“Cha đẻ” vắc xin bạch hầu từng nhận giải Nobel Y học là ai?

09/07/2020 - 07:00

PNO - Nhà vi khuẩn học Emil Adolf Behring nhận giải thưởng Nobel về sinh lý học - y học vào năm 1901 nhờ tìm ra vắc xin bạch hầu và uốn ván.

 

Nhà vi khuẩn học Emil Adolf Behring (phải) tiến hành thử nghiệm vắc-xin bạch hầu ở chuột lang và thu về kết quả tích cực.
Nhà vi khuẩn học Emil Adolf Behring (phải) tiến hành thử nghiệm vắc xin bạch hầu ở chuột lang và thu về kết quả tích cực.

Emil Adolf von Behring (Emil Adolf Behring) sinh ngày 15/3/1854 tại Hansdorf, Đức. Ông là con trai cả của một giáo viên và người vợ thứ hai với tổng cộng 13 người con. Vì có nhiều con, gia đình gặp khó khăn một thời gian khi trang trải học phí đại học cho Behring.

Vì vậy, ông sớm chuyển sang học Cao đẳng Y tế Armey nổi tiếng tại Berlin. Điều này giúp chàng trai trẻ tiếp tục con đường học vấn, nhưng cũng có nghĩa, Behring phải ở lại phục vụ trong quân ngũ ít nhất 10 năm sau khi nhận được bằng y khoa vào năm 1878.

Hai năm sau khi lấy tốt nghiệp, Behring vượt qua kỳ thi cấp nhà nước và được gửi đến làm việc ở Ba Lan với tư cách là một bác sĩ phẫu thuật. Ngoài công việc thực tế ở Ba Lan, ông cũng dành thời gian nghiên cứu các vấn đề liên quan đến bệnh nhiễm khuẩn tại phòng hóa học của trạm thí nghiệm.

Từ năm 1881-1883, Behring đã thực hiện các cuộc điều tra về hợp chất iodoform trong việc điều trị vết thương và tác dụng khử trùng. Ông cho rằng iodoform không giết chết vi khuẩn như mọi người vẫn nghĩ, thay vào đó, chất này vô hiệu hóa các độc tố do vi khuẩn thải ra và hoạt động như một chất chống độc.

Ấn phẩm khoa học đầu tiên về những phát hiện của ông được xuất bản vào năm 1882. Năm 1888, ông trở lại Berlin để làm việc tại Viện Vệ sinh thuộc Đại học Berlin cùng với Robert Koch là một bác sĩ và nhà sinh học người Đức. Sau đó, ông kết hôn với Else Spinola vào năm 1896 và có với nhau 6 con trai.

Lần đầu tiên vắc xin bạch hầu - uốn ván ra đời 

Bạch hầu là bệnh do vi khuẩn phát triển mạnh trong điều kiện vệ sinh kém. Vào cuối thế kỷ XIX, hơn 60.000 trẻ em chết mỗi năm tại Đức vì căn bệnh này.

Uốn ván hình thành do nhiễm vi khuẩn sống trong đất. Vào thời điểm đó, nó là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, giết chết những người bị thương.

Behring làm việc cùng Koch trong nhiều năm tại viện, phát triển lý thuyết về thuốc kháng độc tố có thể giúp chống lại các bệnh này. Ông cũng hợp tác với nhà nghiên cứu Shibasaburo Kitasato của Đại học Tokyo, về việc xác định chất mang lại khả năng kháng uốn ván ở thỏ.

Trong quá trình này, họ phát hiện ra rằng các chất chống độc (kháng thể) được sản xuất bởi một loài động vật có thể được sử dụng để tiêm chủng cho các động vật khác. Behring và Kitasato cùng nhau xuất bản một bài báo vào năm 1890, đề xuất liệu pháp huyết thanh để gây miễn dịch cho bệnh uốn ván và bệnh bạch hầu.

Năm tiếp theo, Behring làm việc với bác sĩ Erich Wernicke, thực hiện các thí nghiệm trên chuột lang. Họ đã thành công trong việc tiêm phòng cho chuột lang chống bệnh bạch hầu. Mặt khác, những con chuột lang được tiêm huyết thanh từ những con chuột lang đã tiêm vắc xin hầu như cũng không mắc bệnh bạch hầu.

