Cha chết, các con của mẹ sau chia hết tài sản, tôi phải làm sao?

26/04/2019 - 14:00

PNO - Tôi là con riêng. Lúc cha tôi chết, tôi không biết đến chuyện tài sản này vì sống xa cha. Đến khi tôi biết thì di sản đã chia xong. Giờ tôi phải làm sao để đòi lại tài sản cho mình?

Hỏi: Cha tôi chết để lại một sổ tiết kiệm 5 tỷ đồng (không có di chúc). Tôi là con riêng của ông. Cha tôi còn có vợ và 2 con. Lúc cha tôi chết, tôi không biết đến chuyện tài sản này vì sống xa cha. Đến khi tôi biết thì tài sản đã chia xong. Liệu tôi có quyền khởi kiện để được hưởng di sản của cha tôi không? Theo tôi được biết, cha gửi tiết kiệm ngân hàng tại thành phố Thủ Dầu Một, nhưng vợ của cha lại công chứng văn bản thừa kế ở Đồng Nai để nhận tài sản này, vậy có vô hiệu được không?

Phạm Thị Thu Thảo (Quận 7, TP. HCM)

Cha chet, cac con cua me sau chia het tai san, toi phai lam sao?
Ảnh minh họa

Trả lời:

Chào bạn. 

Theo thông tin bạn cung cấp, cha của bạn không để lại di chúc, vậy phần di sản sẽ chia theo pháp luật. Bộ luật Dân sự 2015 tại điều 651 quy định về thứ tự hàng thừa kế theo pháp luật như sau:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;”

Vậy hàng thừa kế thứ nhất di sản của cha bạn bao gồm: vợ theo pháp luật của cha bạn, 2 con và bạn (con đẻ). Theo đó, bạn đương nhiên được hưởng một suất thừa kế theo pháp luật.

Tuy nhiên, tại thời điểm mở thừa kế, bạn không biết tin và chưa được nhận di sản thừa kế. Cho nên trong trường hợp này áp dụng quy định tại điều 662 Bộ luật Dân sự 2015 về phân chia di sản trong trường hợp có người thừa kế mới:

“1. Trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Theo quy định này, trường hợp bạn và những người thừa kế còn lại không thỏa thuận được, thì những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho bạn một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận. Bạn có quyền khởi kiện với yêu cầu này.

Đối với tài khoản tiết kiệm, theo quy định tại điều 107 Bộ luật Dân sự 2015 thì tài khoản tiết kiệm là động sản. Tài khoản tiết kiệm của cha bạn được lập ở thành phố Thủ Dầu Một nhưng văn bản liên quan đến di sản được công chứng ở tỉnh Đồng Nai thì không thuộc trường hợp bắt buộc phải công chứng nơi tài sản được hình thành (Điều 42 luật Công chứng 2014):

“Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản.”

Do đó, văn phòng công chứng ở tỉnh Đồng Nai vẫn có quyền công chứng giao dịch liên quan đến sổ tiết kiệm do ngân hàng ở thành phố Thủ Dầu Một phát hành.

Luật sư Trần Đăng Sĩ (Đoàn Luật sư TP. HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI