Cha và con là tiểu thuyết viết về thời niên thiếu của Bác Hồ (nhà văn Hồ Phương, Nhà xuất bản Kim Đồng in lần đầu năm 2007, đến nay đã tái bản 11 lần). Tác phẩm có lưu bút tích cùng lời nhắn nhủ của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Mong cuốn sách này sẽ được đông đảo bạn đọc cả nước tìm đọc, để hiểu sâu thêm về Bác Hồ vĩ đại của chúng ta”.
Sách viết về Bác Hồ rất nhiều, đa dạng thể loại, không thiếu các tác phẩm văn học đã được in trước đó. Nhưng nhà văn Hồ Phương cho biết ông không ngại vì “mỗi người đều có suy nghĩ riêng và những rung động cùng sáng tạo nghệ thuật riêng”. Cha và con viết về thời niên thiếu của Bác Hồ từ lúc còn ở làng Sen (Kim Liên, Nghệ An) đến khi bước lên con tàu Latouche-Tréville rời bến cảng Nhà Rồng.
Bối cảnh truyện bắt đầu vào mùa hè năm 1903, bọn trẻ làng Sen chơi trò phất cờ khởi nghĩa, và nhiệm vụ đóng vai cụ tú Vương Thúc Mậu được giao cho Côn (tên khai sinh của Bác là Nguyễn Sinh Cung, ngoài ra Nguyễn Sinh Côn cũng là tên gọi lúc nhỏ, và tên này được sử dụng trong thời gian Bác học ở Trường Quốc học Huế).
Ngay từ nhỏ, cậu bé Côn đã có tư chất hơn người, luôn được theo hầu cha là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Được học thầy giỏi, được nghe cha và các bậc danh sĩ bàn việc nước, hiểu thấu vận nước và mệnh trời, trong lòng cậu bé Côn lúc nào cũng nuôi một giấc mộng lớn. Giấc mộng ấy vượt ra khỏi làng quê nghèo, vượt trên cả những mong muốn thường tình của tuổi nhỏ. Khí tiết bộc lộ rõ trong cách cậu học trò đáp từ những câu đối của thầy: “Một dạ trông mong đoàn tử sĩ” đối bằng câu “Ngàn năm căm uất lũ xâm lăng”; hay trả lời câu “Đốt đèn lên dầu vương ra đế” là “Cưỡi ngựa dong thẳng tấn lên đường”.
Năm 1903 cũng là thời gian các chí sĩ yêu nước bí mật vận động duy tân, nhằm chuẩn bị phát động phong trào Duy Tân, và sau đó là Đông Kinh Nghĩa Thục. Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc nhận lời đi dạy học khắp nơi để thăm dò ý chí của sĩ phu yêu nước. Côn và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm theo cha rời làng Sen. Những ngày đi cùng cha hết nơi này đến nơi khác, Côn đã trui rèn một ý chí rất khác bạn học cùng thời. Chuyện Côn muốn nghe là chuyện về các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng… Điều cậu muốn học không phải là Bắc sử như Hán văn thời ấy vẫn dạy học trò, mà là Việt Nam sử lược. Hoài bão của cậu không phải là thi đỗ làm quan, mà là được đi khắp năm châu bốn bể, để thấy những điều hay, biết những điều lạ, và muốn hiểu điều gì có thể giúp dân ta độc lập.
Nhà văn Hồ Phương đã chuyển tải hành trình của Côn bằng những trang viết phả hơi thở thời đại và giàu cảm xúc. Ông chuyên chở vào trang sách không chỉ có tư liệu, sử liệu, chi tiết từ cuộc đời thật của Bác Hồ, mà còn thổi vào đó tâm hồn, phẩm cách của các nhân vật, phác họa nên không gian văn hóa và những con người của thời đại. Kể một câu chuyện mà cuộc đời nhân vật vốn đã hiển hiện rất rõ ràng trong hình dung của người đọc, đã biết trước từng chặng đường và kết quả, nhưng vẫn khiến người đọc hồi hộp và rung động, đó thật là một sự tài tình của nhà văn.
Trong lời đầu sách, nhà văn Hồ Phương tâm tình: “Cảm hứng sáng tạo của mỗi tác giả luôn luôn là phần hồn chủ yếu của các cuốn sách”. Bằng cảm hứng ấy, ngòi bút của ông đã dấn bước vào “hồn cốt” của tác phẩm, để không chỉ viết, mà như thể còn vẽ nên những không gian của ký ức, với đủ gam màu cuộc đời. Nhà văn cứ kể theo trật tự tuyến tính thời gian - không gian, người đọc cứ thế dấn bước theo hành trình của “cha và con” từ làng Sen đến đèo Ngang, ra Huế, vào Sài Gòn.
“Cha và con” và hành trình cứu nước của Côn - chàng thiếu niên thuở theo chân cha “vẫn còn búi tó, một búi tó nhỏ non tơ, tạo cho cậu một vẻ như một tiên đồng hoặc tráng sĩ nhỏ tuổi”, nhiều lúc khiến người đọc rơi nước mắt. Đó là hình ảnh Côn ngồi khâu lại đôi dép cho anh Khiêm trên đèo Ngang, ngày theo cha vào nhậm chức ở Kinh thành Huế. Đó là cuộc chia tay với anh trai tại Huế, cũng như lúc lặn lội đi thăm và từ giã người cha già để vào Nam, Côn đã không thể nào ngờ được rằng, đó là những lần gặp gỡ sau cùng… |
Cho đến ngày chàng thanh niên mang theo tờ giấy thông hành tên Nguyễn Văn Ba đứng trên con tàu Latouche-Tréville “nắm chặt lấy lan can trên boong cố nén, cố quên đi mọi thứ, nhớ cha, nhớ anh, nhớ chị, nhớ bè bạn, nhớ quê hương, nhớ tất cả…”, mà phải tự dặn lòng mình: “Chớ có quên mục đích! Bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được ngã lòng và quên mục đích!”.
Nhà văn Hồ Phương từng bộc bạch: “Tôi luôn nghĩ rằng trong gia đình đặc biệt ấy, tình phụ tử cũng thể hiện rất đặc biệt. Chính vì thế mà tôi đã rất xúc động khi viết đến cảnh chàng thanh niên lên Bình Khê để từ giã cha mình, dấn thân vào một cuộc ra đi không hẹn ngày về. Thật ra, không chỉ cuộc chia tay giữa cụ Phó bảng với cậu Côn, mà cả những cuộc chia tay với cô Thanh, cậu Khiêm, tôi cũng luôn viết với một tâm thế: Giá như họ biết được đây là cuộc chia tay cuối cùng”.
Những trang viết cảm động nhưng không ủy mị. Góc nhìn của nhà văn còn góp phần kiến giải lý do cội rễ cho những lựa chọn của “cha” và “con” - giữa thời đại mà quyền được lựa chọn đôi khi không thuộc về cá nhân một con người. Chàng trai xứ Nghệ đã nhận được rất nhiều yêu thương và sự giúp đỡ trong suốt hành trình vào Nam, trải qua rất nhiều gian khổ nguy hiểm, được gặp gỡ, gắn bó với những tầng lớp khác nhau. Nhưng bước lên con tàu ra đi tìm đường cứu nước, không thể có thêm một ai khác, giấc mộng lớn ấy, Người chỉ có thể dấn bước, một mình.
Những trang văn của Hồ Phương đẹp tựa những thước phim điện ảnh. Và bìa sách chính là hình ảnh của một ngày tháng 5/1906, trên đèo Ngang, cha và con đã đi bộ từ Nghệ An vào Huế, khi “một bên là biển cả biếc xanh với những gợn sóng xô bờ trắng xóa, và bên trong là đất liền với những cánh đồng như những tấm thảm mượt mà sặc sỡ...”.
Cầm Thi