PNO - Suốt quãng đời thơ ấu, ở hậu cứ đoàn văn công Đồng Tháp, Minh Trường ngày ngày xem cha - NSƯT Vũ Hoài Sơn và đồng nghiệp tập tuồng, tối tối ngồi bên cánh gà coi hát. Trường rất thích nhìn cha hóa thân thành các nhân vật anh hùng, nhưng chưa bao giờ anh nghĩ đến việc sẽ theo nghề cha - trở thành nghệ sĩ cải lương…
Dù là con nhà nòi, cha là kép chánh đoàn văn công Đồng Tháp, nhưng từ nhỏ, Minh Trường được gia đình định hướng tập trung cho việc học. Xong cấp III, Trường khăn gói lên TPHCM học đủ thứ, làm đủ nghề, nhưng không hề có ý định trở thành nghệ sĩ cải lương.
Nghệ sĩ Minh Trường thể hiện vai Trần Thặng (trích đoạn Kẻ sĩ Thăng Long) đã mang về cho anh chiếc Huy chương Vàng cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang (2022) - Ảnh: Ngọc Tuyết
Anh chia sẻ: “Thời gian làm việc ở Phú Quốc, tự dưng tôi muốn nghêu ngao vài câu vọng cổ cho đỡ buồn. Lúc đó chợt thấy cải lương sao hay đến lạ. Những ký ức tuổi thơ sống cùng đoàn hát lúc nào cũng văng vẳng tiếng đờn ca bỗng trỗi dậy mãnh liệt…”. Sau đó, một người bà con rủ Minh Trường đi đờn ca phục vụ khách du lịch. Vậy mà anh kiếm được tiền, còn đắt khách. Rồi mọi người thấy anh xuất hiện ở các cuộc thi tìm kiếm tài năng cải lương. Không ngờ, anh giành luôn 2 vị trí quán quân của cuộc thi Giọt nắng phù sa (2010) và Bông lúa vàng (2011), lọt vào tốp 10 Chuông vàng vọng cổ (2012).
Soạn giả Hoàng Song Việt mời anh về hoạt động cùng nhóm Thắp sáng niềm tin - tập hợp các nghệ sĩ trẻ từng đoạt giải cao tại các cuộc thi và đang nỗ lực giữ lửa sân khấu cải lương. “Về Thắp sáng niềm tin, tôi nhận ra đây là môi trường chuyên nghiệp thực sự, không phải chỗ để mình dạo chơi nữa. Xung quanh các anh chị đều rất giỏi, không cố gắng mình sẽ lạc lõng. Tính tôi cái gì càng khó càng phải học. Được giao vai gì cũng phải cố gắng. Rồi tôi được cố đạo diễn Hữu Lộc chỉ từng bước về sân khấu, được soạn giả Hoàng Song Việt và các anh chị ở nhóm Thắp sáng niềm tin hết lòng hỗ trợ, cứ thế tôi dần trưởng thành” - Minh Trường bộc bạch.
Minh Trường trong vai Nguyễn Hữu Cảnh (vở Chân dung người mở cõi) vừa đạt huy chương vàng Liên hoan Cải lương toàn quốc 2021
Món quà vô giá
Đêm chung kết xếp hạng Chuông vàng vọng cổ (2014), dưới khán phòng nhà hát Đài Truyền hình TPHCM, NSƯT Vũ Hoài Sơn chăm chú theo dõi con trai biểu diễn, và rất hài lòng tin tưởng vào một kết quả xứng đáng. Danh hiệu “Chuông vàng vọng cổ” mở ra bước ngoặt quan trọng cho sự nghiệp nghệ thuật của Minh Trường, cũng mang đến món quà vô giá cho NSƯT Vũ Hoài Sơn - ông biết rằng con trai mình đã thực sự chọn nghiệp cải lương.
32 năm gắn bó với đoàn văn công Đồng Tháp, chứng kiến và trải qua bao thăng trầm của đời sống sân khấu cải lương, hơn ai hết, NSƯT Vũ Hoài Sơn thấm thía sự bấp bênh, vất vả của nghiệp cầm ca. Ông chỉ mong cậu con trai duy nhất học hành tới nơi tới chốn, có được nghề nghiệp và cuộc sống ổn định, chứ chưa từng nghĩ một ngày con sẽ nối nghiệp mình. Một lần người nhà vô tình mở đài nghe trúng dịp Trường thi Bông lúa vàng, bất ngờ và thấy vui trong bụng, nhưng người cha nghĩ đây chỉ như một cuộc thử sức của con mà thôi.
Đến khi Minh Trường từng bước tiến vào đêm chung kết xếp hạng cuộc thi Chuông vàng vọng cổ (2014), chứng kiến những nỗ lực và sự tiến bộ của con qua từng vòng thi, NSƯT Vũ Hoài Sơn hiểu rằng con đã thực sự đam mê và đủ năng lực để đi theo con đường này.
Đồng hành cùng nhau
Trong quãng đời tuổi thơ gắn bó cùng đoàn văn công Đồng Tháp, hình ảnh của cha trên sân khấu lúc nào cũng ăn sâu vào tiềm thức Minh Trường. Như một lẽ tự nhiên, cha đã là thần tượng, ảnh hưởng đến lối ca diễn của anh rất nhiều. Minh Trường cho biết, mỗi lần nhận một vai diễn, là trong đầu anh lại bật lên câu hỏi “cha sẽ thể hiện nhân vật đó như thế nào?”. Những hình ảnh cứ như từ trong ký ức trở về thật sống động. Anh nói: “Tôi thấy vui khi nhiều người nhận xét mình rất giống cha trên sân khấu, chỉ không được đẹp như cha ngày trước mà thôi”.
Cha con NSƯT Vũ Hoài Sơn và Minh Trường cùng tham gia vở cải lương Cũng là tình yêu tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về hình tượng “Người chiến sĩ công an nhân dân” (2015). Đây là vở diễn duy nhất họ đóng chung - Ảnh: nhân vật cung cấp
NSƯT Vũ Hoài Sơn rất hài lòng với năng lực học hỏi, tiếp thu nhanh và sự đa năng của con trai. “Hồi ở đoàn văn công Đồng Tháp, tôi không có nhiều cơ hội trải nghiệm các vai diễn tính cách khác nhau, chủ yếu vẫn là những vai kép mùi. Trường đa năng, diễn được nhiều dạng tính cách nhân vật - bi, lẳng, độc, hài. Điều này rất tốt, nhất là với sân khấu hiện nay” - NSƯT Vũ Hoài Sơn chia sẻ.
Minh Trường cho biết tuy hai cha con không thường xuyên tâm sự cùng nhau, nhưng NSƯT Vũ Hoài Sơn xem các chương trình biểu diễn của anh khá kỹ. “Tôi thi xong chung kết giải Trần Hữu Trang, đêm về là cha gọi điện góp ý, phân tích chỗ này phải diễn thế nào, chỗ kia cần đặt cảm xúc ra sao. Mẹ kể, đi xem về, cha hát lại nhân vật cả buổi. Cha đã sống cả đời cùng sân khấu, những kinh nghiệm diễn xuất được cha truyền dạy là điều tôi vô cùng trân quý” - nghệ sĩ Minh Trường chia sẻ.
Minh Trường còn được đánh giá cao ở tinh thần tích cực học tập, nâng cao trình độ. Anh tốt nghiệp đạo diễn sân khấu năm 2020 và hiện đang theo học cao học quản lý văn hóa tại Trường đại học Văn hóa TPHCM. Minh Trường quan niệm, người nghệ sĩ thế hệ mới bên cạnh việc giỏi nghề, cần có cả tri thức.
“Ngày trước, cha tôi vẫn luôn muốn được đi học, nhưng phải đi hát quanh năm suốt tháng. Ông lại là kép chánh, muốn xin tạm nghỉ để đi học cũng không được. Nghề nghiệp cứ cuốn ông đi, đến lúc lớn tuổi, không còn thường xuyên đứng trên sân khấu, có thời gian rồi thì không còn học nổi nữa. Hiểu rõ cái thiệt thòi của người nghệ sĩ chỉ biết làm nghề, không có cơ hội học tập để nâng cao nghề nghiệp, cha tôi vẫn động viên: làm gì làm cũng phải ráng học. Học để không thua kém người ta, cũng là tự tạo cơ hội để mình gắn bó bền vững với nghề” - nghệ sĩ Minh Trường chia sẻ.