Vẫn xinh, ngay cả khi lên đỉnh Everest!
* Phóng viên: Ý định chinh phục các ngọn núi của chị có từ khi nào vậy?
- Céline Nhã Nguyễn: Khoảng thời gian trước khi đến Malaysia để làm việc, tôi cũng đã từng trải nghiệm leo một số ngọn núi nhưng lúc đó, việc leo núi chỉ đơn giản là để thư giãn đầu óc, nâng cao sức khỏe mà thôi.
|
Tại Trại Căn cứ, làm lễ cầu an - một nghi thức bắt buộc của các đoàn leo Everest để leo núi được an toàn |
Thế nhưng mọi thứ đã thay đổi khi tôi leo ngọn núi lớn đầu tiên là Kota Kinabalu với độ cao 4.095m, cao hơn Fansipan - nóc nhà của Đông Dương đến gần 1.000m. Độ cao, những con dốc, vách đá và khí hậu… đã vô tình lôi cuốn tôi hơn bất kỳ chuyến leo núi nào trước đây. Và kể từ thời điểm này, leo núi với tôi không còn đơn thuần là sở thích hay những lần hứng thú bất chợt nữa.
* Chinh phục những ngọn núi “khủng”, phải chăng đó cũng là tính cách của chị - càng khó càng phải vượt qua?
- Tôi không nghĩ là mình chọn núi mà ngược lại, những ngọn núi đã chọn tôi. Những ngọn núi Lenin Peak, Vinson Massif, Elbrus, Aconcagua hay đỉnh Everest, lần lượt hiện ra trước mắt tôi, giống như những bài kiểm tra bắt buộc: Kiểm tra về mặt thể lực, kỹ năng sinh tồn, khả năng thích nghi, và trên hết là bài kiểm tra tinh thần, niềm tin... Chính những ngọn núi quyết định rằng liệu tôi có thực sự xứng đáng với đam mê này hay không.
|
Trại Căn cứ ở Everest |
Việc thất bại trên những ngọn núi đồng nghĩa với việc nhà leo núi sẽ phải trả giá cho những vọng tưởng viển vông. Everest là một trong những ngọn núi đem đến cho tôi trải nghiệm, cảm giác đáng nhớ này, rằng việc leo đến đỉnh núi không hề là minh chứng cho sự thành công cuối cùng.
* Chị từng trải qua cú ngã lộn mấy chục vòng trong hành trình chinh phục Elbrus mùa đông, một cách rất… kịch tính. Liệu cú ngã ấy có gây nên một sự thay đổi nào của chị ở Everest hay không?
- Có lẽ Elbrus là chuyến khó khăn nhất với tôi tính đến thời điểm đó, vì Elbrus vào mùa đông sẽ không có dây cố định như những ngọn núi tôi từng leo trước đây. Dù hiểu rằng mình sẽ phải tập trung đến 200 - 300% khả năng, nhưng hơn 10 tiếng cho hành trình gian nan 1.500m cùng những trang bị nặng nề trong điều kiện khắc nghiệt ở cấp độ hoàn toàn khác tưởng tượng, chỉ trong tích tắc, với một lỗi sai nhỏ, tôi ngã và lăn xuống dốc núi một đoạn xa, may bạn đồng hành đã kịp cứu sống tôi trong phút giây hoảng loạn đó.
Đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã” là câu nói tôi vẫn hay nghe, và nó thường được sử dụng với tầng nghĩa triết lý, mang tính ẩn dụ hơn. Nhưng tại ngọn Elbrus, tôi đã được trải nghiệm theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tôi đã rất khó khăn để đứng dậy và bước tiếp vào thời điểm đó, sự căng thẳng đột ngột, cơn đau và cả nỗi sợ khiến tôi run lẩy bẩy.
|
Xuất phát từ trại 4 lên đỉnh Everest trong đêm 15/5/2022 |
Nhìn xa hơn, cú ngã ngày hôm đó đã cho tôi một bài học rất lớn để tôi nghiêm túc nhìn nhận nhiều vấn đề. Nhờ lần đó, tôi đã có kinh nghiệm hơn khi leo những ngọn núi băng, chuẩn bị tốt hơn cho lần leo Vinson Massif - đỉnh núi cao nhất của lục địa trắng Nam Cực - và cả Everest.
* Trong chuyến chinh phục Everest, chị đã có một “cú thót tim”…
- Tôi đã cận kề cái chết. Tôi bị trượt chân và rơi xuống khe băng sâu hút. Khe băng này được tạo ra bởi Khumbu - thác băng nguy hiểm chảy xuống thung lũng Tây, tầng bên dưới có vô số khe nứt thẳng đứng, chính là các khe băng. Có những khe băng rất nhỏ, có thể bước qua dễ dàng nhưng cũng có những khe băng rộng đến 24m, sâu không thấy đáy, mọi người phải dùng đến thang nhôm để băng qua trên những chiếc móng mèo sắt. Ai cũng rất căng thẳng vì phải giữ thăng bằng khi bên dưới là một vực sâu mà trong tưởng tượng của mình, có khi nó đến tận tâm trái đất. Khi nhảy qua, tôi bị kẹt lại nửa bàn chân và cứ thế, tôi rơi xuống khe băng sâu hun hút với tiếng hét có khi vang khắp cả 3 trại.
|
Ở trại 3, bịt kín băng keo để tránh tia tử ngoại thiêu đốt khi gần mặt trời |
Một lúc sau, trưởng đoàn thám hiểm và sherpa (những người khuân vác) đã có mặt tại khe băng, tổ chức cứu hộ, đưa tôi lên. Mặc dù là trải nghiệm đáng sợ, nhưng nó cũng đem đến cho tôi không ít cảm giác ấm áp, khi thấy mọi người nỗ lực đưa mình lên khỏi vực sâu. Chắc chắn sau này tôi sẽ kể lại cho con cháu nghe về điều này!
* Làm thế nào để trông chị vẫn xinh khi leo Everest? Tôi biết câu hỏi có vẻ ngớ ngẩn, nhưng tôi rất muốn hỏi…
- Tôi lại nghĩ câu hỏi này rất thú vị và ý nghĩa đấy chứ. Phụ nữ mà, ai chẳng muốn trở nên đẹp mọi lúc mọi nơi. Trong suy nghĩ của một người chơi thể thao, tôi trân trọng vẻ đẹp của bản thân, mà đặc biệt là vẻ đẹp đến từ sự khỏe khoắn, mạnh mẽ nhưng cũng không kém phần nữ tính. Khi leo Everest, tôi luôn phải đối mặt với những vấn đề liên quan đến sức khỏe như tia UV, ánh nắng và các tác nhân khác có thể gây hại trực tiếp đến làn da và các bộ phận cơ thể khác của mình. Tôi luôn trang bị các lớp bảo vệ bản thân tốt nhất có thể: băng keo xanh trên da mặt, mũ bảo hộ, mặt nạ, kính phản quang, khăn trùm... Tôi cũng đem theo một số sản phẩm chăm sóc da như mặt nạ, mặt nạ mắt hoặc kem bôi phòng bị bỏng lạnh. Tuy nhiên, để được đẹp, trước tiên mình cần phải mạnh khỏe và có những suy nghĩ tích cực. Ngay cả trong thời điểm mệt mỏi nhất khi leo Everest, tôi cũng cố gắng duy trì tinh thần tích cực và đây chính là chìa khóa để “vẫn xinh ngay cả khi leo Everest”.
“Đi để trở về”
* Sau khi chạm chân, trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên chinh phục Everest, cảm xúc của chị thế nào?
- Hồi tưởng lại, thật sự những cảm xúc ấy rất khó có thể nói nên lời. Bước qua xác chết của các nhà leo núi khác giữa đêm lạnh giá là một trải nghiệm đáng sợ đối với tôi.
|
Vượt thác băng Khumbu, nơi khó khăn và nguy hiểm trong quá trình leo Everest |
Điều đầu tiên tôi làm khi chạm đến mốc 8.848,86m là buộc dải cờ đã được Đức Lạt Ma làm phép vào đỉnh núi. Được đỉnh Everest thiêng liêng lựa chọn, được ngắm nhìn những khung cảnh, được trải qua những cảm xúc và chiêm nghiệm ra nhiều điều mà không phải ai cũng được trải qua là một phước lành quý báu mà tôi đã trải nghiệm. Những cảm xúc khác bắt đầu xuất hiện theo cung bậc: Đầu tiên là sự nhẹ nhõm, rồi đến vui sướng, tự hào về những nỗ lực của bản thân, và trên hết, cũng là cảm xúc lưu lại trong tôi đến tận lúc leo xuống, là dòng suối ấm áp của sự bình yên lan tỏa trong thẳm sâu tâm hồn.
* Chị có sự liên tưởng gì tới sự sống, tồn tại, cái chết, sự tĩnh lặng khi trải nghiệm quá nhiều nơi thiên nhiên tuyệt vời nhưng cũng rất nguy hiểm như vậy?
- Trước thiên nhiên vô tận và tịch mịch, tôi cũng như bao người khác, ngỡ ngàng và mãn nguyện khi được chiêm ngưỡng những tuyệt tác của tạo hóa, thầm cảm ơn vì mình được chứng kiến. Nhưng tôi cũng có một nỗi sợ, hay nói đúng hơn, là nỗi e dè trước sức mạnh của thiên nhiên. Trong gang tấc, sự sống và cái chết có thể thay đổi, luân chuyển, số mệnh và những bước ngoặt ập đến với mỗi người theo cách không thể lường trước được.
|
Céline Nhã Nguyễn leo núi ở Nam Cực |
hưng rồi tôi cũng tự hỏi nếu bỏ lỡ những điều này chỉ vì nỗi sợ, thì đến cuối cùng, mình sẽ là ai và làm được điều gì? Cuộc đời này thật sự ngắn ngủi, mà chữ “giá như” phải chăng lại quá dài, nên là: “Hãy cứ tận hưởng ngày hôm nay của mình, dám mơ, dám nghĩ và dám làm điều mình mơ ước” thôi.
* Tết năm nay đối với chị có gì đặc biệt, liệu chị có tiếp tục chinh phục một nơi nào đó mới trên thế giới?
- Tết năm nay tôi sẽ dành thời gian cho gia đình nhiều hơn sau nhiều công việc và biến cố. Tôi cũng có nhiều dự định bên những người thân. Có thể nói tết năm nay sẽ đúng với tinh thần “đi để trở về”.
|
Giấy chứng nhận leo Everest thành công |
Tôi đã đặt chân lên được 6/7 đỉnh núi cao nhất của mỗi châu lục trên thế giới, tôi dự định sẽ hoàn thành hành trình “thất đỉnh”, với đỉnh Denali cao nhất Bắc Mỹ (6.190m) vào một thời điểm nào đó trong năm 2023. Có lẽ sau này, khi nhìn lại, tôi sẽ cảm thấy rất vui và tự hào cho năm tháng thanh xuân rực rỡ sắc màu, mà màu nổi bật nhất trên đó là màu đỏ. Đó là màu của lá cờ Tổ quốc mà tôi đem lên những đỉnh núi, màu của bộ đồ mà tôi mặc khi leo núi, và đó cũng là màu của ngọn lửa sẵn sàng cháy lên cho những nhiệt huyết bất tận không bao giờ tắt.
|
Ở Hillary Step, sau khi đã chinh phục xong Everest |
Céline Nhã Nguyễn là luật sư. Cô tốt nghiệp ngành luật tại Đại học Sorbonne (Paris I) và Paris II (Pháp). Cô là một tín đồ thời trang và cũng là một “tay” sưu tập sách cự phách. |
Codet Hanoi (thực hiện)