Cây xanh ngã đổ nhiều do thời tiết biến đổi bất thường?

06/06/2014 - 10:57

PNO - PN - Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM, trong tháng 5/2014, TP xảy ra hai cơn mưa lớn. Công ty công viên cây xanh (CT CX) TP.HCM cho biết, chỉ trong tháng Năm, đã xảy ra đến hơn 40 vụ CX ngã đổ, gây hư hỏng năm xe...

edf40wrjww2tblPage:Content

Vì sao CX trên địa bàn TP.HCM ngã đổ nhiều?

Chiều 5/6 ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Xí nghiệp quản lý CX số 2, thuộc CT CX TP cho biết, hiện nay, CT CX đang đảm nhận duy tu, chăm sóc khoảng 92.000 CX. Hàng năm, trước khi mùa mưa bắt đầu, CT luôn thành lập tổ kiểm tra kỹ thuật để rà soát, kiểm tra tất cả các CX có dấu hiệu sâu bệnh, già cỗi, bọng gốc, tán lá lớn… có nguy cơ gãy, để tổ chức đốn hoặc mé nhánh thu hẹp tán lá, hạ thấp chiều cao để đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, những năm gần đây, do tình trạng biến đổi khí hậu đã dẫn đến thời tiết biến đổi bất thường, khó dự đoán: gió xuất hiện nhiều hơn, cường độ cao hơn khiến CX ngã đổ nhiều. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều nhà cao tầng mọc lên, tạo ra nhiều luồng lốc xoáy, cũng là một trong những nguyên nhân khiến có nhiều CX ngã đổ.

Cay xanh nga do nhieu do thoi tiet bien doi bat thuong?

Cây xanh trên đường Lê Lợi (Q.1, TP.HCM) gãy đổ đè lên các phương tiện, xảy ra chiều 28/5.

PV: Theo ghi nhận của chúng tôi, trên địa bàn TP hiện có nhiều cây đã chết ở Q.1, Q.7, huyện Nhà Bè… nhưng không được đốn hạ. Phải chăng đây cũng là một trong những nguyên nhân?

- Ông Nguyễn Thanh Sơn: Trách nhiệm quản lý CX hiện nay không chỉ có CT CX mà còn có các quận, huyện và nhiều doanh nghiệp khác tham gia.

Chẳng hạn, các tuyến đường trên địa bàn các quận: 7, Tân Phú, Tân Bình… hiện do các quận, huyện duy tu, quản lý. Vì vậy, việc tỉa cành, nhánh hoặc đốn hạ CX không đảm bảo an toàn trên các tuyến đường thuộc địa bàn các quận, huyện này do các quận, huyện thực hiện. Với những cây bệnh, đã chết trên địa bàn Q.1, chúng tôi sẽ tổ chức kiểm tra, xử lý ngay. CX do tư nhân trồng nhưng trong quá trình đô thị hóa trở thành CX trên vỉa hè thì thuộc trách nhiệm của Nhà nước quản lý. Nhà nước giao đơn vị nào duy tu, quản lý thì đơn vị đó chịu trách nhiệm cắt tỉa cành, nhánh, đề xuất đốn hạ để đảm bảo an toàn.

* Vừa qua, UBND TP.HCM có ban hành quy định những CX cấm hoặc hạn chế trồng, nhưng hiện vẫn còn rất nhiều cây thuộc diện hạn chế trồng xuất hiện trên nhiều tuyến đường?

- Hiện trên địa bàn TP có rất nhiều cây cấm trồng do người dân trồng trước đây. CT CX đang đề xuất Sở GTVT TP thay thế dần các loại cây này bằng các loại cây đảm bảo an toàn cao. Tuy nhiên, việc thay thế cần có thời gian. Riêng việc nhiều cây hạn chế trồng vẫn được trồng trên nhiều tuyến đường là do đặc điểm thổ nhưỡng ở nhiều quận, huyện khác nhau nên phải trồng những cây khác nhau cho phù hợp. Chẳng hạn, đối với những vùng đất bị phèn hoặc thường xuyên ngập nước thì cần phải trồng những loại cây chịu được phèn, ngập.

Việc cắt tỉa cành, nhánh hiện nay đều bằng phương pháp thủ công. Vì vậy, CT rất cần cơ quan Nhà nước hỗ trợ thêm xe cẩu thang chuyên dùng. Ngoài ra, Sở GTVT, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão cần đề xuất UBND TP xây dựng quỹ dự phòng để hỗ trợ người dân do sự cố CX gây ra.

* Xin cảm ơn ông!

 Phan Trí thực hiện

Phòng ngừa vẫn... chết người, đổ cây!

Thống kê ngày 5/6 của CT TNHH Một thành viên CX Hà Nội (CTCX Hà Nội), sau trận mưa ngày 4/6, có 119 trường hợp cây đổ, 36 trường hợp cành gãy gây ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, trong trận mưa này, chiếc xe taxi do anh Nguyễn Hữu Dần (SN 1978, Chương Mỹ, Hà Nội) điều khiển đã bị cây đổ đè nát, anh Dần tử vong ngay tại chỗ.

Ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó giám đốc CTCX Hà Nội cho biết, trên địa bàn Hà Nội có tới hơn 50% số cây to, có chiều hướng nghiêng ra phía lòng đường. Thêm vào đó, việc xâm hại CX do người dân đóng đinh vào thân cây hay do các đơn vị thi công ẩu, đào xới vỉa hè, xây dựng cống ngầm… diễn ra thường xuyên nhưng chưa có chế tài xử phạt càng làm tăng nguy cơ cây đổ trong mùa mưa bão. Trong khi đó, nhân viên CTCX Hà Nội chỉ sử dụng cảm quan, mắt thường để nhận biết cây nào mục ruỗng, nguy hiểm để xử lý. “Ngoài ra, trên địa bàn Hà Nội hiện có hơn mười đơn vị quản lý về CX, chưa kể các địa phương, bệnh viện, công viên… chứ không riêng CTCX Hà Nội”, ông Hưng nói.

Đại diện CTCX Hà Nội cho biết, hiện chưa có quy định nào cụ thể về trách nhiệm của đơn vị quản lý CX đối với những trường hợp cây đổ, gãy do thiên tai(?).

 H. Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI