Cây sáo thần kỳ diệu

11/11/2014 - 17:34

PNO - PNO - Điều kỳ diệu ấy không phải tạo nên bằng phép màu, mà từ nỗ lực và sự bền bỉ đáng khâm phục của tập thể nghệ sĩ Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO).

edf40wrjww2tblPage:Content

Cay sao than kỳ dieu

Không kể Kẹp hạt dẻ năm nào cũng kéo khách đến đầy Nhà hát Thành phố, vở nhạc kịch Cây sáo thần (Wolfgang A. Mozart) là một trong số rất hiếm hoi những chương trình của HBSO có khả năng “đốt cháy” phòng vé. Gần như bất khả cho những ai muốn mua vé xem vở này vào một tuần trước hai đêm công diễn (8, 9/11).

Chất lượng của vở diễn đã không phụ lòng người thưởng thức.

“Choáng ngợp” là cảm giác của người viết ngay từ cảnh đầu tiên đến khi bức màn nhung khép lại. Từ ca hát (solist, hợp xướng), biểu cảm, động tác hình thể, đến ánh sáng, bài trí sân khấu, phục trang, đạo cụ, dàn nhạc giao hưởng sống… tất cả đều rất đạt đến chuẩn mực bài bản và chuyên nghiệp.

Để có được sự trọn vẹn ấy, HBSO đã phải mất một lộ trình dài nhiều năm học hỏi và chuyển giao kinh nghiệm từ Transposition (Na Uy). Từ vũ kịch Hồ thiên nga, Giselle, Carmen mới dừng lại ở biểu diễn trích đoạn; Dido & Aeneas, phiên bản đầu tiên của Cây sáo thần thuần tuý biểu diễn âm nhạc; vươn tới thanh xướng kịch Đấng sáng thế, Messiah - đỉnh cao của thể loại opera; vũ kịch Cô bé lọ lem và Cô bé búp bê với nhiều cải tiến trong biên đạo và dàn dựng sân khấu…, những ai đã trót mến yêu HBSO mới cảm nhận được sự thay da đổi thịt đang len lỏi từng ngày vào tập thể nhà hát.

Gần 14 năm sau ngày ký kết hợp tác với Na Uy, HBSO mới gặt hái quả ngọt đầu tiên là Cây sáo thần, một tác phẩm opera hoàn chỉnh về mọi mặt.

David Hermann, nghệ sĩ người Đức xuất hiện trên sân khấu HBSO từ chương trình Giai điệu mùa xuân đầu năm 2014, đã thổi làn gió tươi mát đến vở diễn trong vai trò đạo diễn sân khấu. Cánh rừng nhiệt đới mở màn - nơi hoàng tử Tamino lưu lạc, được ước lệ bằng những tán lá dừa chuyển động uyển chuyển, kết hợp chiếu sáng sân khấu hợp lý đã tạo nên hiệu ứng thị giác vô cùng ấn tượng.

Cay sao than kỳ dieu

Cay sao than kỳ dieu

Các nghệ sĩ Magnus Staveland (Tamino), Ngọc Tuyền/ Cho Hae Ryong (công chúa Pamina), Halvor F. Melien (Papageno) giữ linh hồn cho vở diễn. Vừa hát, vừa thoại, vừa diễn quả là một sự thử thách ý chí lớn lao với các nghệ sĩ Việt Nam, mà nếu không biết các nghệ sĩ HBSO chia nhỏ lực lượng để tập luyện ngày đêm tại Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM, Nhạc viện TP.HCM, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM, rạp Thanh Vân, và ráp chương trình cả tuần ròng tại Nhà hát Thành phố, người viết cũng khó tin được họ có thể làm được như thế!

Đặt biệt, không thể không nhắc tới Đào Thị Tố Loan, giọng nữ cao xuất sắc mà HBSO vừa “thỉnh” từ Học viện Âm nhạc Quốc gia, đã hoá thân cực kỳ xuất sắc vào vai Nữ hoàng Bóng đêm. Tố Loan khiến người viết ngạc nhiên khi hay tin cô đang mang bầu sáu tháng. Dường như không có chút bóng dáng của sự nặng nề nào trong giọng hát của cô, cứ thế, giọng ca đất Bắc này chinh phục khán giả từ đầu đến cuối với âm sắc rền vang, chắc khoẻ, chạm đến cao độ f6 nhẹ tênh, không buốt chói, biểu cảm khuôn mặt và hình thể đa dạng. Có lẽ, Hell’s Vengeance Boils in My Hear cần ghi thêm dấu ấn của Tố Loan vào danh sách những nghệ sĩ trình diễn aria này thành công nhất.

Ý tưởng viết Cây sáo thần được Mozart hình thành từ câu chuyện thần thoại của Vilande (1733 - 1813) với bối cảnh là đất nước Ai Cập cổ đại. Thế nhưng, trong một bài trình bày gần đây tại Diễn đàn Văn hoá thành thị 3/2014 diễn ra tại Bangkok, giáo sư Kjell Skyllstad (Na Uy) đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi dịch chuyển nguồn gốc sáng tác vở này về hướng Đông Á.

Ông cho rằng sáng tác của Mozart chịu nhiều ảnh hưởng từ miền đất này thông qua hàng loạt tên gọi thuần Á như Tamino (một tên người phổ biến ở Nhật), Pamina (một loài hoa ở Nhật).

Nếu những luận cứ khoa học không đủ khiến người xem tin rằng tinh thần phương Đông tồn tại trong Cây sáo thần, thì HBSO đã khẳng định được: nghệ sĩ Việt Nam hoàn toàn có thể kể lại tác phẩm kinh điển của phương Tây này bằng hơi thở thấm đẫm chất Á Đông.

HOÀNG YẾN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI