Cây sưa trăm tuổi giá trăm tỷ ở thủ đô có nguy cơ thành củi mục

09/10/2018 - 09:00

PNO - Cây sưa hơn 200 tuổi đã từng có người trả hơn 100 tỷ đồng nhưng không ai chịu bán đang chết dần chết mòn khiến cả làng như ngồi trên đống lửa.

Chùa Phụ Chính là một chùa nhỏ ở thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, cách trung tâm Hà Nội chừng hơn 20km về hướng nam. Những năm gần đây, từ khi cây sưa trong sân chùa được gọi là “cây sưa trăm tỷ” khiến nhiều người để ý thì ngôi chùa cũng theo đó được nhiều người biết đến.  

Cay sua tram tuoi gia tram ty o thu do co nguy co thanh cui muc
Cây sưa được định giá trăm tỷ

Trụ trì chùa Phụ Chính cho biết đây là cây sưa đỏ rất quý, có tuổi hơn 200 năm. Đã từng có đại gia đến ngã giá cả trăm tỷ đồng nhưng dân làng chưa bán.

“Trước đây cây có hai nhánh lớn, năm 2010, một nhánh bị gãy đã được bán đi với giá 20,5 tỷ đồng. Kể từ đó, tiếng tăm cây sưa quý của chùa Phụ Chính được đồn đi, kẻ gian bắt đầu nhòm ngó hòng cưa trộm” vị trụ trì chia sẻ. 

Một đêm mưa bão năm 2012, mất điện, cả thôn Phụ Chính chìm trong bóng tối. Trong gió bão, dân làng nghe một tiếng đổ rầm, sáng ra mọi người ngỡ ngàng khi cổng chùa bị phá khóa, một cành của cây sưa quý đã bị trộm cưa lấy đi.

Cay sua tram tuoi gia tram ty o thu do co nguy co thanh cui muc
Một phần cây sưa bị trộm cưa trong đêm

Từ đó sức khỏe của cây cổ thụ này càng ngày càng xấu. Chỗ vết cưa, gỗ bắt đầu có dấu hiệu mục ruỗng, mối mọt. Nhìn những nhánh lá cây nhợt nhạt dần, vị trụ trì tiếc nuối: “Giờ tốt nhất nên bán cây sớm, cây đang chết dần, lâu nữa gỗ mục ruỗng hết bán cũng không có người mua thì lãng phí”.

Sợ kẻ gian quay lại lần nữa, dân làng cử người trông coi gốc cây cả ngày lẫn đêm. Ngoài ra, người dân cũng gom tiền hàn một lồng sắt bao quanh cây để bảo vệ báu vật của làng.

Cay sua tram tuoi gia tram ty o thu do co nguy co thanh cui muc
Người dân phải dùng sắt làm lồng bao quanh bảo vệ cây

Trước mối lo cây bị cắt trộm cũng như bị mục nát, người dân và chính quyền địa phương đã thống nhất sẽ bán cây quý này để lấy kinh phí tu bổ chùa và các công trình công cộng.

Ông Nguyễn Văn Chính – Chủ tịch UBND xã Hòa Chính cho biết, địa phương từng nhiều lần đề xuất bán cây sưa này để tránh bị hư hại. Tuy nhiên, giữa chính quyền, người dân và người mua cây chưa đạt được đồng thuận cuối cùng. 

Ngoài ra, nhiều cao niên trong làng cũng không chịu đồng ý bán cây gỗ quý vì cho rằng đó là biểu tượng của làng. "Hiện cây sưa đã được cơ quan chức năng đồng ý cho bán, chúng tôi đang làm đề xuất xin thành phố Hà Nội cho người dân địa phương tự sử dụng số tiền bán cây này thay vị nộp ngân sách theo quy định” ông Chính nói.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI