Cây xanh bị sát hại, lẽ nào bó tay?

13/05/2016 - 07:14

PNO - Tình trạng phá hoại cây xanh ở TP.HCM hiện đang ngày càng nghiêm trọng vì trên thực tế, chưa có kẻ phá hoại nào bị xử lý mạnh tay.

Cay xanh bi sat hai, le nao bo tay?
Sáu cây xanh trước số 60C đường Trường Sơn, P.2, Q.Tân Bình bị rụng lá chết hàng loạt 

Theo Công ty TNHH MTV Công Viên Cây Xanh, để có một cây xanh đạt đường kính từ 10-20cm phải mất từ 10-20 năm chăm sóc; nhưng vì lợi ích cá nhân, nhiều người đã không ngần ngại phá hoại cây xanh. Tình trạng phá hoại cây xanh ở TP.HCM hiện đang ngày càng nghiêm trọng vì trên thực tế, chưa có kẻ phá hoại nào bị xử lý mạnh tay.

Cây xanh kêu cứu

Gần đây, những ai đi qua đường Trường Sơn (đoạn đối diện sân bay Tân Sơn Nhất) P.2, Q.Tân Bình hẳn không khỏi xót lòng trước cảnh sáu cây me tây có đường kính khoảng 10cm liền kề nhau trước số 60C đã rụng trụi lá, đang chết dần. Theo người dân nơi đây, những cây này đã được trồng khoảng 5 năm, đang phát triển tốt thì cách đây khoảng ba tháng, vài cây có dấu hiệu héo lá, rụng dần.

Một tháng sau, thêm vài cây nữa rơi vào cảnh tương tự và chỉ chưa đầy hai tháng sau, cây me tây đã rụng trụi không còn một chiếc lá. Tuy người dân không rõ nguyên nhân cây chết, nhưng ai cũng hiểu sá u cây me tây đã chết một cách bất thường. Phải chăng khi các cây xanh này chết thì các biển quảng cáo trên đoạn đườ ng đó dễ dàng nhìn thấy, không còn bị che khuất như trước?

Cay xanh bi sat hai, le nao bo tay?
Một cây cổ thụ chết khô trước 14 Cách mạng Tháng Tám Q.1

Tương tự, ba cây lim sét trên đường Nguyễn Văn Hưởng, P.Thảo Điền, Q.2 có đường kính khoảng 15cm cũng đang chết dần. Theo người dân ở đây, các cây này đang phát triển rất tốt thì khoảng bốn tháng trước, một công trình xây dựng nhà ở mọc lên, ba cây xanh trước công trình đua nhau rụng lá. Nhìn ba cây lim đang chết khô, ông Nguyễn Văn Bá (chạy xe ôm ở đây) chặc lưỡi: “Tiếc quá! Phải mất hơn chục năm mới trồng được một cây như thế. Giờ trồng lại thì biết bao giờ mới có được bóng mát như trước”. Nhiều người nghi ngờ, phải có ai làm gì cây mới chết, chứ cây to thế này đâu dễ chết được.

Thậm chí, ở nhiều nơi cây cổ thụ cả trăm năm tuổi cũng bị “đầu độc” không thương tiếc. Cụ thể như trên đường Tôn Thất Tùng, Q.1, một cây dầu cổ thụ đã chết dần mòn từ khi tòa nhà Ha Phan Building (17 - 19 Tôn Thất Tùng, Q.1) “mọc” lên. Hiện cây cổ thụ này đã héo lá gần phân nửa. Cách đó không xa, một cây sọ khỉ cổ thụ trước số 14 Cách Mạng Tháng Tám, Q.1 cũng chết khô cách nay khoảng hai tuần, đã được các cơ quan chức năng đốn hạ nhưng phần gốc vẫn còn.

Nhìn gốc cây đến khoảng ba người ôm, nhiều người không khỏi tiếc nuối. Được biết, năm 2014, ở cách đó khoảng 10m, một cây cổ thụ khác cũng chết do bị đổ hóa chất, Sở Giao thông vận tải (GTVT) phải đốn hạ, trồng lại cây mới. Cũng trên tuyến đường này, ở số 403 Cách Mạng Tháng Tám, Q.10, một tháng trước hai cây viết đang xanh tốt bất ngờ bị chặt sát gốc. Trước số nhà 45 đường Tân Quý, P.Tân Quý, Q.Tân Phú, một cây sọ khỉ không chỉ bị “sát hại” mà còn bị xóa dấu vết bằng cách tái lập vỉa hè…

Cần tăng mức phạt, thâmh chí xử lý hình sự

Với chức năng quản lý, chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh của nội thành TP.HCM, ông Nguyễn Văn Dung - Phó giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị Số 1 (gọi tắt là Khu 1) thuộc Sở GTVT TP.HCM chua xót cho biết, gần đây năm nào cũng có trường hợp xâm hại, đốn hạ cây xanh. Người xâm hại dùng nhiều cách như đổ hóa chất vào gốc cây, đốn cành, chặt ngọn, đẽo vỏ, đục lỗ trên thân cây… để “giết” cây xanh từ từ. Mục đích phá hoại cây xanh có thể vì lợi ích cá nhân như đốn cây chắn trước nhà để gia tăng giá trị bất động sản; làm thông thoáng mặt tiền nhà cho dễ buôn bán, cho thuê…

Theo thống kê của Khu 1, trong năm 2015 có 110 vụ với 370 cây xanh bị xâm hại, riêng bốn tháng đầu năm 2016 có 13 vụ với 95 trường hợp cây xanh bị xâm hại. Sau mỗi sự cố cây xanh bị xâm hại, ngoài nỗ lực cứu cây, xem xét mức độ an toàn cho khu vực quanh cây xanh thì Khu 1 cò n gửi văn bản cho chính quyền địa phương để thông báo vụ việc, kèm nhận định và kiến nghị địa phương điều tra, truy tìm đối tượng xâm hại.

Theo ông Dung, thực tế từ trước đến nay chưa có vụ nào tìm ra đối tượng xâm hại cây xanh vì hành vi này thường được thực hiện lén lút trong đêm, lực lượng chức năng khó bắt quả tang. “Chúng tôi chỉ còn cách tăng cường tuyên truyền, vận động người dân cùng nhau giám sát, giữ gìn cây xanh. Tuy nhiên, vận động chỉ là một phần, phần khác là phải có biện pháp mạnh từ cơ quan chức năng, xử lý nghiêm một số vụ để răn đe”, ông Dung nói.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI