Khi mẹ ngỏ ý để cha dượng về sống cùng nhà, tôi đã phản đối kịch liệt. Ngày đó, tôi chưa biết tình yêu là gì nhưng trong suy nghĩ thiển cận của tôi, cha dượng chẳng yêu thương gì mẹ, mà chỉ lợi dụng mẹ thôi. Mẹ có nhà, có đất, có tiền gửi ngân hàng, còn cha dượng đến một tấc đất cắm dùi cũng không.
Tôi chúa ghét những người đàn ông bám váy vợ và trách giận mẹ vì quá mù quáng nên không nhận ra. Gia đình nhà ngoại cũng có suy nghĩ giống tôi, nhưng biết mỗi khi mẹ tôi đã quyết thì có cản cũng không được nên bà ngoại trấn an: “Có thể đây không phải là lựa chọn đúng nhưng là quyết định của mẹ cháu nên chúng ta phải tôn trọng, chỉ cần mẹ cháu được bình yên, vui vẻ”.
Tôi thì không dễ dàng thỏa hiệp như vậy. Tôi chọn cách đi học xa nhà cũng là để tránh đụng mặt cha dượng, dù biết mẹ tôi buồn rất nhiều.
Ngày đó, điện thoại chưa phổ biến như bây giờ, cước gọi điện thoại cũng đắt nhưng mẹ vẫn đều đặn gọi điện cho tôi. Tôi trả lời nhát gừng. Cuộc điện thoại dài nhất cũng chỉ cỡ chừng năm phút. Vậy mà mẹ vẫn cứ cố vớt vát, dượng gửi lời hỏi thăm con đấy. Tôi tuyệt nhiên không muốn nhắc đến dượng nên mẹ khơi lên là tôi bực.
Một ngày, dượng bất ngờ gọi điện cho tôi. Chắc cũng biết “ngòi nổ” cài sẵn trong đầu tôi nên giọng dượng vội vã: “Dượng chỉ muốn nói với con một điều thôi. Thi thoảng con nên chủ động gọi điện về cho mẹ và có nói chuyện với mẹ thì cũng dài dài chút kẻo mẹ con buồn”. Nghe thế, tôi chỉ muốn cúp luôn điện thoại.
Mỗi năm tôi có hai kỳ nghỉ, nghỉ hè và nghỉ tết. Từ ngày có dượng, tôi ít khi về nhà, có về cũng chỉ ở dăm bữa rồi lại đi. Mẹ cứ cố níu kéo tôi ở lại nhưng tôi viện đủ lý do để từ chối. Có lần về nhà, tôi hỏi xin mẹ tiền, mẹ nhăn mặt: “Tiền mẹ vừa gửi đã hết rồi sao? Sao dạo này con tiêu nhiều tiền thế?”.
Tôi sững người, lần đầu tiên tôi thấy mẹ khó chịu khi tôi hỏi xin tiền. Từ trước tới giờ mẹ chẳng bao giờ như thế cả. Tôi bắt đầu có những suy nghĩ u ám. Con mẹ học trên thành phố đắt đỏ chẳng tốn tiền là sao? Dượng sống trong nhà với mẹ chẳng phải ăn, chẳng phải tiêu hay sao mà chẳng thấy mẹ kêu ca gì.
Giận mẹ nên đêm trước ngày đi mẹ đưa tiền nhưng tôi vùng vằng không lấy. Mẹ thấy tôi tỏ thái độ thì bực bội bỏ xuống bếp. Dượng từ ngoài vào dúi vào tay tôi nắm tiền: “Con cầm lấy, đây là tiền của dượng cho con”. Ba từ “tiền của dượng” đập chan chát vào tai tôi. Tôi nhìn trừng trừng vào mặt dượng rồi gằn giọng: “Ông thì làm gì ra tiền, tiền rút từ quỹ của mẹ tôi thì có”.
Rồi tôi gạt phắt đi khiến nắm tiền rơi lả tả trên sàn nhà. Đúng lúc, mẹ tôi đi lên. Tôi đã nghĩ đến một trận lôi đình nhưng dượng tôi vội “chữa cháy”: “Cái quạt này gió to quá, bay hết cả tiền rồi”. Nhiều lần sau đó, dượng lại tìm cách “ghi điểm” với tôi. Nhưng lòng tôi chẳng có chút thiện cảm nào dành cho dượng cả.
Dượng trong mắt tôi được mặc định là gã đàn ông ăn bám. Năm cuối đại học, tôi tiêu tốn khá nhiều tiền của mẹ. Có lẽ mẹ cũng hiểu nên chẳng kêu ca gì, lần sau lại gửi nhiều hơn lần trước. Nhưng có một điều tôi thấy lạ là mẹ ít gọi điện cho tôi hơn. Ngay cả trong ngày tôi bảo vệ luận văn tốt nghiệp xuất sắc cũng không có cuộc điện thoại từ mẹ gọi vào chúc mừng.
Vừa giận vừa tủi thân, tôi cứ ấm ức trong người rồi khi không chịu được nữa tôi đành chủ động gọi về. Người nhận điện thoại là bà ngoại. Bà vừa khóc vừa thông báo cái tin khiến tôi rụng rời: “Mẹ cháu đang cấp cứu trong bệnh viện”. Tôi ra mua vé chuyến tàu hỏa sớm nhất để trở ra Bắc. Suốt dọc đường, tôi chỉ cầu mong điều duy nhất là mẹ sẽ không sao. Đường về nhà với tôi lúc ấy sao mà dài và xa đến thế.
Tôi không về nhà mà vào thẳng bệnh viện, chạm ngay dượng từ phòng cấp cứu đi ra. Hai mắt dượng đỏ hoe nhìn tôi buồn bã. Tôi lao vào giường mẹ nằm. Đôi mắt mẹ đang nhắm nghiền nghe tiếng tôi gọi bỗng mở to nhìn tôi. Mẹ vừa cười vừa khóc nhưng mẹ không nói được nữa. Tôi mừng vì thấy mẹ đã tỉnh lại. Nhưng mẹ chỉ ở lại bên tôi vài giờ rồi vĩnh viễn ra đi.
Tôi bàng hoàng khi mất mẹ. Đó cũng là lúc tôi biết một sự thật đau lòng. Mẹ bị bệnh hiểm nghèo từ hơn một năm trước. Tiền của trong nhà vì thế mà hao kiệt, dượng đã đứng ra xoay xở, lo chạy chữa cho mẹ. Tiền hàng tháng gửi cho tôi là tiền từ mồ hôi, nước mắt của dượng trong những đêm thức trắng vừa canh mẹ vừa dịch tài liệu. Nhưng dượng giấu không cho tôi biết.
Ngay cả khi mẹ phải vào phòng cấp cứu dượng cũng dặn cả nhà đừng ai vội báo tin cho tôi vì hôm ấy là ngày quan trọng nhất trong bốn năm đèn sách của tôi. Dượng muốn mẹ thanh thản ra đi khi nhìn thấy tôi đã hoàn thành tâm nguyện của mẹ.
Trong đám tang mẹ, tôi khóc không thành tiếng. Dượng đi bên cạnh tôi, lúc vỗ nhẹ lên vai tôi, lúc nắm tay tôi thật chặt vì thấy tôi gào thét khi người ta đưa mẹ đi xa dần. Chính trong lúc đau đớn ấy, tôi cảm nhận được từ dượng tình cảm chân thành, nồng ấm, gần gũi của một người cha, thứ mà bấy lâu nay tôi vẫn thiếu. Lẽ ra tôi đã có được điều đó sớm hơn nếu như tôi chịu mở lòng.
Thu Đức