Sinh ra và lớn lên ở thành phố Madras (nay là Chennai) đầy bảo thủ của Ấn Độ, cô bé Indra Nooyi được mẹ dạy cho những điều rất kỳ lạ, tưởng chừng mâu thuẫn.
|
Bà Indra Krishnamurthy Nooyi luôn suy nghĩ vấn đề theo hướng tích cực. |
Một mặt, mẹ của Indra gieo vào đầu cô những ý thức về việc là thân con gái, phải ‘lấy một tấm chồng’ cho tươm tất, dù lúc đó cô mới 5 tuổi. Mặt khác, bà lại là chính là người kiến tạo nên sự rắn rỏi và bản lĩnh tuyệt vời cho Indra trong suốt chặng đường chinh phục thế giới.
Năm lên 8 tuổi, Indra cùng chị gái là Chandrika, 11 tuổi, tham gia vào một trò chơi do mẹ hai cô gái làm ‘đạo diễn’.
‘Mỗi tối, tại bàn ăn, mẹ lại yêu cầu chị em tôi viết một bài diễn văn về những gì chúng tôi sẽ làm nếu như chúng tôi là tổng thống, hay là bộ trưởng, hoặc là thủ tướng – cứ mỗi ngày, chị em tôi lại đóng một vai lãnh đạo thế giới khác nhau theo yêu cầu của mẹ’ – Indra kể.
‘Đến cuối bữa ăn tối, chúng tôi phải viết xong bài diễn văn đó, và mẹ sẽ quyết định xem nên bỏ phiếu cho ai’.
Ai thắng sẽ ký vào mảnh giấy, công nhận người thắng là vị lãnh đạo thế giới của ngày hôm đó. Mỗi buổi tranh luận đều kết thúc bằng tiếng cười của cả ba mẹ con của Indra.
Nhưng trò chơi này không đơn thuần chỉ để cho vui. Nhiều năm sau đó, Indra mới hiểu ra bài học này ‘hiệu nghiệm’ tới mức nào, khi đối đầu với các chông gai để trở thành lãnh đạo các tập đoàn lớn, và nay là Chủ tịch kiêm CEO của người khổng lồ PepsiCo.
‘Dù mẹ tôi không đi làm, và cũng không qua trường lớp đại học, nhưng bà đã sống một cuộc đời sôi động qua hai người con gái’ – Indra nói. ‘Bà đã mang lại cho chị em tôi sự tự tin để trở thành người mà mình muốn. Đó là một kinh nghiệm định hình nên tuổi trẻ của tôi’.
Bên cạnh đó, ông của Indra – một vị thẩm phán rất cuốn hút – đã dạy cháu gái cách phải đối mặt với những gì mình không thể làm. Mỗi lần ông giao việc mà Indra không thể làm được, ông bắt Indra viết 200 lần câu: ‘Con sẽ không lấy đó làm cái cớ’.
|
Indra Krishnamurthy Nooyi cũng là thành viên của Hội đồng quản trị Diễn đàn kinh tế thế giới. |
‘Tôi có thể làm việc đó tốt hơn’
Sự tự tin từ mẹ và kỷ luật nghiêm khắc của ông đã giúp Indra bền bỉ phấn đấu, hoàn tất các bậc học tại Đại học Quản trị Yale của Mỹ vào những năm 1980. Cũng từ đây, Indra phải nỗ lực hơn gấp nhiều lần các đồng nghiệp nam, để san bằng khoảng cách về giới.
Trong các cuộc họp mà nam giới chiếm phần đông, mỗi khi phát biểu, Indra không gặp được ánh mắt nào của nam đồng nghiệp đáp lại. Thay vào đó, họ trao đổi riêng với nhau. Không nản lòng, Indra đã kêu gọi các đồng nghiệp nam phải hành động, và cô không mất nhiều thời gian để khiến họ phải nể phục.
‘Trong thâm tâm, tôi tự nhủ: ‘Tôi có thể làm việc đó tốt hơn bất kỳ ai, và nếu như có điều gì xảy ra, họ sẽ phải đến tìm tôi và nói ‘Hãy sửa nó đi’, bởi vì tôi biết là tôi giỏi trong việc đó’. Hãy nhớ, tôi có thể là Tổng thống Ấn Độ”- Indra nói.
Sau khi gia nhập PepsiCo, Indra Krishnamurthy Nooyi đã tái cấu trúc lại sản phẩm của hãng theo 3 hướng nhận diện trụ cột: mang đến niềm vui (là các sản phẩm khoai tây chiên, các loại nước soda), tốt hơn cho khách hàng (các dòng sản phẩm ăn kiêng hoặc ít béo), vì lợi ích người dùng (các mặt hàng như bột yến mạch).
Lợi nhuận của công ty khi từ khi Indra làm Giám đốc Tài chính đã tăng từ mốc gần 3 tỷ USD mỗi năm, lên hơn 60 tỷ USD mỗi năm hiện nay. Triết lý kinh doanh của bà chính là, mỗi nhân viên phải làm việc trên tinh thần đáp ứng người tiêu dùng khó tính nhất là chính mình.
Indra cho rằng khoảng cách giữa công ty đứng đầu và công ty về nhì là nhất thời và rất sát sao. Cơ hội chỉ dành cho những ai có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất.
Khi được hỏi làm sao để trở thành một lãnh đạo giỏi, được mọi người nể phục, bà trả lời đơn giản: 'Làm lãnh đạo đã khó, làm lãnh đạo giỏi còn khó hơn. Đó là khi bạn thuyết phục mọi người tin rằng bạn đang thực sự đi cùng con đường với họ và tạo điều kiện cho họ phát triển'.
CEO PepsiCo chia sẻ bà có thói quen nghĩ vấn đề ở hướng tích cực. Đó là bài học quý báu bà nhận được từ người bố vĩ đại. Gặp bất cứ vấn đề gì, bố bà vẫn giữ được sự lạc quan và dạy cho các con góc nhìn cởi mở, từ đó dễ dàng đối diện với bất kỳ hoàn cảnh nào.
|
Là lãnh đạo của 'người khổng lồ' PepsiCo, nhưng Indra Nooyi phải học cách để ánh hào quang ngoài cửa nhà, để chu toàn hạnh phúc gia đình. |
Ánh hào quang chỉ nên để ngoài cửa
Được ví là một ‘huyền thoại’ trong ngành thực phẩm và giải khát toàn cầu, nhưng Indra không được phép lơ là gia đình nhỏ bé của mình. Và một lần nữa, mẹ là người đánh thức Indra, chớ ngủ say trên danh vọng, và đâu là nơi mang lại hạnh phúc thật sự cho một người phụ nữ.
Năm 2006, trở về nhà lúc 10 giờ tối với niềm vui khôn tả khi nhận quyết định giữ ghế Chủ tịch PepsiCo, Indra lao vào gặp mẹ và háo hức khoe: ‘Mẹ ơi, con có điều này rất vui muốn nói với mẹ’.
Lập tức, câu trả lời của mẹ khiến mọi niềm vui tắt lịm: ‘Để điều ấy sau nhé. Con ra ngoài mua ít sữa được không?’.
Chồng của Indra đã về từ lúc 8 giờ tối. Indra hỏi, vì sao mẹ không nhờ chồng mình mua sữa. ‘Chồng con mệt’ – mẹ của Indra đáp.
Nhẹ nhàng, nhưng nghiêm nghị, những gì mẹ nói khiến Indra bàng hoàng: ‘Có thể con là Chủ tịch của PepsiCo, là sếp của các sếp. Nhưng khi con trở về nhà, con vẫn là một người vợ, người mẹ, người con. Hãy để ánh hào quang ngoài cửa, đừng mang nó về nhà’.
Thất vọng và hụt hẫng. Đó là cảm giác của Indra sau khi mẹ cảnh tỉnh. Nhưng sâu trong lòng, Indra hiểu thực tế đúng là vậy.
Từng có những giai đoạn Indra vùi mình trong công việc và cảm thấy bế tắc vì không biết mình phải chọn con cái hay chọn công việc.
Vào một ngày, Indra phát hiện dòng chữ mà con gái nhỏ viết: “Mẹ ơi, con yêu mẹ. Mẹ hãy về nhà với con nhé!”.
Chỉ một câu đó của con gái, Indra vẫn còn day dứt mãi đến hiện tại. Chính vì vậy, ước mơ lớn nhất của CEO PepsiCo hiện nay là tạo được môi trường làm việc lý tưởng giúp nữ không còn chật vật tìm cách cân bằng thời gian cho việc công ty và việc con cái.
Bà nói: “Tôi muốn nhìn thấy phụ nữ cùng lúc được hạnh phúc với sự nghiệp và mái ấm của riêng mình”.
|
CEO PepsiCo luôn muốn bù đắp tình cảm cho các con khi bà quá bận bịu với công việc. |
Indra Krishnamurthy Nooyi, sinh năm 1955, trưởng thành ở Ấn Độ, có bằng cử nhân chuyên ngành toán-lý-hóa, sau đó học thạc sĩ tại Viện Quản lý Calcutta.
Sau thời gian đầu làm việc cho công ty Johnson & Johnson ở Ấn Độ, bà hoàn thành tiến sĩ tại Trưởng quản lý Yale rồi làm việc cho công ty quản lý tư vấn Booz Allen Hamilton, sau đó chuyển sang một số tập đoàn đa quốc gia khác.
Năm 1994, bà gia nhập PepsiCo. Với những thể hiện xuất sắc, bà đảm nhiệm vị trí Giám đốc Tài chính công ty năm 2001. Đến năm 2006, bà trở thành Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành (CEO) PepsiCo.
Đây là điều khó ai có thể tưởng tượng được vì bà không phải là người bản địa và lại là một phụ nữ, điều chưa từng có ở PepsiCo. Tất cả nhờ nỗ lực không mệt mỏi cùng cách suy nghĩ ngày mai bản thân và mọi thứ phải tốt hơn ngày hôm nay.
Nhiều năm qua, bà luôn có mặt trong danh sách những cá nhân có ảnh hưởng nhất trên thế giới do các tạp chí uy tín toàn cầu bình chọn như Fortune, Forbes, Time… Bà cũng là thành viên của Hội đồng quản trị Diễn đàn kinh tế thế giới, thành viên Viện Hàn lâm Mỹ thuật và khoa học Mỹ.
Bà chính là niềm cảm hứng cho những phụ nữ Ấn Độ nói riêng và phụ nữ toàn cầu nói chung với khát khao cống hiến tài năng, vươn lên tầm cao mới
|
Duy An (Theo Business Insider, Forbes, ScoopWhoop)