Cha, con và khát vọng ngọt ngào

30/06/2024 - 06:20

PNO - Điều hạnh phúc nhất với một người cha là gì? Có lẽ, ngoài niềm vui nhìn con lớn lên từng ngày còn là việc được chứng kiến các con trưởng thành, an vui và chọn tiếp bước cơ nghiệp do mình vất vả gầy dựng suốt bao năm. Thế hệ nào cũng có cách sống, cách làm và cách nghĩ riêng. Xung đột rất khó tránh khỏi. Nhưng tình thương và sự lắng nghe đã giúp cha và con vượt qua tất cả trở ngại để đưa giấc mơ của cha, giờ là hoài bão của con, vươn lên một nấc thang mới.

Ông Kao Siêu Lực là gương mặt quen thuộc của giới kinh doanh nói chung và ngành bánh Việt Nam nói riêng. Người ta yêu quý ông không chỉ vì cách làm ăn chăm chỉ, thật thà, uy tín mà còn vì nghị lực và những cống hiến cho ngành bánh, cho cộng đồng. Tôi đặc biệt ấn tượng triết lý kinh doanh của ông - sẻ chia và luôn nhạy bén với những công nghệ làm bánh mới nhất. Nhờ đó, ông luôn đón đầu xu hướng của thị trường, được khách hàng trong và ngoài nước cực kỳ tin tưởng.

Nhắc đến triết lý sẻ chia, có lẽ bạn đọc sẽ nhớ ngay đến công thức bánh mì thanh long từng được ông phổ biến rộng rãi trong giai đoạn COVID-19 với niềm thiết tha mong mỏi giải cứu thanh long cho bà con nông dân càng nhiều càng tốt. Thực tâm, từ lâu ông luôn dành tình yêu, lòng tự hào cho nông sản và chiếc bánh Việt.

Chị Kao Huy Phương - con gái ông - kể rằng mỗi lần đi chấm giải các cuộc thi bánh ở nước ngoài, ông đều tranh thủ giới thiệu nông sản Việt. Trong nước, ông thường xuyên đến lãnh sự quán các nước để giới thiệu nông sản Việt. “Ba tôi còn thực hiện video làm bánh từ khoai môn, sầu riêng, chuối… để gửi bạn bè nước ngoài. Bạn hàng muốn sản xuất quy mô lớn để xuất khẩu, ba tôi đều chia sẻ kinh nghiệm cặn kẽ chứ không giấu giếm” - chị Phương nói.

Chia sẻ câu chuyện của mình là cách ông Lực trao gửi lại thế hệ sau những bài học đã qua
Chia sẻ câu chuyện của mình là cách ông Lực trao gửi lại thế hệ sau những bài học đã qua

2 lần dựng nghiệp, lắm gian nan và đi lên gần như từ 2 bàn tay trắng, cả những lần đổ vỡ niềm tin nhưng ông Lực chưa bao giờ đầu hàng số phận. Tôi tin quyển sách Doanh nhân Kao Siêu Lực: Từ một câu chuyện khó khăn đến ABC Bakery - thương hiệu Việt vươn ra thế giới (tác giả Mỹ Huyền chấp bút) sẽ tiếp thêm nghị lực và niềm tin cho rất nhiều người trên hành trình theo đuổi giấc mơ.

Đã có rất nhiều bài viết về ông, trong phạm vi bài này, tôi muốn đề cập đến một khía cạnh khác mà tôi cho là ông cũng thành công không kém. Đó là việc ông “mời” được 3 người con đang có tương lai xán lạn tại nước ngoài về kế nghiệp, bằng tư duy cởi mở, trân trọng tài năng thay vì ràng buộc bằng trách nhiệm, bằng chữ hiếu.

Cần cho thế hệ trẻ thấy được tương lai

Phóng viên: Ấp ủ ý tưởng về quyển sách khá lâu, vì sao đến thời điểm này ông mới quyết định ra mắt?

Ông Kao Siêu Lực: Từ Campuchia, tôi chạy nạn Pol Pot sang Việt Nam tìm kế sinh nhai, bắt đầu học nghề làm bánh. Nhìn lại con đường đã đi, đó là một hành trình chông gai và nhiều bước ngoặt. Vui có, buồn có, thành công có, thất bại có. Chia sẻ câu chuyện của mình là cách tôi trao gửi lại thế hệ sau những bài học đã qua. Biết đâu, từ các bài học ấy, người sau sẽ có hành trình trơn tru, đỡ vất vả hơn tôi trước kia.

Ông Lực cùng 3 người con trong buổi ra mắt sách
Ông Lực cùng 3 người con trong buổi ra mắt sách

* Thành công lớn nhất với ông, ở thời điểm hiện tại, là gầy dựng nên ABC Bakery - một thương hiệu mới, uy tín và có chỗ đứng trên thị trường sau biến cố Đức Phát hay là việc được 3 người con chọn nối nghiệp?

- Cả 2 điều đó. ABC Bakery có được hôm nay là nhờ vào đội ngũ cộng sự đã kề vai sát cánh cùng tôi suốt bao nhiêu năm. Họ hiểu được tâm tư, nguyện vọng của mình, hiểu được nghề bánh có ý nghĩa như thế nào với mình. Thành công đó còn nằm ở sự tin tưởng của khách hàng khi tôi quyết tâm gầy dựng lại. Những ngày đầu ra mắt ABC Bakery, chúng tôi gặp muôn vàn khó khăn. Người ta đã quen gắn liền tên tuổi của tôi với thương hiệu Đức Phát. Tài chính thì eo hẹp. Điều thuận lợi duy nhất chính là uy tín mà tôi đã tạo dựng bao năm qua. Nhờ đó, tôi từng bước mời gọi khách hàng đến với thương hiệu mới.

Với các con, tôi mời về kế thừa, chung sức cùng mình chứ không ép các con vì trách nhiệm hay vì tình thân. Tư duy mới mẻ của các con, cộng với niềm tin vào chính mình và việc không ngừng nâng cao tiêu chuẩn sản xuất bằng máy móc hiện đại đã giúp ABC đi đến được hôm nay. Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng đơn đặt hàng vẫn đổ về, việc nuôi khát vọng và từng bước bước ra thế giới thực sự là sự đột phá cho ABC.

* Để chuyển giao sự nghiệp, ông đã định hướng các con như thế nào?

- Tôi may mắn có điều kiện cho các con đi du học và các con tôi đều học rất giỏi. Sau khi tốt nghiệp, các con đều được giữ lại nước ngoài làm việc. Điều này khiến tôi tự hỏi: “Tại sao mình bỏ tiền cho con ăn học để rồi con lại phục vụ cho người ta?”. Tôi đã nghĩ cách thuyết phục các con về nước.

Ngày xưa, thế hệ chúng tôi không có điều kiện nhưng hiện nay, điều kiện đã tốt hơn rất nhiều, không thể bắt con cái mang tư tưởng chịu cực chịu khổ như mình để ép bản thân phải cố gắng. Vì thế, khi con chọn trở về, tôi cho chúng thấy được tương lai của con đường mà tôi đang tự tin đi. Có thể con đường đó còn gập ghềnh nhưng tôi đặt niềm tin vào trí tuệ và tư duy của các con.

* Nhưng 2 thế hệ với 2 tư duy khác nhau, quan điểm kinh doanh khác nhau thì mâu thuẫn trong quản lý, vận hành chắc chắn là điều không tránh khỏi?

- Lúc bắt đầu, cha con xung đột rất nhiều. Giữa cha và con, giữa các con và nhân viên diễn ra chiến tranh ngầm. Các con được học hành bài bản, tôi học từ kinh nghiệm nên không ít lần va chạm. Thành ra, ai nói cũng có lý. Sau đó, cha con cùng ngồi xuống, chia sẻ thẳng thắn: tôi có ưu điểm gì, các con có ưu điểm ra sao, khuyết điểm của cha và con như thế nào... Các con có kiến thức nhưng chưa có kinh nghiệm thực tiễn trong khi tôi chỉ quản lý bằng thực tiễn mà không nhìn được bằng tư duy dài hạn. Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là cha con đã biết lắng nghe nhau, nhường nhịn lẫn nhau và tạo động lực cho nhau.

* Trong một đoạn sách, ông có nói với các con rằng nếu có kế thừa thì ông mới đầu tư sản xuất mở rộng. Liệu đây có phải cách ông truyền động lực cho con?

- Tôi ví mình như cỗ máy xe lửa, trước khi về đến bến bãi phải đón người đi rồi mới thả họ về nơi cần đến. Thoạt đầu, tôi làm việc để thoát kiếp cu li. Khi có con cái, tôi làm việc để con có cuộc sống đầy đủ. Khát vọng xây dựng thương hiệu bánh trong tôi lớn dần theo năm tháng chứ không phải định hướng lớn lao ngay từ đầu. Thương hiệu Đức Phát ra đời rồi sau này một lần nữa làm lại với ABC Bakery, một khi đã quyết định đi theo, tôi xác định mình sẽ đi đường dài.

Khách hàng không nói nhiều, càng không nghe mình giải thích mà chỉ xem mình đầu tư thế nào. Tôi lớn tuổi rồi, nếu đầu tư thì phải có các con kế thừa để tiếp bước những gì mình đang làm. May mắn là các con hiểu và động viên ngược lại: “Ba cứ làm đi, tụi con theo sau”. Hiện tại, Phương phụ trách mảng xuất nhập khẩu, Minh phụ trách nhân sự còn Hớn Tinh rất có khiếu trong việc nghiên cứu, làm ra các sản phẩm mới.

* Từ khi các con trở về, công việc ở ABC Bakery đã có sự thay đổi như thế nào, thưa ông?

- Phương tốt nghiệp ngành Công nghệ Thực phẩm ở Singapore nên đã mang kiến thức hiện đại về áp dụng tại ABC Bakery. Quy trình nghiên cứu và phát triển hiện nay tại công ty đã đi được đường dài trong một thời gian ngắn để đạt tiêu chuẩn gắt gao toàn cầu trong ngành xuất khẩu là FSSC, nhờ kiến thức Phương mang về. Những năm gần đây, công ty chúng tôi xuất khẩu nhiều hơn trước, khách hàng là các nhà nhập khẩu có quy mô rất lớn. Kiến thức quốc tế của Phương mang về rất hữu dụng lúc này, chúng tôi đã sẵn sàng bằng vai phải lứa đàm phán với bất kỳ công ty quốc tế có quy mô lớn nào.

Ông Kao Siêu Lực trong một buổi trao học bổng
Đoàn của Lãnh sự quán Mỹ đến thăm ABC Bakery nhân sự kiện 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ

Còn Minh tập trung vào việc hiện đại hóa chuỗi bán hàng của ABC Bakery. Trước giờ, ABC chỉ tập trung bán tại các cửa hàng nhưng năm 2021, giãn cách xã hội khiến phương thức này gặp khó khăn. Minh đã phụ trách triển khai kênh mới của chúng tôi là bán hàng online, hiện đại hóa các phương thức thanh toán. Bây giờ, giới trẻ vào bất kỳ cửa hàng nào cũng có thể thanh toán không dùng tiền mặt.

Bên cạnh đó, Minh cũng xây dựng mô hình quản lý nhân sự rất hiện đại. Trước kia, tôi xem anh em công nhân như người nhà nhưng bây giờ công ty đã lớn thì cần có phương thức quản lý khoa học hơn. Nhờ các con về mà tôi có thêm thời gian nghiên cứu thêm sản phẩm mới, thương hiệu mới.

Trở về vì không nỡ để ba một mình

* Nhiều doanh nhân đưa con sang nước ngoài học với mong muốn sau khi con thành tài sẽ quay về tiếp nối công việc cha đã gầy dựng. Tuy nhiên, tôi thấy một thực tế là khi con của họ hòa nhập và có tương lai rộng mở ở xứ người thì rất khó thuyết phục họ quay về với gia đình. Đâu là động lực để chị trở về nối nghiệp trong khi chị đã được Chính phủ Singapore trao học bổng và cơ hội làm việc tại Bộ Y tế nước này sau tốt nghiệp?

Chị Kao Huy Phương: Quả là như vậy. Nhiều bạn bè tôi sau khi du học và có cơ hội tại nước ngoài không muốn trở về kế nghiệp gia đình vì họ đã chứng kiến thế hệ F1 cực khổ và vất vả như thế nào. Dù thế hệ trước có nói sự nghiệp này đã nuôi lớn các con và muốn tặng lại cho các con nhưng không phải ai cũng dám nhận vì chúng tôi chưa chắc đã có được nghị lực lớn như ba mình để theo đuổi.

Tôi vinh dự được tổng thống Singapore trao học bổng và cơ hội làm việc sau khi tốt nghiệp. Nếu được chọn, tôi sẽ không trở về vì làm việc trong ngành y tế là ước mơ của tôi. Thế nhưng, năm tôi được trao học bổng cũng là năm ba tôi tách thương hiệu. Nghĩ tới cảnh chỉ có một mình ba gồng gánh, không ai giúp đỡ, tôi không nỡ. Tuy nhiên, để ra quyết định trở về không hề dễ dàng. Tôi đã khóc suốt 2 ngày. Sau đó, tôi gọi về cho ba hỏi rằng con được học bổng như thế, có nên nhận hay không. Nếu nhận là con đi luôn, không về nữa. Ba trả lời rất nhẹ nhàng và chan chứa yêu thương: “Con cứ đi đi, ba ổn. Ba làm được”. Tôi biết ba nói thế thôi chứ ba không ổn chút nào. Tôi lại gọi cho thầy hiệu trưởng cấp II tôi theo học tại Singapore. Kết cuộc trò chuyện, thầy bảo gia đình là trên hết. Tôi đã chọn trở về, nghĩ mình giúp ba vài năm rồi lại đi. Và tôi đã ở lại đến giờ. Là một người con, tôi nghĩ việc phát triển thương hiệu kinh doanh của gia đình là sứ mệnh.

* Có lẽ chẳng dễ dàng để bắt đầu lại ở Việt Nam khi chị đã sống và học tập ở nước ngoài từ khi còn rất nhỏ?

- Thực sự là như vậy. Nhiều thứ nhìn thấy dễ nhưng bắt tay vào mới vỡ lẽ không hề dễ chút nào. Các anh chị trong nhà máy không hiểu sao tôi lại gò họ vào khuôn nền nếp trong khi trước giờ làm vậy vẫn ổn; vì sao mình phải nghiêm khắc trong khâu vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng quy trình mới cho nhà máy và phòng thí nghiệm quản lý chất lượng sản phẩm… Tất cả đều tốn rất nhiều tiền và cần thời gian tập huấn để nhân viên hiểu. Đã có nhiều lúc gian nan đến mức tôi muốn bỏ cuộc. May mắn là ba tôi luôn bên cạnh tôi. Ba thường nói, cái gì cũng vậy, phải từ từ. Ba động viên tôi rất nhiều. Những anh chị là đệ tử ruột của ba thấy điều đó, đã giúp tôi thắp lên ngọn lửa mới rồi tích cực lan tỏa trong đội nhóm của họ. Nhờ đó, ABC đã có những bước đi bền vững đến hôm nay.

* Với chị Minh thì sao, ba chị có kế hoạch chuyển giao công việc như thế nào cho chị?

Chị Kao Huy Minh: Lúc thuyết phục tôi về, ba chỉ nói: “Bên đó trả lương bao nhiêu, ba trả nhiều hơn”. Ngày còn nhỏ, tôi rất ít gặp ba mẹ vì ba mẹ bận rộn suốt. Có lẽ trong ngày, chỉ có buổi cơm tối là được thấy mặt ba mẹ. Ba tôi cũng chưa bao giờ định hướng rằng lớn lên con phải nối nghiệp, phải yêu nghề làm bánh.

Thời điểm đó tôi chọn trở về nhưng về làm gì thì tôi cũng không biết. Ba cho tôi đi tham quan nhà xưởng, rồi bảo bây giờ tôi muốn làm gì làm đi. Lúc đó, tôi hoang mang, không biết bắt đầu từ đâu, có thể giúp ích gì cho ba. Tôi trụ được 4 tháng thì chạy ngược lại Singapore vì thấy mọi việc quá khó.

Cũng trong thời gian trở lại Singapore, tôi đã nhiều lần tự hỏi, mình đi làm ở nước ngoài hay Việt Nam trong sự nghiệp và đường đời có gì khác nhau không và tôi đã tìm được câu trả lời. Tại nước ngoài, họ đã qua giai đoạn từ không thành có, mình chỉ đang đi trên cái hiện tại và cố làm tốt hơn. Trong khi ở Việt Nam, mình sẽ có cơ hội làm và thử sức ở giai đoạn mới. Tôi thấy thú vị với những điều mới mẻ đó và muốn học hỏi từ mọi người. Nên tôi chọn trở về, một lần nữa. Nhiều người hỏi, công ty gia đình có phải chỉ có các thành viên họ Kao. Tôi xin thưa là tất cả anh chị em ở nhà máy, cửa hàng đều là thành viên của một đại gia đình mà ở đó, chúng tôi học hỏi và vươn lên cùng nhau.

Ông Kao Siêu Lực ký tặng sách
Ông Kao Siêu Lực ký tặng sách

* Chị có hối tiếc vì quyết định trở về?

Chị Kao Huy Phương: Bây giờ thì không nhưng ở thời điểm đó thì có. Tôi đã vượt qua được cảm giác ấy nhờ sự động viên của ba, sự chung sức chung lòng của các anh chị ở xưởng. Tôi nhận ra nghề này tuy không đại phú đại quý vì làm thực phẩm rất ít lợi nhuận nhưng lại là nghề thực tiễn, phục vụ cho nhu cầu thiết yếu hằng ngày và nuôi sống biết bao người. Khi tôi bắt tay vào làm nhà máy xuất khẩu, ba đã hỗ trợ tôi rất nhiều. “Con thích thì cứ làm, cần ba lúc nào thì ba sẽ có mặt”. Chính sự tin tưởng của ba đã cho tôi sức mạnh. Năm 2018, ABC chỉ xuất khẩu 1 tháng khoảng 1-2 công bánh nhưng hiện tại, bình quân mỗi tháng là 26-28 công. Tôi tự hào về ba và về đội ngũ của mình. Nhiều người nói, ba lớn tuổi rồi, phải cho ba nghỉ hưu chứ. Nhưng, tôi vẫn muốn nhìn thấy ba ở đó, như một ngọn lửa truyền niềm tin và hơi ấm đến các anh chị em trong nhà máy.

* Vậy 2 chị có định hướng các con mình nối nghiệp?

Chị Kao Huy Minh: Ở khía cạnh này, tôi muốn noi theo cách của ba, để các con tự nhiên phát triển mà không gò ép. Nếu thực sự yêu nghề bánh, các con rồi sẽ theo như chúng tôi đã chọn.
* Cảm ơn ông và 2 chị đã chia sẻ.

Từ Campuchia chạy nạn Pol Pot sang Việt Nam, ông Kao Siêu Lực vốn là một thiếu gia đang theo học ngành cơ khí với rất nhiều triển vọng phút chốc trở thành nông dân, rồi vác gạo, kéo xe… Chàng thanh niên ấy không từ chối bất cứ công việc thiện lương nào để có thể sống qua ngày. Nhờ tiếp xúc với bột mì, ông bắt đầu học làm bánh. Trầy trật vì thầy giấu nghề, rồi ông cũng thông thạo. Năm 1982, lò bánh mì Đức Phát ra đời trong một con hẻm nhỏ với đồng vốn ít ỏi.

Sau hơn 20 năm, khi Đức Phát ăn nên làm ra, trở thành thương hiệu bánh số 1 tại Sài Gòn lúc bấy giờ thì cuộc hôn nhân của ông tan vỡ. Năm 2008, ông tái khởi nghiệp với thương hiệu ABC Bakery, hiện có hơn 40 cửa hàng toàn quốc và xuất khẩu đi nhiều nước. Năm 2023, dù tuổi đã cao, ông vẫn tiếp tục ra mắt thương hiệu GoGelato - kem cao cấp và phục vụ món ăn nhà hàng. Ông “bật mí” đã nghiên cứu được 18 loại kem Ý gelato nhưng chỉ chuyên sử dụng các nông sản Việt như bơ, sầu riêng, dừa, xoài cát Hòa Lộc… và một số loại trái cây nhập khẩu để phục vụ 95% người tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu. “Dù làm gì, tôi luôn hướng tới mục tiêu góp phần đưa nông sản Việt ra thế giới” - ông nói.

Ông Kao Siêu Lực nhận nhiều giải thưởng, danh hiệu cho những đóng góp trong ngành bánh nói riêng và với cộng đồng doanh nhân nói chung.

Thư Hiên (thực hiện) - Nguồn ảnh: Nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEanlanhsongmanhvi /strCate=anlanhsongmanh
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthitruongvi /strCate=thitruong