“Em chỉ là một cô bé bình thường, em thích đàn guitar, hát hò và vui chơi”, Samaira Mehta nói về bản thân như thế. Nhưng trong mắt mọi người, Samaira Mehta chẳng hề “bình thường” như em nghĩ, mà em thật sự là một cô bé phi thường. Một CEO 11 tuổi với ước mơ giúp 1 tỷ trẻ em thành thạo lập trình là những đặc điểm khiến Mehta không thể lẫn với bất cứ đứa trẻ nào.
Từ tò mò về những dòng mã lệnh
Bảy tuổi, trong khi những đứa trẻ khác còn mày mò chơi những món đồ chơi mô hình hóa về lập trình thì chính Mehta đã tự tạo ra được bộ kit CoderBunnyz dạy những khái niệm cơ bản về lập trình. Đối tượng vừa học vừa chơi bộ kit này có cả những học sinh cấp II, lớn hơn nhiều so với tuổi của Mehta thời điểm ấy. Hai năm sau đó, cô bé ra mắt CoderMindz. Em gọi đây là trò chơi sử dụng trí thông minh nhân tạo đầu tiên trên thế giới.
Mehta cũng chính là CEO (giám đốc điều hành) và nhà đồng sáng lập Công ty CoderBunnyz (trùng tên trò chơi đầu tiên Mehta tạo ra) là mẹ em. Với kiến thức của người có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh, mẹ của Mehta đã tư vấn, cùng em ra quyết định bán cả hai trò chơi CoderBunnyz và CoderMindz ra thị trường. Đồng thời, Mehta cùng “cộng sự” đặc biệt là mẹ đã làm việc với Walmart và Facebook, thuyết phục hai “ông lớn” trong ngành bán lẻ và mạng xã hội tài trợ cho em để đưa những hoạt động truyền cảm hứng, huấn luyện lập trình đến các trường học ở nhiều nơi trên thế giới.
|
Mehta và trò chơi CoderBunnyz do em sáng tạo |
Với nhiều người trưởng thành, ước mơ trở thành một CEO đôi khi quá xa vời. Mehta đã đạt được điều ấy từ rất sớm nhưng em không dừng lại. Với Mehta, tuổi tác chỉ là con số và em tự nhận mình là cô bé bình thường, cũng có những sở thích như bao người, nhưng điều khiến em khác biệt chính là em muốn đặt mục tiêu công việc ở mức cao nhất. Đó chính là “nhân bản” chính em.
Mục tiêu lớn lao hơn cả đối với Mehta chính là lan tỏa niềm đam mê lập trình, “chơi đùa” với những dòng mã lệnh cho trẻ em trên thế giới. Mehta đã đưa ra sáng kiến “Yes, 1 billion kids can code” (Vâng, 1 tỷ trẻ em sẽ biết lập trình) vào năm 2030, thời điểm Mehta dự kiến sẽ tốt nghiệp đại học.
11 tuổi, Mehta trang bị cho mình vô vàn trải nghiệm để hiện thực hóa ước mơ với hàng loạt buổi làm việc ở các trường học, hơn 150 buổi hội thảo ở các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Microsoft, Intel và chủ trì hơn 50 hội nghị về lập trình uy tín trên thế giới.
Những ai lần đầu tiên biết đến Mehta đều không khỏi trầm trồ và ngạc nhiên về em. Nhưng với Mehta, việc em làm được là điều hết sức tự nhiên. Mehta chia sẻ: “Em may mắn vì đã làm được những điều mình đam mê mà không phải lùi bước trước bất kỳ định kiến hay rào cản nào”.
Bệ phóng vững vàng từ cha mẹ đã giúp Mehta quên đi những giới hạn, quên đi rằng tuổi đời mình còn rất nhỏ, rằng xã hội ngoài kia phần lớn mặc định ngành kỹ thuật, khoa học không phải là lĩnh vực thuận tay của nữ giới. Mehta không phải là thần đồng lập trình mà niềm yêu thích những dòng mã lệnh lúc em 6 tuổi.
Một lần, bố Mehta, vốn là kỹ sư máy tính, đùa với con gái rằng trên màn hình máy tính có một nút tròn nhỏ, nếu Mehta thấy mình là cô bé đáng yêu thì hãy bấm vào. Nhưng Mehta rê chuột đến nút tròn thì nó tự động biến mất. Mehta quá ngạc nhiên, chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra nhưng kể từ lúc ấy, Mehta bắt đầu nghĩ đến những dòng mã lệnh và năn nỉ bố dạy bằng được.
Mỗi lần viết được một dòng lệnh, Mehta lại hào hứng “khoe” với bạn bè. Dần dần, Mehta yêu lập trình và xem đó là việc chẳng thể thiếu được
mỗi ngày.
Nhưng không phải người bạn nào của Mehta cũng yêu thích lập trình như cô bé. Bạn bè em dù cảm thấy tò mò, thú vị với những cây lệnh nhưng vẫn không thể hình dung được cần bắt đầu từ đâu. Mehta luôn suy nghĩ về điều này và đó là lý do để trò chơi CoderBunnyz ra đời.
Mehta muốn các bạn cùng khám phá, có những trải nghiệm thú vị với việc lập trình không phải trên máy tính khô khan mà thông qua trò chơi tương tác thực tế thú vị trên.
Đến ước mơ kiến tạo tương lai
Khi chọn lập trình là hướng đi của mình, Mehta ngày càng nhận ra có những rào cản vô hình khiến những bạn gái xung quanh em thờ ơ hoặc e dè khi tiếp cận lĩnh vực này. Ngay với bản thân Mehta, khó khăn nhất chính là ánh mắt e ngại, hoài nghi mà mọi người dành cho em. Họ dường như không tin một cô bé mới 11 tuổi có thể chia sẻ kiến thức bài bản, hệ thống về lập trình.
|
Mehta chia sẻ ước mơ xa nhất của em chính là trở thành tổng thống Mỹ |
Càng vấp phải khó khăn, Mehta càng mong muốn đưa mảng kiến thức này đến với bạn bè đồng trang lứa càng sớm càng tốt. Em chia sẻ: “Người lớn thường sợ hãi những định kiến họ đã tích lũy từ ngày này qua ngày khác nhưng trẻ con thì khác. Em muốn những người bạn của mình, bất kể nam hay nữ đều coi lập trình là một kỹ năng cần thiết. Dù khi lớn lên các bạn có trở thành lập trình viên hay không thì kiến thức học được cũng sẽ giúp mọi người có cách tư duy rành mạch hơn, sẵn sàng hơn cho công việc kiến tạo tương lai”.
Cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama, một trong những nhân vật có sức ảnh hưởng lớn bởi những nỗ lực khuyến khích bình đẳng giới, từng gửi thư động viên Mehta. Bà Michelle khen ngợi cô bé và nhắn nhủ em đừng để bất cứ điều gì ngăn cản nỗ lực, ước mơ đẹp đẽ này. Lá thư đó chính là nguồn động lực lớn lao để Mehta vững bước tiếp tục con đường mình lựa chọn.
Em chia sẻ: “Tất cả mục tiêu, đam mê và cả những mơ ước nhỏ bé của em đều sẽ tác động đến thế giới này. Vì điều ấy mà em sẽ không dừng lại, sẽ làm việc chăm chỉ hơn, dành tất cả suy nghĩ của mình
cho nó”.
Nếu ba mẹ là người “gác cổng” giúp Mehta loại bỏ những giới hạn thì hai cái tên có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời em chính là Grace Hopper và Ada Lovelace. Trong giới khoa học máy tính, chẳng ai xa lạ với Ada Lovelace. Dù không phải là người phát minh chiếc máy tính đầu tiên nhưng Ada chính là nhà lập trình đầu tiên trên thế giới.
|
Mehta tại một buổi hội thảo hướng dẫn học sinh cách tư duy như một nhà lập trình |
Còn Grace Hopper là người phụ nữ vĩ đại bởi những nỗ lực tiên phong không ngừng nghỉ trong lĩnh vực khoa học máy tính. Từ một cô bé tinh nghịch, luôn tìm tòi, sáng tạo, Grace Hopper được ghi nhận là lập trình viên đầu tiên cho máy tính Mark I và phát triển trình biên dịch đầu tiên cho một ngôn ngữ lập trình. Điều khiến Grace Hopper trở nên vĩ đại là bà đã vượt qua trở ngại trong công việc, từng đối diện với những lực cản và chạm đến những mục tiêu bản thân đề ra.
Ngọn lửa cảm hứng một khi đã thắp sáng sẽ không bao giờ tắt. Mehta chọn cho mình vị trí của một người truyền lửa. Niềm vui của em sau mỗi buổi chia sẻ ở các thư viện, hội thảo chính là nhìn thấy nụ cười phấn khởi của bạn bè đồng trang lứa sau khi viết hoàn chỉnh một dòng lệnh. Đó là phần thưởng quý giá dành cho Mehta.
Mehta ấp ủ ước mơ xóa bỏ bất bình đẳng trong các ngành khoa học, kỹ thuật, toán học, công nghệ. Em mong mình có thể tiếp tục thắp lên ngọn lửa mà những nhân vật huyền thoại như Ada Lovelace hay Grace Hopper đã từng làm.
Xa hơn nữa, cô bé còn mơ ước trở thành tổng thống Mỹ tương lai, mơ một ngày có thể kết nối với nhiều con người vĩ đại để chung tay dành sức trẻ kiến tạo tương lai. Dù ước mơ có chạm đến vạch đích hay không thì những nỗ lực của Mehta vẫn là niềm cảm hứng lớn lao cho những ai biết đến cô bé này.
Thiên Anh