CDC cảnh báo về nguy cơ từ thực phẩm chức năng chứa thành phần lá kratom

14/04/2019 - 13:56

PNO - Nghiên cứu mới của Trung Tâm Kiểm Soát Và Phòng Ngừa Dịch Bệnh Mỹ (CDC) trong vòng 17 tháng cho thấy gần 100 trường hợp tử vong sau khi sử dụng chế phẩm có thành phần từ lá kratom.

CDC phân tích các báo cáo từ hơn 27.000 trường hợp dùng thuốc quá liều không chủ ý trên khắp 32 tiểu bang và Washington, D.C. Kết quả cho thấy 152 người trong số đó có dấu hiệu sử dụng kratom, và loại thuốc này là nguyên nhân gây tử vong cho 91 trường hợp.

Khoảng 80% những người sử dụng kratom trong nghiên cứu của CDC từng lạm dụng chất gây nghiện. 

Ngoài kratom, thử nghiệm còn tìm thấy fentanyl, heroin, benzodiazepines (một dạng thuốc an thần), opioids theo toa và cocaine trong máu bệnh nhân.

CDC canh bao ve nguy co tu thuc pham chuc nang chua thanh phan la kratom
Cây kratom có nguồn gốc từ Đông Nam Á và xuất hiện nhiều quanh lưu vực sông Mekong, bao gồm cả Việt Nam.

Đầu năm 2019, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng báo cáo 44 trường hợp tử vong liên quan đến thuốc chứa kratom. Dù số người tử vong liên quan đến kratom chiếm chưa đến 1% tổng số ca tử vong do quá liều. Các tác giả nói rằng con số có thể bị đánh giá thấp, và các quan chức y tế vẫn giữ mức cảnh báo về kratom

Theo thống kê, gần năm triệu người Mỹ tiêu thụ kratom mỗi năm. Loài cây có nguồn gốc từ Đông Nam Á được bán dưới dạng thuốc viên, viên nang và chiết xuất. Một số người ủ lá như trà, trong khi những người khác nhai hoặc hút chúng.

Ở liều thấp, kratom hoạt động như một chất kích thích. Ở liều cao hơn, nó làm giảm cơn đau dai dẳng, tác dụng chính giúp kratom trở thành một phương thuốc không cần kê đơn phổ biến thay thế cho opioid.

Ủy viên FDA, Scott Gottlieb nói rằng các hợp chất hóa học trong kratom tương tự với opioids, và cho biết không có bằng chứng đáng tin nào thể hiện rằng nó an toàn hoặc hiệu quả trong "bất kỳ mục đích y tế nào".

Ông Gottlieb nói trong một tuyên bố vào năm 2018: "Người dân không nên sử dụng kratom để điều trị các vấn đề y tế, cũng như là một thay thế cho opioids theo toa".

Cơ quan Phòng chống Ma túy Mỹ liệt kê kratom vào nhóm thuốc đáng lo ngại, nhưng đã bỏ kế hoạch phân loại nó như một chất được kiểm soát vào năm 2016.

CDC canh bao ve nguy co tu thuc pham chuc nang chua thanh phan la kratom
Các chế phẩm từ kratom có thể gây nghiện và đem đến những tác dụng phụ như buồn nôn, chóng mặt, ảo giác, suy hô hấp.

Theo báo cáo công bố đầu năm 2019, các trung tâm kiểm soát chất độc tại Mỹ ghi nhận ​​số lượng cuộc gọi về phơi nhiễm kratom tăng từ 13 trong năm 2011 lên 682 trong năm 2017.

Henry Spiller, giám đốc Trung tâm Ngộ độc Ohio thuộc Bệnh viện Nhi đồng quốc gia cảnh báo: "Các cá nhân chọn sử dụng kratom cần nhận thức rõ những rủi ro tiềm ẩn. Dù sản phẩm hiện được phân loại là một chất bổ sung thảo dược, điều đó không có nghĩa là nó được kiểm soát hoặc tuyệt đối an toàn".

Kratom (hay mitragyna speciosa) là một loại cây bản địa có nguồn gốc từ Đông Nam Á, thường được tìm thấy ở Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Indonesia và cả Việt Nam với tác dụng dân gian như làm tăng sự tỉnh táo, khả năng vận động, giao tiếp, giảm đau và đôi khi được cho là tăng khoái cảm.

Do khả năng ảnh hưởng thần kinh và gây nghiện, kratom bị cấm ở nhiều nơi như Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Liên minh châu Âu, cũng như một số bang tại Mỹ.

Tấn Vĩ (Theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI