Cha chồng giận con dâu vì không biếu đủ tiền tiêu tết

19/01/2020 - 05:13

PNO - Vợ chồng tôi trước kia không hay mâu thuẫn, nhưng cha mẹ chồng đòi hỏi chuyện tiền bạc quá nhiều, khiến tôi rất mệt mỏi.

Tuần trước, tôi nhận cuộc điện thoại của ba chồng từ dưới quên gọi lên, nội dung cuộc gọi ấy là những lời than phiền, chê trách những cô con dâu khác. Ông nói chỉ xem mỗi tôi là con dâu trong nhà, có tôi là luôn lo lắng, quan tâm đến ba mẹ chồng.

Cuối cuộc điện thoại, ba bảo có chuyện muốn nhờ tôi giúp nhưng ông ngại mở lời. Nghe tới đây thì tôi cũng thừa biết điều ba chồng tôi muốn đề cập, vì đây là lần thứ bao nhiêu rồi kể từ ngày tôi về làm dâu mà tôi đã được nghe.

Ông nói: “Năm nay, nhà mình trồng gì bán cũng không được giá, mà mẹ cứ bệnh, nhà không còn tiền nên muốn hai đứa cho ba mẹ ít tiền tiêu tết”. Tôi khẽ thở dài một tiếng trong điện thoại nhưng cũng ráng giữ bình tĩnh: “Ba dự trù tiêu tết bao nhiêu để con chuẩn bị”, rồi ông nói: “Khoảng 30 hay 40 triệu đồngg nha con dâu”.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Vợ chồng tôi kết hôn được ba năm, con gái tôi vừa tròn một tuổi. Tôi còn nhớ năm đầu tiên về làm dâu nhà chồng, cũng là dịp tết. Ba chồng đánh đề, nợ gần 20 triệu đồng. Ba mươi tết, chủ nợ kéo tới nhà làm ầm ĩ, vợ chồng tôi phải gánh trả số nợ ấy. Chưa dừng lại ở đó, những ngày tết cũng là thời gian ông tụ tập bạn bè bài bạc, rồi lại lâm nợ thêm vài chục triệu. Ông giải thích rằng muốn kiếm ít tiền trả lại cho vợ chồng tôi nhưng số ba xui xẻo quá. Vậy là con cái lại góp vào mỗi người một ít để ông trả nợ.

Năm vừa rồi bố mẹ tôi ở quê có bán miếng đất được 2 tỉ đồng, chia cho 4 anh em trong nhà thì tôi cũng có chút ít vốn làm ăn. Tôi dùng khoản tiền ấy đầu tư cho chồng mở quán cà phê nhưng việc kinh doanh không thuận lợi, chỉ sau ba tháng chúng tôi phải dẹp quán và lỗ vài trăm triệu. Khó khăn là thế nhưng ba mẹ chồng ở quê cứ nghĩ vợ chồng tôi dư dả nên có việc gì là lại gọi điện thoại lên nhờ vợ chồng tôi giúp.

Nhiều lần tôi nói với chồng tôi về chuyện này để anh có thể lựa lời nói với ba mẹ anh, dù gì tôi cũng là phận làm dâu, nói động tới chuyện tiền bạc ba mẹ chồng lại nghĩ không hay. Vậy mà anh tỏ thái độ bực tức, nói tôi coi thường và ám chỉ ba mẹ anh đang vòi tiền tôi. Tôi có nói thêm thì cũng chỉ khiến hai vợ chồng cãi vã lớn hơn.

Vài hôm sau, ba chồng gọi điện thoại cho tôi để nhắc về khoản tiền tết. Tôi nói thẳng với ba chồng rằng năm nay vợ chồng làm ăn thất bại nên không có dư để phụ tiền tiêu tết cho ông bà nhiều vậy, khoảng 10 triệu đồng thì tôi còn phụ được. Nghe đến đây ba chồng tôi thay đổi hẳn giọng điệu, ông nói: “Khó khăn thì giữ đấy mà dùng, chứ 10 triệu ông chẳng phiền xin vợ chồng mày”, rồi ông cúp máy.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Trước đây khi chưa có con, tôi có thể rộng rãi về tiền bạc, sẵn sàng chu cấp cho ba mẹ chồng, cho cô em gái chồng của anh mượn một khoản tiền để mở tiệm làm tóc, cho cô anh mượn tiền xoay sở khi bị người ta giật hụi. Dù biết những khoản tiền ấy một đi không trở lại. Nhưng lâu dần ba mẹ anh lại đòi hỏi ở tôi quá nhiều. Có khi không có đồng nào trong túi thì ba mẹ chồng cũng nghĩ tôi giàu có, tôi nói hết tiền thì chẳng ai tin, lại bị mang tiếng giàu mà hay than vãn.

Thấy ba mẹ chồng ở quê không gọi lên nữa, tôi nghĩ chắc ông bà đã nhờ những cô con dâu khác giúp phần nào đó rồi. Có ngờ đâu họ gọi lên hỏi tôi có nói nặng nhẹ gì với ba chồng không, mà ông bảo rằng xin có mấy đồng mà tôi tỏ vẻ khinh thường, không coi nhà chồng ra gì. Tôi lại bị mang tiếng cô con dâu ki bo, tính toán. Chồng tôi lại tự ái, trách tôi không biết cách ứng xử.

Con ốm khóc, tôi ôm con đi đi lại lại trong phòng khách dỗ nó, chồng tôi thì nằm dài trên sofa coi ti vi. Dỗ hơn mười phút con vẫn khóc to, anh giận tím mặt hét lên với tôi: "Cô làm mẹ kiểu gì thế, đến con cũng không dỗ được?". Rồi miệng anh lẩm bẩm: “Đã làm dâu không được, làm mẹ cũng chẳng xong.” Trong phút chốc tất cả mọi ấm ức dội lên trong lòng, tôi hỏi anh: “Tôi phải báo hiếu nhà chồng bao nhiêu mới đủ?”.

Quỳnh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI