Cha, con và những cuộc trở về

06/12/2024 - 16:40

PNO - ABC Bakery khó mà có được vị thế như hiện tại nếu không có cuộc trở về bên cha của những đứa con.

Có cơ hội dựng nghiệp và thành công tại nước ngoài, nhưng ở giây phút cuối cùng của lựa chọn, Kao Huy Phương đã chọn trở về tiếp quản công việc kinh doanh của cha - ông Kao Siêu Lực, khi ông bước vào giai đoạn tách thương hiệu Đức Phát thành ABC Bakery.

Ông Kao Siêu Lực bên cạnh 3 người con khi các con còn nhỏ - Ảnh tư liệu
Ông Kao Siêu Lực bên cạnh 3 người con khi các con còn nhỏ - Ảnh tư liệu

ABC Bakery ra đời sau cuộc ly hôn của ông Kao Siêu Lực và người vợ hơn 20 năm chung sống. Thương hiệu mới được viết tắt từ Asia Bakery Confectionery (doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo Á Châu); cũng là chữ cái đầu ghép từ tên tiếng Anh của 3 người con: Angela (con gái thứ Kao Huy Minh); Bruce (con trai út Kao Hớn Phong) và Christine (con gái đầu Kao Huy Phương).

Hiện tại, thương hiệu có khoảng 30 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc, 4 phân xưởng làm bánh, 1 trung tâm R&D và là đối tác cung cấp cho nhiều “ông lớn” thế giới tới Việt Nam trên nhiều lĩnh vực: từ KFC, Burger King, Dunkin’ Donuts cho đến Starbucks, FamilyMart, len lỏi vào tận hệ thống Golden Gate, rạp phim CGV hay cửa hàng sân bay…

Có thể nói, ABC Bakery khó mà có được vị thế như hiện tại nếu không có cuộc trở về bên cha của những đứa con.

Cuộc trở về đầy nước mắt của Phương

Ở giây phút quyết định trở về của Phương, tình thương dành cho cha đã chiến thắng lý trí. Dù quyết định đó đã lấy đi của cô rất nhiều nước mắt và cả cơ hội được theo đuổi ngành y mà cô yêu thích.

Trên chuyến xe buýt từ trường về nhà, Phương nhớ lại chuyến xe đầu tiên năm cô 11 tuổi, cha đã ở bên cạnh cô trong buổi đầu đến trường để tìm hiểu việc học. Phương cũng nhớ lại hình ảnh cô bé 6 tuổi vô xưởng phết trứng phụ cha và cả những gắn kết đặc biệt giữa cha - con gái khi nghe cha chia sẻ niềm đam mê với nghề bánh. Giữa mơ ước trở thành một bác sĩ và trách nhiệm đối với cha, dù người cha ấy chưa một lần lên tiếng cần cô phải gánh vác, Phương đã lựa chọn.

Đó không phải là lần lựa chọn đầy day dứt duy nhất trong đời cô. Vì những thành quả xuất sắc trong học tập, Phương đã được Tổng thống Singapore trao học bổng và cơ hội làm việc sau khi tốt nghiệp - một vinh dự cho đến nay vẫn hiếm có người Việt đạt được. Thế nhưng cô đã không ở lại. “Nghĩ đến cảnh cha gồng gánh một mình không ai giúp đỡ, lòng tôi chùng xuống. Tôi không muốn đôi vai ấy thêm oằn nữa. Tôi nghĩ mình phải về. Về để ở bên cạnh cha” - Phương nói.

Từ bỏ giấc mơ khi gần như đã chạm được nó sau biết bao vất vả, không phải là điều dễ dàng. Phương đã gọi cho cha. Người cha đó, một lần nữa, chỉ nói: “Con cứ theo đuổi ước mơ của mình. Cha ổn. Cha sẽ làm được”. Nghe cha đáp, Phương đã òa khóc như một đứa trẻ.

“Tôi đã chọn trở về. Nhưng thời điểm ấy, tôi không yêu nghề bánh. Tôi chỉ nghĩ là mình sẽ giúp cha vài năm, đến khi tình hình ổn ổn rồi sẽ quay lại với ước mơ của mình. 1 năm, 2 năm rồi 3 năm trôi qua. Và tôi đã ở lại đến giờ. Là con của cha, tôi nghĩ việc phát triển thương hiệu kinh doanh mà cha đã dành cả đời gây dựng là sứ mệnh, là điều vô cùng thiêng liêng” - Phương bộc bạch.

Đã 14 năm kể từ ngày đó. Hỏi Phương có bao giờ hối tiếc, cô thành thật: “Bây giờ thì không, nhưng thời điểm đó, cảm giác tiếc nuối vẫn cứ lởn vởn trong đầu. Tôi nhận ra, nghề này tuy không đại phú đại quý, vì làm thực phẩm rất ít lợi nhuận, nhưng nó lại là nghề thực tiễn, phục vụ cho nhu cầu thiết yếu hằng ngày và nuôi sống biết bao người”.

Nhắc đến Phương, nhiều người sẽ nhớ đến những chiến dịch bán hàng từ các ý tưởng độc đáo. Trung thu năm 2007, khách hàng phải xếp hàng để có được 1 chiếc bánh in hình nhân vật hoạt hình nổi tiếng của hãng Walt Disney. Năm ấy, Phương chưa chính thức trở về, nhưng đã giúp cha bán tới hơn 400.000 chiếc bánh.

“Nhiều thứ, nhiều việc khi triển khai mới thấy không hề dễ chút nào. Các anh chị trong nhà máy không hiểu sao tôi lại “gò” họ vào khuôn trong khi trước giờ làm vậy vẫn ổn. Tất cả đều tốn rất nhiều tiền và cần thời gian tập huấn cho nhân viên. Mà nhân viên không hiểu thì họ sẽ không làm hoặc làm cho có. Lắm lúc gian nan đến mức tôi muốn bỏ tất cả để trở lại Singapore” - Phương kể.

Trong những thời khắc đó, người cha đã xuất hiện bên cạnh cô. “Cha thường nói với tôi rằng, cái mới thì phải làm từ từ, vừa làm vừa động viên chứ không thể bẻ ngang hay một phát áp dụng ngay. Khi tôi quyết tâm làm nhà máy xuất khẩu, thay vì ngăn cản, cha cổ vũ tôi cứ mạnh dạn mà làm. Lúc nào tôi cần, cha sẽ có mặt”.

Chính sự tin tưởng tuyệt đối đó đã giúp Phương kiên trì với lựa chọn của cô. Dần dà cô có được sự tin tưởng của thầy thợ. Giờ, không chỉ đời sống công nhân viên tốt hơn, trong lòng họ còn được thắp lên niềm tự hào khi ABC Bakery có thể cạnh tranh với nhiều đối tác quốc tế tại thị trường quốc tế.

Tất nhiên, thành công của ABC Bakery hiện tại còn phải kể đến 2 người em Kao Huy Minh và Kao Hớn Phong.

Ông Kao Siêu Lực và con gái Huy Phương trong nhà máy sản xuất - Ảnh tư liệu
Ông Kao Siêu Lực và con gái Huy Phương trong nhà máy sản xuất - Ảnh tư liệu

Minh và đường về nhiều hoang mang

Tiếp nối chị, Minh cũng chọn trở về, dù cô đang có cơ hội làm việc trong một tập đoàn truyền thông lớn tại Singapore. Thế nhưng, không giống với Phương, Minh trở về theo “lời mời của cha”. “Bên đó trả lương con bao nhiêu, cha trả con nhiều hơn”.

Từ nhỏ, nếu Phương thường giúp cha dịch tài liệu hay gặp gỡ đối tác nên đã có đôi phần làm quen thì Minh, trái lại, không tiếp xúc quá nhiều với nghề của cha. Minh nói, trong suy nghĩ của cha mẹ, cô chưa bao giờ được rèn phải kế nghiệp, phải yêu nghề làm bánh. Mong mỏi duy nhất của ông dành cho các con là làm sao được sống vui vẻ, hạnh phúc.

“Lúc mẹ biết tôi chọn trở về với cha khi đã có công việc ổn định ở Singapore, mẹ giận quá, không thèm nói chuyện với tôi suốt mấy tháng. Đi thăm nhà máy với cha, cha nói tôi thích gì thì làm cái nấy. Tôi đâm hoang mang” - Minh hồi tưởng. Trụ được 4 tháng thì Minh quay lại Singapore thật.

Chính khoảng thời gian ở lại Singapore đã cho Minh độ lùi cần thiết để suy nghĩ và để đỡ choáng váng với quyết định trước đó. Cô không ngừng tự vấn, đi làm ở nước ngoài hay Việt Nam trong sự nghiệp và đường đời có gì khác nhau không?

Và cô đã tìm được câu trả lời. Các doanh nghiệp nước ngoài hiện đã qua giai đoạn từ không thành có, trở thành các công ty, tập đoàn lớn mạnh. Do đó, nhân viên như đang được bước trên vai người khổng lồ, cứ thế bước đi và nỗ lực làm tốt hơn. Doanh nghiệp Việt, trong đó có ABC Bakery thì không như vậy. Tuổi đời doanh nghiệp vẫn còn quá ngắn, thách thức trong bối cảnh mới vì thế càng nhiều hơn.

“Mà nơi nào có thử thách thì sẽ có cơ hội. Có khó khăn sẽ có con đường. Mới mẻ luôn đi kèm nhiều điều thú vị để thử sức, điều mà mình rất khó để vận dụng trong một doanh nghiệp quy mô lớn” - Minh cho biết. Một lần nữa, cô xách vali lên và… về. Và lần này cô trụ lại, cùng cha, cùng chị.

Nếu Phương đảm nhiệm kinh doanh - đối ngoại thì Minh được giao phụ trách mảng nhân sự - đối nội. Cô đạt được nhiều dấu ấn trong việc đa dạng kênh bán hàng, phương thức thanh toán cũng như khâu quản lý nhân sự.

Quy trình nghiên cứu và phát triển của ABC Bakery hiện chinh phục được chuẩn FSSC - tiêu chuẩn gắt gao toàn cầu trong ngành xuất khẩu thực phẩm. Từ năm 2018, Phương bắt đầu đàm phán với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á để xuất khẩu bánh mì và bánh bông lan.

Đến nay, sản lượng xuất ra nước ngoài tăng gấp 26 lần, với nhà máy vận hành chuyên nghiệp, máy móc thiết bị tối tân. Nếu năm 2018, ABC Bakery chỉ xuất khẩu mỗi tháng khoảng 1-2 container bánh thì hiện tại là 26-28 container.

Thể lệ cuộc thi Doanh nhân với chữ hiếu và gia đình

Bài viết tham dự cuộc thi phải giới thiệu những tập thể, cá nhân điển hình trong việc giữ gìn nếp sống hiếu đạo đối với bậc sinh thành và người thân trong gia đình, đóng góp cho cộng đồng. Họ có thể là doanh nhân người Việt, gốc Việt đang sinh sống, kinh doanh trong nước và/hoặc các quốc gia khác.

Bài viết thể hiện lối sống của doanh nhân đối với người thân là: ông bà, cha mẹ, vợ con, cháu trong gia đình; thông qua các câu chuyện/tình huống ứng xử trong gia đình, giúp doanh nhân luôn cân bằng giữa công việc ngoài xã hội với việc chăm sóc gia đình.

Tác phẩm dự thi phải chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi nào khác, chưa được đăng báo. Nhân vật trong bài viết có thể đã được ghi nhận gương điển hình trong các bài viết trên báo chí, là nhân vật trong các cuộc thi viết khác, giải thưởng khác. Bài viết về doanh nhân phải được sự cho phép của nhân vật.

Mỗi tác phẩm từ 800 đến không quá 2.000 chữ, được đánh máy bằng tiếng Việt. Bài viết có hình ảnh (nhân vật, hoạt động liên quan tới việc chăm sóc bậc sinh thành, người thân...) phù hợp với nội dung (cần ghi rõ nguồn, tên tác giả ảnh).

Cơ cấu giải thưởng:

- 1 giải Đặc biệt trị giá 20 triệu đồng.

- 1 giải Nhất trị giá 15 triệu đồng.

- 2 giải Nhì, trị giá 10 triệu đồng/giải.

- 3 giải Ba, trị giá 5 triệu đồng/giải.

- 5 giải Khuyến khích, trị giá 3 triệu đồng/giải.

- 1 giải Bài viết được yêu thích do bạn đọc bình chọn (tính theo lượt like lượt share trên fanpage Báo Phụ nữ TPHCM) trị giá 1 triệu đồng.

Cùng với giải thưởng hiện kim, các tác giả còn được trao giấy chứng nhận của ban tổ chức cuộc thi.

Các tác phẩm được trao giải và đạt chất lượng sẽ được tuyển chọn để xuất bản thành sách (sách giấy và sách điện tử).

Bài dự thi (bao gồm file bài viết, file hình ảnh) gửi về email: doanhnhanvachuhieu@baophunu.org.vn.

Điện thoại: 0966182727.

Nhã Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI