CEO Nguyễn Trung Tín: 'Làm ơn cho thế hệ trẻ cơ hội thử thách, phạm sai lầm và sửa sai'

21/09/2017 - 15:00

PNO - Nhiều người vẫn thắc mắc, liệu có hay không chuyện 'buông rèm nhiếp chính' ở một số doanh nghiệp có bề dày về văn hóa tại Việt Nam? Thế hệ F2 có tán thành hay không chuyện chưa được chuyển giao hết quyền lực?

"Làm ơn cho phép được thử mình và sai lầm"

Doanh nhân đình đám của Trung Thủy Group, CEO Nguyễn Trung Tín được biết đến là người sáng lập mô hình văn phòng cho thuê Dreamplex - nơi mà vào năm 2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama khi sang Việt Nam đã có buổi nói chuyện tại đây.

Gần đây, dư luận lại nhắc nhiều về anh khi vào trung tuần tháng 10 tới, anh sẽ "về chung một nhà" với hoa hậu Đặng Thu Thảo.

Đề cập đến chủ đề “Đón nhận thế giới đang đổi thay", CEO 30 tuổi đã không ngần ngại "trải lòng" với những cống hiến của bố mẹ trong suốt quảng đời khởi tạo và dẫn dắt tập đoàn. Doanh nhân trẻ cho biết, bản thân anh là người may mắn khi được giao trọng trách tiếp quản "di sản" được bố mẹ mình xem như một "đứa con".

CEO Nguyen Trung Tin: 'Lam on cho the he tre co hoi thu thach, pham sai lam va sua sai'
Doanh nhân Nguyễn Trung Tín - CEO tập đoàn Trung Thủy Group.

“Bố mẹ dành một ngày 10, 12 thậm chí 14 tiếng để nuôi dạy, chăm chút cho nó không khác gì lo lắng cho mình và em trai. Một ngày đẹp trời, có một "vú em" khác vào chăm sóc theo một hướng khác, chưa biết có tích cực hơn hay không, nên dĩ nhiên là họ sẽ rất lo lắng và sẽ có động thái theo kiểu "buông rèm nhíp chính", nghĩa là họ sẽ quan sát rất kỹ xem mình điều phối công ty như thế nào”, CEO tập đoàn Trung Thủy tâm sự.

Bị ảnh hưởng nhiều bởi cách điều hành doanh nghiệp của người phương Tây, tư duy "mở", Nguyễn Trung Tín không ngại chia sẻ quan điểm về việc chọn người chuyển giao. Theo CEO 30 tuổi, anh sẵn sàng bước ra ngoài và chuyển giao quyền lực cho người giỏi hơn, tiềm năng và xứng đáng hơn thay vì "con vua thì được làm vua", tất cả đều vì mục đích phát triển doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, doanh nhân Nguyễn Trung Tín cũng thể hiện bản thân khá thú vị trong việc "tư vấn ngược". Anh cho biết: thứ nhất, "thế hệ F1" cần xác định rõ mục đích chuyển giao: chuyển giao vì họ họ cảm thấy "thế hệ F2" có thể phát triển hơn, lớn và mạnh hơn nữa hay là chuyển giao vì họ muốn về hưu là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.

Tiếp đó, khi đã nhắm được đối tượng chuyển giao là người trong nhà hay bên ngoài, "thế hệ F1" cần chuẩn bị được những đánh giá nhân tố đó có thật sự phù hợp không, đam mê của đối tượng thừa kế có phù hợp với tổ chức; đồng thời đánh giá được khả năng và kinh nghiệm của người nhận chuyển giao.

“Bước thứ 3 là lên kế hoạch chuyển giao như thế nào. Và khi đã chuyển giao, trao quyền rồi thì làm ơn hãy cho họ cơ hội để thử thách chính mình, được phạm sai lầm trong công việc của mình và được bảo vệ những quyết định đó, sai lầm đó trước hội đồng quản trị và cơ hội sửa sai”, CEO Nguyễn Trung Tín bày tỏ.

Chuyển giao quyền lực như "cuộc tiếp sức"

Nói về quan điểm chuyển giao quyền lực, ông Trần Hùng Huy, chủ tịch ngân hàng ACB cho biết: “Khi chuyển giao đến thế hệ kế tiếp thì cũng nên nghĩ rộng, không chỉ cho người trong gia đình mà còn có thể là người ngoài. Quan trọng nhất là chọn người phù hợp cho doanh nghiệp và sự tồn tại của doanh nghiệp”, ông Huy nói.

CEO Nguyen Trung Tin: 'Lam on cho the he tre co hoi thu thach, pham sai lam va sua sai'
Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch ACB.

Theo ông Huy, việc chuyện giao quyền lực cũng giống như một "cuộc tiếp sức" giữa các thế hệ, với người đi trước phải đi chậm lại để chờ người đi sau và sau khi người đi sau đã đuổi kịp thì người đi trước nên nhường bước lại cho thế hệ sau tăng tốc và về đích.

Ngoài ra, ông Trần Hùng Huy cũng thẳng thắn nhìn nhận vấn đề mà rất nhiều doanh nghiệp gia đình Việt Nam đang gặp phải, đó là việc rất nhiều quyết định đều đặt nặng lên người chủ doanh nghiệp, dẫn đến doanh nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào chủ doanh nghiệp.

“Tôi cho rằng nên xây dựng doanh nghiệp phát triển theo hướng có hay không có người chủ doanh nghiệp điều hành thì doanh nghiệp đó vẫn hoạt động tốt”, ông Hùng Huy chia sẻ.

Ngoài việc thế hệ tiếp nhận chuyển giao phải tôn trọng giá trị tạo lập, nền tảng doanh nghiệp, xây dựng doanh nghiệp phát triển trên nền tảng đã có thì bên cạnh đó một yếu tố rất quan trọng vẫn là đam mê.

“Cứ thử nghĩ xem, với trách nhiệm người đứng đầu, có nhiều ngày chúng ta phải làm việc 14 - 16 giờ đồng hồ. Nếu không đam mê sẽ không làm nổi. Làm mà không sướng, không vui thích thì rất chán nản, không tạo được sự phát triển và sáng tạo”, ông Huy cho biết thêm.

"Buông rèm nhiếp chính" là một hành động dõi theo

Chia sẻ quan điểm về người tiếp nhận cần làm gì để thể hiện và tạo được giá trị của chính mình, bà Lê Thu Thủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT SeABank chia sẻ, mỗi một nền tảng xây dựng của thế hệ đi trước đều để lại một nền "văn hóa" và bản thân bà may mắn khi thế hệ đi trước đã tạo sẵn nền tảng, làm sẵn một cái khuôn để khi tiếp quản không phải xây dựng lại từ đầu.

CEO Nguyen Trung Tin: 'Lam on cho the he tre co hoi thu thach, pham sai lam va sua sai'
Bà Lê Thu Thủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT SeABank.

Nhưng khi đi theo nền tảng đã xây dựng sẵn, một cái khuôn đã đúc sẵn thì làm sao để phát huy hết giá trị của bản thân với doanh nghiệp, với cộng đồng và xã hội? Bà Thủy cho biết, những thế hệ đi trước nhấn mạnh nhiều vào việc tạo dấu ấn.

“Bà của tôi từng nói, tất cả công việc chúng ta làm hằng ngày, tích lũy theo ngày tháng thì sau một quảng đời khi nhìn lại thì chúng ta sẽ làm được một dấu ấn gì đó, cụ thể là cho khách hàng của công ty, cũng như là cho cộng đồng và xã hội”, bà Thủy tâm sự.

Còn việc "buông rèm nhiếp chính", theo bà Thủy, nếu có đi chăng nữa thì cũng là một hành động dõi theo của thế hệ đi trước đối với thế hệ đi sau.

“Vì tôi cũng trẻ nên đôi lúc sẽ vẫn nông nổi, vội vã và luôn cho mình là đúng; nhưng sau đó tôi cũng có những giây phút đọng lại và lắng nghe lời khuyên để rút ra được nhiều kinh nghiệm, không chỉ từ bố mẹ mình mà còn từ tất cả những người đi trước  đã khởi nghiệp từ con số không”, bà Thủy chia sẻ.

Mộc Trà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI