Không tự cứu mình
Hơn 10 năm trước, chị C.T.M.C. (1979) kết hôn với anh N.P.H. (1982). Hơn một năm sau, chị C. sinh con đầu lòng và bắt đầu hứng chịu những lời lẽ xúc phạm từ chồng. Sau khi sinh đứa con thứ hai, chị C. bắt đầu hứng chịu đòn roi của anh H. Để con có cha, chị C. cố gắng chịu đựng. Nhưng chị C. càng cam chịu thì anh H. càng hung hăng. Không biết bao trận đánh vô nguyên cớ bất chợt ập tới. Nhưng kinh hoàng nhất là anh H. vừa đánh chị vừa bắt hai đứa con ngồi xem.
Đến tháng 10/2018, sau trận đòn khiến chị C. bị đa chấn thương, chảy máu miệng, bầm tím thân thể, chị quyết định nộp đơn xin ly hôn với anh H. và ra đi, để hai con ở nhà với anh H. ở P.15, Q.Tân Bình.
|
Hai con của chị C. ở nơi tạm lánh chờ mẹ đi làm về. |
Chị Nhật, em gái chị C., bức xúc. “Điều đáng giận nhất của chị tôi là sự cam chịu đòn roi, không tố cáo. Sự cam chịu ấy càng khiến anh H. ngày càng hung hăng hơn. Hồi còn ở nhà cũ tại P.Trung Mỹ Tây, Q.12, dù chị tôi đang mang thai 6 tháng, nhưng anh H. vẫn đánh chị bị đa chấn thương. Quá ức, tôi và mẹ tôi đã trình báo với công an khu vực, gõ cửa chính quyền địa phương và cả cơ quan mà anh chị tôi công tác. Nhưng vì chị tôi không muốn tố cáo nên mọi việc trôi vào im lặng. Từ năm 2017, khi gia đình chị chuyển chỗ ở về Q.Tân Bình, chị tôi tiếp tục bị đánh.Tôi phải đích thân đưa chị đi bệnh viện nhiều lần, khuyên chị tìm cách giải thoát, nhưng chị tôi nói muốn con có cả cha lẫn mẹ”.
Cán bộ Hội Phụ nữ phường còn lúng túng trong thực hiện các quy trình can thiệp
Tiếp nhận thông tin, chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị liên quan báo cáo vụ việc. Qua đó cho thấy cán bộ Hội Phụ nữ ở phường đã lúng túng trong tiếp nhận thông tin, lúng túng trong việc thực hiện hướng dẫn của Thành Hội về quy trình can thiệp phụ nữ và trẻ em bị bạo hành.
Chúng tôi sẽ chấn chỉnh những hạn chế này, đồng thời yêu cầu Hội LHPN Q.Tân Bình đề nghị công an, chính quyền quận và phường nơi chị C. cùng các con đang tạm lánh hỗ trợ, theo sát vụ việc, bảo đảm sự an toàn cho họ.
-
|
Con gái lớn của chị C. mới 9 tuổi, thản nhiên: “Ba đánh mẹ hoài, đánh chảy máu khắp mặt, ba còn ép tụi con phải ngồi đó coi. Trước khi đánh ba còn khóa hết cửa, tắt camera. Có lần ba lấy bàn ủi quăng vào người mẹ, rớt xuống đất, bể luôn” .
Hỏi nguyên nhân vì sao phải cùng mẹ đi nhà tạm lánh, bé kể: “Hôm đó là tối Chủ nhật. Ba về nhà hỏi hôm ở tòa (11/3), tòa hỏi con muốn ở với mẹ hay ở với ba? Con nói thật là con muốn ở với mẹ nên ba giận, lấy quyển sách đập trên đầu con, xong ba la hét, lấy tay đấm vào mắt con”.
Sự bạo hành của H. khiến bé bị sưng đầu, bầm đen mắt phải, má trái cũng có một vết tím.
|
Những vết thương chằng chịt trên người chị C. sau những trận đòn của chồng. |
Chiều hôm qua, 24/3, làm việc với đại diện chính quyền, Hội Phụ nữ và cảnh sát khu vực tại nhà riêng, anh H. xác nhận những hành vi bạo lực của mình. Anh ta nói là không nhớ bao nhiêu lần đánh vợ con và giải thích: “Tính tôi nóng nảy, khi nóng lên không kiềm chế được, nhưng tôi cam đoan, phải có nguyên nhân tôi mới đánh vợ con, thậm chí đánh xong, tôi còn chỉ cho các con thấy rõ vì sao mẹ bị ba đánh”. Anh ta cũng lý luận: “Nếu nói luật thì tôi sai. Nhưng phải coi lại người vợ thế nào khiến chồng phải dùng bạo lực”.
Loay hoay tìm nơi lánh nạn
Phải bảo vệ người mẹ và hai con trong và cả ngoài tố tụng
Hội LHPN TP.HCM cần hỗ trợ chị C. và hai con của chị cả trong lẫn ngoài tố tụng, bởi ngay lúc làm việc với cơ quan chức năng và các đoàn thể, anh H. thản nhiên thừa nhận hành vi bạo hành của mình. Anh cũng nói rằng, khi nóng lên anh không kiềm chế được. Như vậy, sự an nguy cho chị C. và hai con hãy còn là chặng dài phía trước. Không phải cái cam kết hay biên bản là đủ mà với trường hợp cụ thể này, tôi nghĩ Hội cần phương án bảo vệ nạn nhân cụ thể.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Bảo vệ quyền trẻ em
|
Chị Nhật xót xa: “Tháng 9/2018, thấy chị C. và hai cháu sống trong tình thế nguy hiểm, tôi cầu cứu UBND P.15, Q.Tân Bình. Họ gửi thư mời vợ chồng C. lên giải quyết. Nhưng cả hai người không ra nên họ mới cử cán bộ đến nhà. Lúc này chị tôi đã trốn đi. Lo lắng cho sự an nguy của chị C. và hai cháu, tháng 1/2019 tôi đã gọi điện thoại cầu cứu Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (thuộc Cục trẻ em, Bộ LĐTB&XH). Thế nhưng, TP.HCM không có nhà tạm lánh đúng nghĩa, nên ngày 25/1/2019, Tổng đài 111 đã yêu cầu P.15, Q.Tân Bình có biện pháp can thiệp”.
Đến lúc này, Hội Phụ nữ cùng cán bộ tư pháp, cán bộ gia đình và trẻ em của phường, cảnh sát khu vực… mới xác minh sự việc. Nhưng phải đến lần thứ ba xuống nhà, các cán bộ phường mới gặp được mẹ của anh H. và biết chị C. đã chuyển về sống với cha mẹ đẻ và đang chờ ly hôn. Hai đứa trẻ cũng cho biết anh H. thường đánh chị C. và bắt hai con chứng kiến. Từ hôm đó, dù đã cử cán bộ giám sát, nhưng Hội Phụ nữ P.15 cũng không nhận được thông tin phát sinh gì thêm.
Thế nhưng, ngày 18/3/2019, UBND P.15 lại nhận được thông tin từ Tổng đài 111 về việc hai bé tiếp tục bị bạo hành, và được Tổng đài trợ giúp về Cần Thơ tạm lánh vì các cơ sở bảo trợ xã hội tại TP.HCM (do ngành LĐTB&XH quản lý) không có nơi tạm lánh cho cả ba mẹ con, hơn thế nữa, khi vào ở tại các cơ sở bảo trợ xã hội này, thì chị C. không thể sáng chiều đi làm còn các bé cũng sẽ không được ra ngoài đi học mỗi ngày. Chị C. phải bỏ việc làm theo hai con về Cần Thơ. Tuy nhiên, do sợ mất việc và con bị gián đoạn học hành nên chị C. lại nhờ Tổng đài 111 xin về TP. HCM.
Ngày 21/3, chị C. và các con đã được Hội LHPN TP.HCM tiếp nhận và đưa về ở tạm tại Trung tâm Công tác xã hội Ánh Dương. Nhưng do nơi đây cũng không đảm bảo an toàn cho ba mẹ con nếu ra ngoài đi làm, đi học, nên sau một ngày tạm lánh ba mẹ con chị C. lại tìm về một nơi khác trú ẩn.
TP.HCM cần có một “nhà tạm lánh” đúng nghĩa
Qua trường hợp bi thương của chị C. và các con cho thấy đã đến lúc TP.HCM phải có một nhà tạm lánh đúng nghĩa. Hiện thành phố có 2.000 địa chỉ tin cậy cộng đồng, nhưng chức năng tạm lánh thì chưa hội đủ. Nhà tạm lánh không chỉ là nơi ngủ một đêm mà trong những trường hợp cụ thể, khi người phụ nữ đi vào ngõ cụt, họ cần được lánh nạn dài ngày, được bảo đảm an toàn sức khỏe và bảo vệ tính mạng, được đảm bảo việc làm và việc học. Một thành phố lớn như TP.HCM, bắt buộc phải có một nơi như vậy, để không chỉ trợ giúp phụ nữ ở TP.HCM mà còn có thể cưu mang nạn nhân từ nhiều tỉnh lân cận. Trách nhiệm này không chỉ của Hội mà còn phải có sự chủ trương và quyết tâm thực hiện của chính quyền thành phố.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam
|
Hai đứa trẻ đã có những biểu hiện tâm lý không bình thường
Qua tiếp xúc, chúng tôi nhận thấy hai con của chị C. có nhiều biểu hiện tâm lý không bình thường. Khi nhắc về cha, trẻ biểu hiện sợ hãi. Nhất là lúc kể chuyện nhìn thấy mẹ bị cha đánh, bị chảy máu, bị cha ném đồ đạc vào người, bị cha bắt phải ngồi xem mẹ bị đánh... Theo tôi, các cháu cần được chuyên gia tâm lý lắng nghe, trò chuyện nhiều hơn để có thể ổn định lại tâm lý.
Bà Phạm Thị Ý Niệm - nhân viên Trung tâm Công tác xã hội Ánh Dương
|
Nghi Anh