Cây xanh bị hại chết vì… phong thủy

02/10/2019 - 08:39

PNO - Các cây trăm tuổi, đường kính hơn 1m cũng bị đổ hóa chất đầu độc đến chết khô vì "dám" chắn trước mặt nhà cao tầng đang xây...

UBND TP.HCM cho biết, trong các vụ xâm hại cây xanh đường phố, có nguyên nhân do phong thủy. Theo tiết lộ của cán bộ Công ty Công viên cây xanh TP.HCM, có trường hợp cây bị chặt phá do mê tín dị đoan.

Cay xanh bi hai chet  vi… phong thuy
Nhiều cây xanh trên đường phố bị đổ hóa chất đầu độc đến chết khô nhưng chưa có vụ nào tìm được thủ phạm - Ảnh: H.N.

Giữa hàng dầu cổ thụ trăm tuổi trên đường Ba Tháng Hai (quận 10, TP.HCM), có một cây dầu bé xíu nằm lọt thỏm, lá chỉ vừa chớm xanh. Đó là cây dầu non mới được trồng thay thế một cây dâu cổ thụ chết khô bất thường. Phía sau cây dầu non mới trồng là một tòa nhà cao tầng đang dần hoàn thiện.

Cây trăm tuổi cũng bị giết

Cây dầu cổ thụ phía trước công trình cao ốc nói trên có dấu hiệu héo úa rồi chết dần từ năm trước, lúc tòa nhà vừa mới khởi công. 

Theo xác định của Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (thuộc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM), cây chết là do bị ai đó đổ hóa chất vào gốc. Sau một năm, người ta vẫn chưa tìm ra thủ phạm. 

Tại một công trình xây dựng trên đường Trần Quang Khải (phường Tân Định, quận 1, TP.HCM) có một cây dầu trăm tuổi, đường kính hơn 1m cũng bị đổ hóa chất đầu độc đến chết khô. Hiện cây dầu này đã bị đốn hạ và thủ phạm giết cây cũng chưa xác định được. 

Tình trạng đổ hóa chất giết chết cổ thụ cũng xảy ra ở nhiều khu vực sầm uất của TP.HCM như đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 1), Điện Biên Phủ, Trần Quang Diệu (quận 3).

Trong khi đó, những cây non mới trồng thay thế cũng có nguy cơ bị phá hoại. 

Một vị lãnh đạo từng phụ trách mảng cây xanh của Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 cho hay: “Có một số tuyến đường, khi cây lớn chết khô bất thường, chúng tôi phải đốn bỏ, trồng lại cây mới, nhưng cây nhỏ vừa trồng xong cũng bị ai đó nhổ vứt đi hoặc tác động đến bộ rễ làm cây héo úa. Nhiều vụ, chúng tôi đã báo công an địa phương để điều tra nhưng hầu như không nhận được kết quả gì”.

Cay xanh bi hai chet  vi… phong thuy
Cây dầu trăm tuổi bị đầu độc chết khô ở đường Ba Tháng Hai phải đốn bỏ, trồng lại cây mới - Ảnh: H.N.

Thêm một kiểu phá hoại cây xanh khiến các đơn vị quản lý mệt mỏi là, người dân muốn trồng cây theo ý muốn. 

Một kỹ sư của Công ty Công viên cây xanh TP.HCM xác nhận: “Nhiều nhất là ở khu đô thị mới Trung Sơn (H.Bình Chánh). Hiện cây trồng trên đường phố ở đây rất lộn xộn. Nguyên nhân là người dân muốn trồng cây theo ý muốn của mình nên những cây xanh trồng theo đúng chủng loại thường bị nhổ bỏ để trồng cây khác. Biết vậy nhưng đến nay, công ty vẫn chưa bắt quả tang được vụ nào”.

Theo đại diện công ty này, các hành vi xâm hại cây xanh trên đường phố phổ biến gồm: đổ hóa chất độc hại cho chết khô, vạc vỏ xung quanh gốc và thân cây, chặt trụi cành nhánh hoặc chặt cành làm lệch tán cây, bứng cây dời sang chỗ khác. Tình trạng này kéo dài nhiều năm, đến nay vẫn tiếp diễn nhưng chưa có những biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả.

Đường phố ngày càng lâm nguy

Theo ông Ngô Bá Kính - Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Công viên cây xanh TP.HCM - người dân giết cây hoặc nhổ bỏ cây này trồng cây khác nhiều khả năng là do phong thủy, thậm chí do mê tín dị đoan. 

Ông Kính dẫn chứng: “Trước đây, nhân viên công ty và công an địa phương từng phối hợp bắt quả tang một vụ chặt cây giữa đêm ở gần cầu Ông Buông, Q.6. Khi hỏi vì sao chặt phá cây, thanh niên bị bắt quả tang nói do nghe lời thầy bói dặn, nhằm cứu vãn chuyện tình duyên vừa đổ vỡ”.

Trong 2 năm qua, tại TP.HCM, đã có nhiều sự cố liên quan đến cây xanh gây thiệt hại về người và tài sản.

Trong năm 2017, có 530 cây ngã, 444 cây gãy nhánh làm bị thương 5 người, hư hỏng 10 ô tô. Trong năm 2018, có hơn 720 cây ngã, hơn 1.400 cây gãy nhánh, làm chết 1 người, bị thương 12 người, hư hỏng 12 ô tô.

Trong báo cáo về hiện trạng cây xanh ở TP.HCM gửi Bộ Xây dựng mới đây, UBND TP.HCM cũng nhìn nhận, tình trạng xâm hại cây xanh diễn biến phức tạp dưới nhiều hình thức, trong đó có nguyên nhân do vướng mặt tiền nhà, do phong thủy. 

Theo UBND TP.HCM, ngoài lý do chắn mặt tiền đường và phong thủy, sự thiếu ý thức trong quá trình thi công các công trình cũng khiến hệ thống cây xanh luôn phải đối mặt với những rủi ro bất ngờ. Các đơn vị thường sử dụng phương tiện cơ giới khi thi công gần gốc cây làm bộ rễ của cây bị xâm hại nghiêm trọng, nhiều cây phải đốn bỏ. 

UBND TP.HCM cho biết, diễn biến phức tạp của thời tiết như mưa giông, gió lốc cường độ mạnh, bất thường cùng với các điều kiện bất lợi khác như không gian sống bị thu hẹp, sụt giảm mực nước ngầm... cũng khiến cây xanh bị ảnh hưởng nặng. 

UBND TP.HCM cho rằng, phương án bảo đảm an toàn cho cây xanh đường phố ngày càng khó khăn do phần lớn vỉa hè cũ nhỏ hẹp (chiều rộng từ 5m trở xuống) đồng thời không có quỹ đất để mở rộng các vỉa hè mới. 

Trong khi đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật dưới vỉa hè như hệ thống cấp thoát nước, cáp viễn thông, điện lực... lại ảnh hưởng rất lớn đến không gian phát triển của hệ rễ cây. 

Cay xanh bi hai chet  vi… phong thuy
Khi công trình xây dựng mọc lên, cổ thụ thường bị chết tức tưởi 

Bảo vệ cổ thụ, chặn nạn trồng tùy ý 

Nhiều năm nghiên cứu về mảng xanh ở địa bàn TP.HCM, tiến sĩ Đinh Quang Diệp - nguyên giảng viên Trường đại học Nông lâm TP.HCM - cho rằng, việc bảo vệ cây xanh trên đường phố hiện nay còn quá lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng xâm hại tràn lan. 

“Cổ thụ trên đường phố cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt, những trường hợp cố ý đổ hóa chất giết cây phải bị xử lý hình sự mới đủ sức răn đe. Hiện nay, nhiều khu vực đã được trang bị camera an ninh, nên việc truy tìm thủ phạm cũng không quá khó” - tiến sĩ Diệp bày tỏ.

Tiến sĩ Diệp phân tích: “Tôi thấy ở nhiều khu vực, người dân muốn trồng cây theo mong muốn của họ như họ thích trồng lộc vừng vì cho rằng cây này hợp phong thủy, đem lại tài lộc, nhưng loài cây này nếu trồng trên đường phố sẽ phát sinh nhiều vấn đề về vệ sinh môi trường do cây rụng lá, rụng hoa quá nhiều. Do đó, cây đường phố phải đảm bảo những điều kiện về kỹ thuật theo chủng loại nhất định, không thể trồng tùy ý. 

Với những khu dân cư mới, ở những tuyến đường nhỏ, nếu người dân muốn trồng cây theo phong thủy thì giữa cơ quan quản lý cây xanh và người dân phải có những thỏa thuận để chọn lựa chủng loại cây phù hợp nhất và cũng ràng buộc trách nhiệm rõ ràng. Ví dụ, tuyến đường nào mà người dân muốn trồng lộc vừng thì chính họ phải chịu trách nhiệm đảm bảo vệ sinh chung”.

Vùng an toàn cũng... không an toàn

Dù cây xanh bị xâm hại nghiêm trọng, nhưng UBND TP.HCM cho rằng, phương án bảo vệ cây xanh đô thị theo quy định của Bộ Xây dựng là rất khó thực hiện. 

Cụ thể, để đảm bảo an toàn cho cây xanh đô thị, Bộ Xây dựng quy định: bán kính vùng an toàn bảo vệ cây bằng 10 lần đường kính cây, nhưng theo UBND TP.HCM, việc thi công các công trình gần cây xanh sẽ rất khó đáp ứng vùng an toàn. Do vậy, hoặc phải đốn hạ cây, hoặc phải vi phạm vùng an toàn. 

UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng điều chỉnh phạm vi bảo vệ cho phù hợp thực tế, hoặc để TP.HCM chủ động xem xét cho từng trường hợp cụ thể, hạn chế ảnh hưởng đến cây xanh trong quá trình thi công và đảm bảo an toàn về lâu dài.

Trung Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI