Cha chồng đề nghị tôi "nhắm mắt" để chồng ra ngoài kiếm con trai nối dõi

10/09/2022 - 19:01

PNO - Ông nói như khóc, rằng ông biết đề nghị này là tàn nhẫn với tôi. Nhưng ông chỉ cần tôi nhắm mắt một lần. Mọi chi phí ông sẽ lo liệu.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Tôi 50 tuổi, hai con gái đã tốt nghiệp đại học. Những tưởng, sự xinh đẹp, giỏi giang của con gái tôi đã bù đắp phần nào nỗi buồn thiếu cháu trai của ông nội. Nhưng mới đây, tôi té ngửa khi nhận ra ba chồng vẫn đau đáu khát khao có người nối dõi.

Vào ngày giỗ họ cách đây một tuần, ba gọi tôi ra nói chuyện riêng - như một cuộc tâm sự gan ruột với con dâu. Đại ý, ba rất cần một cháu trai để nối dõi. Đời ba phấn đấu đã nhiều, gầy dựng được một cơ đồ cũng tạm ổn, nhưng nếu chỉ đến đời chồng tôi mà "đứt đuôi" thì cay đắng cho ba quá. Ba trông mong chúng tôi sinh thêm con.

Nhưng đến nay tôi đã 50 tuổi, ba không thể gây sức ép để đánh cược sức khỏe của tôi. Nên ông đưa ra một phương án: chồng tôi kiếm con bên ngoài, hoặc chúng tôi tìm người mang thai hộ... Nói chung làm cách nào cũng được, miễn để ông có được cháu trai có máu mủ với dòng họ.

Ông nói như khóc, rằng ông biết đề nghị này là tàn nhẫn với tôi. Nhưng ông chỉ cần tôi nhắm mắt một lần. Mọi chi phí ông sẽ lo liệu.

Tôi bàng hoàng, chỉ nói được rằng tôi trân trọng con mình bất kể giới tính. Nhưng ông nói "tình thương là một chuyện, còn trách nhiệm là chuyện khác". Ông nói vẫn thương các con tôi, nhưng việc tìm cháu trai là trách nhiệm của ông với dòng họ.

Ông hy vọng tôi sẽ suy nghĩ và hứa chỉ nói với chồng tôi khi tôi có câu trả lời. Tôi thực sự đau khổ. Tôi nên làm gì?

Hạnh Phước (TP.HCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hạnh Phước mến,

Tình huống của chị thật khó xử. Khó, vì ta biết rõ đúng sai, nhưng lại mắc mứu ở tình thương với người đưa ra lời đề nghị khó.

Tất nhiên, lý lẽ đúng vẫn luôn là không nên thỏa hiệp với việc “trọng nam khinh nữ", và thẳng thừng từ chối lời đề nghị trên. Tuy nhiên, với một đề nghị gan ruột của người thân, vẫn có người nhận lời và thanh thản thực hiện điều đó, bởi họ quá xót cha mẹ, và việc làm kia không quá trái với nhận thức và quan điểm của họ. 

Vậy, chìa khóa ở đây là “nhận thức". Nếu chị nhận thức việc khăng khăng kiếm con trai là một điều không hợp tự nhiên, chị có thể tuân thủ nhận thức ấy. Ta không nên né tránh cái khó trước mắt, mà nhận lấy một cái khó lâu dài. Hãy suy nghĩ thật thông suốt vào bản chất câu chuyện chứ không vì những ràng buộc tình cảm hay những định kiến.

Bản chất câu chuyện là gì? Là việc kiếm con ở tuổi 50 liệu có quá sức? Việc kiếm con trai liệu có quá lạc hậu, vô nghĩa? Điều này có phù hợp với mong muốn của vợ chồng chị không? Chị và chồng có sẵn sàng để nuôi con nhỏ trong giai đoạn này?

Thậm chí, khi có điều kiện tài chính để thuê hẳn một người sinh và nuôi con, thì liệu tài chính có giải quyết được toàn bộ cuộc sinh trưởng của một đứa trẻ? Và việc ấy, nếu diễn ra suôn sẻ, thì tác động thế nào tới hai cô con gái?

Cuối cùng, sinh con là việc của người cha và người mẹ. Ông bà có thể mong mỏi, nhưng họ không có quyền và nghĩa vụ với chuyện ra đời của một đứa trẻ. Vậy nên, chị hãy suy nghĩ và trả lời tất cả những vấn đề trên, và hãy chia sẻ cùng chồng. Bởi, cha mẹ chính là người trực tiếp chịu trách nhiệm với con và với mái ấm của mình.

Dù anh chị quyết định thế nào, Hạnh Dung cũng mong quyết định đó đi từ bên trong của hai vợ chồng, chứ không phải vì thương ba. Người lớn có nhiều kỳ vọng xuất phát từ những định kiến xưa cũ. Và kỳ vọng ấy làm họ “cay đắng" như cách ba chồng chị đã nói. Nhưng đau khổ và cay đắng xuất phát từ một định kiến, thì cách giải quyết tốt nhất là hãy giải định kiến ấy, chứ không phải là vá víu nó bằng những việc làm ngược tự nhiên. 

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI