CEO Ngô Thị Thùy Trang: ‘Tôi góp nhặt niềm vui từ công việc đúng đam mê’

13/10/2018 - 16:54

PNO - Một nữ tướng mạnh mẽ trên thương trường và một người phụ nữ mềm mại trong gia đình... CEO Ngô Thị Thùy Trang là con người như vậy!

Trong chị Ngô Thị Thùy Trang dường như tồn tại hai con người đối lập. Một nữ tướng mạnh mẽ trên thương trường và một người phụ nữ mềm mại trong gia đình. Một người sếp cứng cỏi, quyết đoán tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Mã Việt chuyên cung cấp thiết bị cấp thoát nước công nghiệp và một nữ giám đốc dịu dàng tại hệ thống Trung tâm mỹ thuật sáng tạo Global Art & Creative (GAC).

* Người ta thấy chị xông pha trên thương trường, hết ngành này tới ngành khác, đâu mới là ngành kinh doanh chính của chị?

- Chị Ngô Thị Thùy Trang: Ngành nào cũng là ngành chính cả. Và tôi làm không thấy mệt vì ngành kinh doanh nào tôi cũng thấy niềm vui. Ngành thiết bị cấp thoát nước tôi làm lâu năm nhất, khá nặng đầu nhưng đã gắn với tôi như duyên nợ. Ngược lại, ngành Nghệ thuật - sáng tạo và rượu vang là những thứ tôi vừa kinh doanh vừa là cách giải tỏa căng thẳng.

CEO Ngo Thi Thuy Trang: ‘Toi gop nhat niem vui tu cong viec dung dam me’
CEO Global Art & Creative Ngô Thị Thùy Trang 

Tôi thấy mình có một chu kỳ 5 năm trong công việc. Cứ mỗi chu kỳ tôi lại tìm một thứ gì đó mới mẻ để làm nhưng làm đến nơi đến chốn, không làm nửa vời. Thật may, với chồng, tôi không có chu kỳ 5 năm như vậy (cười)….

* Thế, người đàn ông mạnh mẽ ấy đứng sau chị được bao nhiêu năm rồi?

- Anh ấy đi cùng tôi đã 20 năm. Anh là người nước ngoài, tự học tiếng Việt để giao tiếp. Anh nói rằng phụ nữ Việt Nam rất chăm chỉ, giỏi giang. Chỉ cần tạo một chút động lực thì họ sẽ dễ dàng thành công. Tôi không biết mình gỏi giang đến đâu, nhưng tôi biết ơn anh luôn thấu hiểu và cảm thông cho người bạn đời.

Anh cũng là người tâm lý, biết chia sẻ nhiều áp lực trong cuộc sống và công việc của vợ. Ngay cả khi tôi quyết định đầu tư quán rượu vang vì đam mê, anh cũng không phản đối. Tôi nghĩ rằng nếu là một người đàn ông khác khó lòng làm được như vậy.

* La Passion là quán rượu ở trung tâm thành phố nhưng nhẹ nhàng và yên tĩnh quá...

- Vì tôi muốn có một nơi nhẹ nhàng, lãng mạn dành cho những người bạn cùng "gu". Tôi thích uống rượu vang và muốn có một nơi để ngồi tán gẫu với bạn bè, đối tác. Đến khi làm rồi lại muốn đi sâu tìm hiểu, khám phá những hương vị mới, tìm kiếm nhiều loại “đồ chơi” như đồ khui lạ, ly pha lê… thì càng thêm mê, cái tên La Passion cũng ra đời từ đó.

Người yêu rượu vang sẽ thấy nó không đơn thuần là một món đồ uống, mà là những câu chuyện diệu kỳ, say mê đằng sau mỗi chai rượu, mỗi vùng làm rượu lâu đời. Uống rượu vang là cả một quá trình chiêm nghiệm, thưởng thức và tận hưởng hương thơm, mùi vị, cảm nhận nét tài hoa của người nghệ nhân. Chính vì vậy mà rượu vang trở thành một nét văn hóa, cũng là món đồ uống trong những bữa tiệc sang trọng của giới quý tộc hay những khung cảnh lãng mạn.

La Passion cũng là nơi "triển lãm" các tác phẩm từ trường GAC. Đó là những cái chai được vẽ một cách sáng tạo, nhưng mô hình bốn mùa bằng đủ loại vật liệu được thể hiện sống động bởi cô trò trong trường. Tôi trân trọng những sáng tạo ngộ nghĩnh và đáng yêu ấy, bởi nó là nền tảng cho những sáng tạo không ngừng khi các em trưởng thành.

CEO Ngo Thi Thuy Trang: ‘Toi gop nhat niem vui tu cong viec dung dam me’
Chị Trang (ngoài cùng bên trái) và một số đối tác nhượng quyền thương hiệu GAC

* GAC có vẻ cũng là kiểu kinh doanh "lãng mạn", vì trong thời buổi mọi người đổ xô cho con đi học ngoại ngữ thì chị lại mở một trung tâm về hội họa?

- Nghệ thuật sao có thể thiếu yếu tố lãng mạn. Nhưng khó khăn là điều khó tránh khỏi. Trong thời điểm yếu tố ngoại ngữ được phụ huynh chú trọng thì việc đưa một mô hình dạy vẽ từ nước ngoài về là một quyết định táo bạo, thậm chí nắm chắc phần thua.

Nhưng khi nhìn lại, tôi xót xa khi thấy học sinh có khi còn không thể vẽ được bức vẽ đơn giản. Bởi vì gia đình và nhà trường chỉ muốn các em tập trung vào ngoại ngữ hay các môn STEM để chuẩn bị cho con thành công dân toàn cầu. Tuy nhiên, nếu chúng ta thật sự muốn khám phá, phát triển trí tuệ của con người thì nghệ thuật và sáng tạo cần có một vị trí quan trọng trong hệ thống giáo dục chính thống.

Chính vì vậy, dù nhiều khó khăn, tôi vẫn quyết tâm không từ bỏ GAC vì tôi biết rằng đây là một chương trình thật sự hữu ích cho trẻ em trong nước.

* Vậy chị đã đối mặt với khó khăn thế nào?

- Không gì khác hơn là kiên trì, nhẫn nại, thậm chí bù lỗ liên tục trong những năm đầu. GAC sau một số năm được đầu tư theo kiểu "quăng tiền qua cửa sổ" nay đã khẳng định uy tín trên thị trường.

Tôi không mất nhiều chi phí cho marketing vì chính những cha mẹ từng cho con học ở Global Art đã giới thiệu cho nhiều người khác. Có những phụ huynh cho con học hiệu quả đã trở thành đối tác. Có những đối tác sau một cơ sở thành công thì đầu tư 2-3 cơ sở khác.

Đến nay, Global Art đã có 32 cơ sở nhượng quyền trên cả nước, và dự kiến con số này sẽ tăng lên khoảng 60 cơ sở trong 2 năm tới. Thật tuyệt vời khi để cho ngày càng nhiều em nhỏ từ 4 đến 16 tuổi tiếp cận với nghệ thuật và sáng tạo để giúp các em phát triển trí thông minh, khả năng tư duy sáng tạo và giúp các em ngày càng năng động.

CEO Ngo Thi Thuy Trang: ‘Toi gop nhat niem vui tu cong viec dung dam me’
Với chị Trang (áo đen), làm thứ mình đam mê và đam mê thứ mình làm sẽ tìm thấy niềm vui

* Môn hội họa đã có trong trường học, vậy tại sao các em lại cần học thêm ở trung tâm bên ngoài?

- Vì chúng tôi không dạy nghệ thuật hội họa đơn thuần. Phụ huynh đưa con đến lớp không phải vì họ muốn các bé sẽ trở thành họa sĩ, kiến trúc sư, mà là để trang bị cho các bé hành trang trong cuộc đời. Những kinh nghiệm tích cực trong nghệ thuật sẽ phát triển trí tưởng tượng cũng như khả năng tư duy, giải quyết vấn đề.

Hơn nữa, nghệ thuật còn nâng cao tính tự trọng, tự tin trong việc giải quyết vấn đề và phát triển tư duy logic. Nếu chỉ dạy về hội họa, tôi không cần phải đầu tư quá nhiều như hôm nay?

Tôi rất ngưỡng mộ người sáng lập Global Art - một đôi vợ chồng người Malaysia, tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng am hiểu nghệ thuật sâu sắc. Chương trình họ xây dựng thậ hoàn chỉnh và bài bản, không chỉ truyền tải cảm hứng nghệ thuật và sáng tạo cho trẻ em, mà còn tập cho trẻ kỹ năng giao tiếp với thế giới bên ngoài, giúp các em tự tin, có kỹ năng tư duy, phát triển khiếu thẩm mỹ về thế giới xung quanh.

Qua đó giúp các em sáng tạo hơn ở mọi ngành nghề và lĩnh vực khác nhau, thành công trên con đường sự nghiệp về sau. Tuy nhiên, sáng tạo không thể hình thành ngày một, ngày hai mà cần phải qua một quá trình mài dũa lâu dài bằng nhiều phương pháp giáo dục đúng đắn. Dù mất nhiều thời gian, nhưng không thể lơ là giáo dục sáng tạo vì đó là sự đảm bảo đảm cho một tương lai phát triển bền vững cho cả một dân tộc.

* Một câu hỏi cuối, thưa chị. Đường kinh doanh không rải hoa hồng, làm thế nào để chị luôn có năng lượng cho nhiều công việc căng thẳng cùng một lúc?

- Đó là hãy làm thứ mình đam mê và đam mê thứ mình làm. Ngày trước, khi nghĩ đơn thuần làm để kiếm tiền, tôi rất khó tính, hay cáu gắt với nhân viên. Điều này khiến cho nhân viên căng thẳng mà bản thân tôi cũng cảm thấy mệt mỏi.

Về sau, khi làm về nghệ thuật và rượu vang, tôi bắt đầu tìm thấy niềm vui mỗi ngày từ công việc cũng như những gì mình đem lại cho mọi người. Có một nhân viên cũ đến nay vẫn giữ chiếc sim điện thoại tôi tặng cách đây 15  năm, vì biết ơn tôi đã giúp em công việc khi em khốn khó. Điều đó cũng đã giúp gia đình em qua nhiều giai đoạn khó khăn. Tôi góp nhặt những niềm vui nho nhỏ như vậy, để thấy rằng cuộc sống của mình có đôi chút ý nghĩa đối với những người xung quanh.

* Cảm ơn chị về những chia sẻ trên.

Xuân Lộc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI