“Cha đẻ” cuốn phê bình văn học đầu tiên ở nước ta “trở lại” trong bộ sách “Bạn văn bạn mình”

26/07/2021 - 19:06

PNO - Cuốn sách phê bình đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ; người mở đầu cho nền phê bình văn học Việt Nam; Tản Đà “sành” rượu, Nguyễn Tuân là một trong những diễn viên Việt Nam đầu tiên ra nước ngoài đóng phim; tên tiểu thuyết "Tắt đèn" bắt nguồn từ một lời thách đố; hai tiểu thuyết sớm nhất của văn học Việt Nam…

Ở nhà vì dịch COVID-19 cũng có thể “đọc vị” một phần lịch sử văn chương thông qua 10 cuốn Bạn văn bạn mình mới ra mắt của NXB Kim Đồng.

Bộ sách Bạn văn bạn mình gồm 10 cuốn: Phê bình và cảo luận (Thiếu Sơn), Hình dung và tâm tưởng (Lan Khai), Văn thi sĩ tiền chiến (Nguyễn Vĩ), Văn thi sĩ hiện đại (Bàng Bá Lân), Đốt lò hương cũ (Đinh Hùng), Chân dung văn học (Nguyễn Tuân), Mười chín chân dung nhà văn cùng thời (Vũ Bằng), Những gương mặt (Tô Hoài), Cây bút đời người (Vương Trí Nhàn), Bạn văn (Nguyễn Quang Lập).

Bạn Văn Bạn Mình, tập hợp những cuốn sách chân dung văn học đặc sắc nhất của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng viết về những người bạn của mình
Bạn văn bạn mình tập hợp những cuốn sách chân dung văn học đặc sắc của các nhà văn, nhà thơ viết về những người bạn của mình

Đây đều là những cuốn sách chân dung văn học đặc sắc nhất của các tác giả nổi tiếng viết về bạn mình - cũng là những văn nghệ sĩ tài ba. Qua đó, giúp độc giả cảm nhận gần gũi hơn về tác phẩm, tác giả và cung cấp những tư liệu dồi dào, chân thực về lịch sử văn chương...

Theo thông tin từ NXB Kim Đồng, bên cạnh một số thông tin tiểu sử, thủ bút, chữ ký, bạn đọc sẽ được nghe kể về những kỷ niệm vui buồn, tình bạn - tình yêu, cá tính và thói quen độc đáo của các nhà thơ, nhà văn.

Chẳng hạn, tài sành và kỹ trong ẩm thực của Tản Đà, hay Nguyễn Tuân là một trong những diễn viên Việt Nam đầu tiên ra nước ngoài đóng phim. Còn có những chuyện không phải ai cũng biết: Ngô Tất Tố đặt tên tiểu thuyết là Tắt đèn bắt nguồn từ lời thách đố của những người bạn văn; câu chuyện ngoài đời của Nguyễn Nhược Pháp với cô gái “đi chùa Hương”. Hay chuyện Vũ Trọng Phụng viết kiệt tác Số đỏ mà không hề chuẩn bị trước, tới hẹn phải nộp bài cho báo, ông mới ngồi vào bàn viết và hỏi bạn bè: “Kỳ trước tớ viết đến đâu rồi nhỉ?”...

Qua những câu chuyện “trà dư tửu hậu”, thuộc về “bếp núc”, hậu trường văn chương, không chỉ thấy chân dung “bạn mình bạn văn” mà còn thấy cả chân dung, cái tôi hiển lộ của chính người viết.

Bìa bộ sách Bạn văn bạn mình do họa sĩ Vũ Đình Tuấn vẽ
Bìa bộ sách Bạn văn bạn mình do họa sĩ Vũ Đình Tuấn vẽ

Ngoài những tác giả, tác phẩm quen thuộc, bộ sách cũng giới thiệu lại gương mặt văn học đặc biệt, có tính khai mở cho cả một nền phê bình văn học: Thiếu Sơn (tên thật: Lê Sỹ Quý).

Bên cạnh “làn gió mới” từ Thơ Mới và Tự lực văn đoàn đầu những năm 1930 của thế kỷ trước, nền phê bình văn học đầu tiên cũng trăm hoa đua trái với nhiều cái tên như Lê Tràng Kiều, Trần Thanh Mại, Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh... nhất là Thiếu Sơn, người "được coi là một trong những người mở đầu cho phê bình văn học bằng chữ Quốc ngữ ở Việt Nam"; "tác giả của cuốn sách phê bình văn học đầu tiên ở nước ta: Phê bình và cảo luận, Văn học Tùng thư in năm 1933".

Đáng nói, cuốn sách không chỉ mang ý nghĩa mở đầu cho một nền phê bình văn học, mà những gì đặt ra trong đó cách đây đã hơn 70 năm, đến nay, vẫn còn tính thời sự. Trong cuốn này, Thiếu Sơn có nhắc đến 2 tác phẩm được cho là tiểu thuyết đầu tiên của văn học Việt Nam hiện đại: Quả dưa đỏ (Nguyễn Trọng Thuật) và Tố Tâm (Hoàng Ngọc Phách).

Cốc Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI