Cha của trăm đứa trẻ không máu mủ ruột rà

03/01/2025 - 06:15

PNO - Với tâm nguyện giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn vượt lên số phận, 12 năm qua, ông Bùi Công Hiệp - 66 tuổi, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ em Thiên Thần (TP Thủ Đức, TPHCM) - đã nhận và chăm sóc 129 đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi từ khi lọt lòng.

Người cha "đặc biệt" của 129 đứa trẻ

Sáng thứ Bảy, cả khu dân cư ven sông ở TP Thủ Đức náo động bởi cha Hiệp cùng 40 đứa con từ 8-12 tuổi. Những đứa trẻ dành phần lớn thời gian của 2 ngày cuối tuần cho việc luyện tập thể dục thể thao.

Đang lao nhao như bầy ong, nhưng khi nghe khẩu lệnh của cha, mấy chục đứa con răm rắp vào hàng để nghe cha thông qua chương trình tập luyện: “Sáng nay các con sẽ tập chạy và đạp xe. Sau đó, cha sẽ dạy các con một số kỹ năng tự vệ, như làm sao để thoát khỏi vòng tay người khác, cách té làm sao để không bị chấn thương. Rõ chưa?”.

Ông luôn cố gắng để cuộc sống của các con có nhiều trải nghiệm
Ông luôn cố gắng để cuộc sống của các con có nhiều trải nghiệm

Tiếng “Rõ!” đồng thanh. Ông Hiệp dặn dò từng đứa: “Kim Anh hôm nay chỉ chạy, không đạp xe. Kim Quyên chạy nửa số vòng so với hôm qua, sau đó đạp xe 8 vòng. Kim Đôn chạy 4 vòng nha con”. Những bước chân bắt đầu rầm rập trên đường. Đôi chân rắn rỏi cùng làn da sạm đen khiến những đứa trẻ nhìn như những đứa con của rừng.

Chỉ vào tốp đầu đàn, ông Hiệp cho biết, đứa lớn nhất sinh ngày 4/10/2012, năm nay vừa tròn con giáp. Đó cũng là năm mái ấm Thiên Thần của ông nhận 5 đứa trẻ đầu tiên - những đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ tại bệnh viện. Việc làm cha của những đứa trẻ không máu mủ, ruột rà của ông Hiệp không phải là chuyện ngẫu hứng. Máu phong trào từ những năm cùng học sinh, sinh viên Sài Gòn “Hát cho đồng bào tôi nghe” biến ông thành con người hành động.

Tháng 3/1976, ông là một trong những người đầu tiên của quận Bình Thạnh tham gia lực lượng thanh niên xung phong ở nông trường Phạm Văn Cội (Củ Chi). Đến năm 1979, ông gia nhập quân đội phục vụ ở Trung đoàn 174, Sư đoàn 5, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam.

“Trải qua chiến tranh và thực tế cuộc sống, tôi nhận thấy phụ nữ và trẻ em là những đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất. Cho nên, tôi tự hứa, nếu được lành lặn trở về, tôi sẽ trả ơn đời bằng cách nuôi dưỡng những đứa trẻ không nơi nương tựa, trao cho chúng một mái ấm” - ông Bùi Công Hiệp bộc bạch.

Ra quân năm 1983, ông Hiệp làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Về sau, khi kinh tế gia đình đã khấm khá, ông nhớ lời hứa năm xưa nên bàn với vợ và các con xin mở cô nhi viện trên lô đất gần 2.000m2 ở TP Thủ Đức để nhận “những đứa con không được thừa nhận” về chăm sóc. Năm 2010, mái ấm Thiên Thần được thành lập. Đến nay, ông đã có một gia đình khổng lồ với 129 đứa con, trong đó có 5 trẻ còn đang nằm nôi.

Ngoài việc nuôi các con ăn, học, ông Hiệp hướng chúng đến việc tập luyện thể dục thể thao để phát triển. Theo ông, phần lớn những đứa trẻ không được chăm sóc ngay từ trong bụng mẹ khiến chúng bị ảnh hưởng rất nhiều đến tâm sinh lý khi ra đời và ông muốn các bé vượt qua những thiệt thòi đó bằng chế độ dinh dưỡng tốt, tham gia các hoạt động thể dục thể thao để tìm kiếm sự quân bình.

Ông phấn khởi: “Tôi nhận thấy thể thao có tác dụng tốt. Trong khả năng của mái ấm, tôi cố gắng cho các con tập 3 môn phối hợp (bơi lội, chạy bộ, đạp xe). Tháng Mười vừa rồi, 15 bé tham gia cuộc thi Vietnam Tri Factor Kids 2024 ở Cần Giờ, đoạt giải Nhất toàn đoàn, vượt qua cả đoàn Philippines. Hiện nay, có 5 bé vào đội năng khiếu bơi lội của thành phố, 5 bé mạnh về thể lực thì tham gia môn cử tạ. Trong số này, tôi đã nhìn thấy những bé chắc chắn sẽ vào tuyển quốc gia trong vài năm tới”.

Làm cha ở tuổi làm ông

Dù là người lính đã từng vào sinh ra tử, nhưng khi nói về những đứa trẻ ở mái ấm, ông Hiệp bỗng trở nên yếu mềm, như ông tự nhận: “Cứ nghĩ đến chuyện nếu các con có mẹ có cha thì cuộc sống sẽ khác, tôi trở nên mít ướt”. Trên 4 bức tường của phòng khách, không gian sinh hoạt chung của những đứa trẻ ở mái ấm Thiên Thần, ngoài vô số hình ảnh được chụp khi chúng tham gia các giải đấu thể thao cùng rất nhiều huy chương, ông còn treo trang trọng bài thơ Walk with me daddy - để nhắc mình rằng: mỗi đứa trẻ rất cần sự dìu dắt, dạy bảo của người cha.

Ông kể, hơn 10 năm nay, mỗi ngày 6 bận đưa đón các con đi học, thấy chúng nhìn bạn bè ngồi sau lưng cha mẹ, ông hiểu các con nghĩ gì, khao khát điều gì. Do đó, dù ở tuổi làm ông, nhưng ông vẫn muốn những đứa trẻ gọi mình là cha để khẳng định rằng, ông sẽ là người nuôi dưỡng, chăm sóc chúng, cũng như cố gắng hết sức để thực sự trở thành một người cha trong cuộc đời các con.

Hơn 10 năm nay, cuộc sống của ông Bùi Công Hiệp gắn liền với những đứa con của mái ấm
Hơn 10 năm nay, cuộc sống của ông Bùi Công Hiệp gắn liền với những đứa con của mái ấm

Bình thường, nuôi 1-2 đứa con đã khó, cho nên việc nuôi 129 đứa trẻ với mong ước chúng sẽ “rạng rỡ, thơm tho, đẹp như bông hồng, cứng như sắt thép” của ông Hiệp khó hơn bội phần. Và ông Hiệp cũng hiểu điều đó: “Khó lắm. Khi tôi nói, chúng “dạ” răm rắp. Nhưng trên đường chạy, chỉ cần thấy con chim bay qua, chúng sẽ quên ngay lời cha.

Chưa kể, 129 đứa trẻ sống tập trung dưới một mái nhà, ngày nào chúng cũng lao nhao đủ thứ chuyện. May mắn là ngày xưa tôi đã trải qua môi trường tập thể, cũng từng trải qua cấp chỉ huy từ thanh niên xung phong sang bộ đội nên đã quen với việc lãnh đạo. Cái khó là tâm sinh lý trẻ em tôi chưa từng kinh qua dù mình cũng có 2 đứa con. Do đó, bất cứ khóa học nào về tâm lý giáo dục trẻ em, tôi cũng cố gắng thu xếp để đi học”.

Thế nhưng tâm sinh lý lứa tuổi cũng chưa phải là điều khiến ông lo lắng nhất. Khó nhất với ông là làm sao để định hình tương lai cho các con. Nỗi lo đó khiến ông bắt đầu mỗi ngày từ 4g sáng và kết thúc có khi vào 12g đêm, “quần thảo” liên tục với các bé, hết tốp lớn đến tốp nhỏ để tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của từng đứa để có hướng bồi dưỡng, phát triển phù hợp.

Bé nào học lực giỏi thì tập trung học văn hóa. Bé học lực yếu nhưng có năng khiếu thể thao thì ông sẽ sắp xếp lịch để luyện tập nhiều hơn dưới sự hỗ trợ của huấn luyện viên. Hiện tại, ông vẫn trăn trở vì chưa thể đưa được các môn âm nhạc, nghệ thuật vào mái ấm để hỗ trợ các con về tâm lý cũng như phát triển năng khiếu.

Ông cũng đã tính đến ngày không thể ở bên các con bằng việc chuẩn bị lực lượng kế thừa. “Đột xuất thì 2 đứa con tôi sẽ đứng ra gánh vác, nhưng chính yếu vẫn phải là những đứa trẻ tại mái ấm. Do đó tôi đầu tư cho nhóm đầu đàn rất nhiều, thậm chí cho các con theo học ở trường quốc tế để tiếp cận cái hay, cái mới, học cách quản trị, sau này về tự thu xếp, điều hành mái ấm” - ông Hiệp trải lòng.

“Cha ơi, con qua kia phụ cô Hạnh quét lá nha cha!” - bé Kim Anh cắt ngang dòng suy nghĩ của người cha. Ông Hiệp gật gù ra hiệu bầy con nhanh chóng hoàn thành việc tập luyện để tham gia quét dọn, vệ sinh những con đường mà chúng vừa chạy qua. Đây là công việc thường ngày sau buổi tập mà ông Hiệp vẫn yêu cầu các con phải thực hiện như nghĩa vụ để hỗ trợ các công nhân vệ sinh.

Những đứa trẻ phân công nhau từng phần đường, dùng chổi gom lá khô rồi hốt đổ vào những gốc cây lớn. Ông Hiệp cũng tham gia, vừa làm vừa hướng dẫn các con làm khẩn trương. “Tôi mong chúng “đẹp như hoa hồng, cứng như sắt thép”, nghĩa là ngoài sức mạnh thể lực, mỗi đứa trẻ phải tự tỏa hương thơm” - ông Hiệp vừa làm vừa giải thích.

Với sự dạy dỗ của cha Hiệp, năm vừa qua, các bé ở mái ấm đã dùng hơn 100 triệu đồng từ quỹ tiền thưởng của các cuộc thi thể thao và tiền thu nhặt ve chai để giúp 1 thương binh sửa nhà, hỗ trợ 1 vận động viên thể dục dụng cụ bị té chấn thương trong quá trình tập luyện, giúp 1 bệnh nhân ung thư. Đợt bão lũ vừa qua, các bé cũng bàn nhau mỗi ngày nhịn 1 hộp sữa, nhờ đó mà các bé đã ủng hộ mấy chục thùng sữa cho trẻ em vùng thiên tai.

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI