cách, còn không muốn thì tìm lí do. Tôi có vô vàn lí do đổ thừa...
Chỉ mất một giờ đồng hồ thôi là tôi được ngồi bên ba uống trà, nhẩn nha nghe chuyện xưa, nghe cả những thảng thốt của lòng mình khi nhận ra ba đang nhớ mẹ, không đứa con nào lấp đầy được khoảng trống mẹ để lại trong ba.
Tôi hiểu ra anh tôi cũng như tôi, anh rất khó chấp nhận việc ba bắt đầu lẫn lộn. Quá khứ - hiện tại, người sống - người mất, chuyện xưa - chuyện nay… Và anh đang phải đóng vai vờ như hiểu, vờ như đang sống trong những câu chuyện ký ức với ba.
Sao tôi muốn khóc như những ngày thơ bé bị ba mẹ rầy la. Thà như vậy đi, một trận khóc đã đời rồi, mọi chuyện sẽ qua đi. Còn bây giờ, nước mắt không chảy ra được, sự minh mẫn ở ba không thể quay về.
Ấm trà cứ vậy mà nguội ngắt. Tôi và anh trai nhìn nhau, tiếng thở dài không kìm được...
Đinh Hương