Việc sản xuất huyết thanh dùng làm vắc xin chống bạch hầu từ ngựa đã tồn tại hơn 100 năm.
Việc sản xuất huyết thanh dùng làm vắc xin chống bạch hầu từ ngựa đã tồn tại hơn 100 năm.

Behring và Wernicke muốn sản xuất một loại huyết thanh bạch hầu có tác dụng với con người, nhưng điều này sẽ khá tốn kém. Vì vậy, họ đã đầu tư vào sản xuất huyết thanh từ những động vật lớn hơn, chẳng hạn như cừu và như ngày nay là ngựa.

Năm 1897, nhà sinh lý học Paul Ehrlich nhận ra rằng tiềm năng của thuốc kháng độc tố (kháng thể) đạt đến sức mạnh tối đa không phải ngay lúc đầu được chích mà phải sau một khoảng thời gian nhất định. Với kiến ​​thức này, việc chuẩn hóa huyết thanh trở nên khả thi. Các thử nghiệm lâm sàng trên trẻ em bị bệnh tại bệnh viện Berlin cho thấy tỷ lệ tử vong do bệnh bạch hầu đã giảm một nửa.

Huyết thanh trị liệu phát triển bởi Behring chỉ ngăn ngừa bệnh bạch hầu một khoảng thời gian ngắn. Vì vậy vào năm 1901, Behring lần đầu tiên đã sử dụng một loại vi khuẩn gây bệnh bạch hầu với độc lực yếu hơn bình thường. Thông qua việc tiêm chủng chủ động này, ông hy vọng giúp cơ thể tự sản xuất ra chất chống độc.

Ngày nay, y học biết rõ rằng việc tiêm vắc xin chủ động với vi khuẩn giảm độc lực sẽ kích thích các tế bào tự sản xuất kháng thể. Quá trình phát triển loại vắc xin mới tiêu tốn một vài năm. Năm 1913, Behring ra mắt công chúng sản phẩm phòng chống bệnh bạch hầu của mình. Trong đó chứa hỗn hợp độc tố bạch hầu và kháng huyết thanh trị liệu.

Chất độc này gây ra phản ứng miễn dịch của cơ thể, nhưng không gây hại cho người được tiêm. Ngoài ra, nó được thiết kế để cung cấp bảo vệ lâu dài. Loại thuốc mới được thử nghiệm tại nhiều phòng khám khác nhau, cho thấy độ an toàn và cũng rất hiệu quả.

Behring nhận được giải thưởng Nobel về sinh lý học và y học đầu tiên vào năm 1901 nhờ công trình trị liệu bằng huyết thanh chống bệnh bạch hầu và uốn ván. Năm 1913, ông tiếp tục nghĩ ra một chế phẩm độc tố kháng độc tố mới giúp tăng khả năng miễn dịch đối với bệnh bạch hầu.

Emil Adolf von Behring qua đời vào ngày 31/3/1917.

Thế giới ghi nhận dịch bạch hầu đầu tiên vào năm 1613 tại Tây Ban Nha, được biết đến với tên gọi “El Año de los Garotillos”. Đến năm 1659, dịch bùng phát tại Boston, Mỹ, khiến nhiều trẻ em thiệt mạng.

Năm 1735, một dịch bệnh bạch hầu đáng sợ quét qua New England, Mỹ. Trong vài trường hợp, toàn bộ gia đình chết vì căn bệnh này. Tại một thị trấn ở New Hampshire, 32% trẻ em dưới 10 tuổi chết vì bệnh bạch hầu. Tỷ lệ tử vong gần 40%.

Năm 1826, bác sĩ người Pháp Pierre Bretonneau (1778-1862) chính thức gọi bệnh bạch hầu là diphtérite. Nguồn gốc là từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “da” - mô tả về lớp phủ màu trắng đục xuất hiện trong cổ họng. Tiếng Anh gọi bệnh này là “diphtheria”.

Tấn Vĩ (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI