Cây roi… tâm lý

28/08/2021 - 09:59

PNO - Không roi vọt đã là một nỗ lực đáng ghi nhận, nhưng nó không nên thay thế bằng sự giày vò, mà phải bằng sự yêu thương, thấu hiểu, đồng hành và khơi gợi.

Thời nay, nhiều phụ huynh không theo cách “thương cho roi cho vọt” mà chuyển sang biện pháp tâm lý, tác động bằng lời khuyên  và tình cảm. Phương pháp giáo dục không đòn roi này lẽ ra sẽ rất nhân văn, nhưng không ít phụ huynh lại lạm dụng biến thành những đòn roi về tinh thần, để lại trong con trẻ nhiều ám ảnh.

Lỗi “không thương mẹ”

Dù đã vào năm nhất đại học, Khánh An, sinh viên Đại học Quốc gia TP.HCM vẫn không quên lần đầu tiên mình bị điểm kém vào năm lớp Bốn. Mẹ An là giáo viên dạy cùng trường nên biết trước điểm thi của con.

Lần đó, bà về nhà và không nói chuyện, không khí trong nhà cực kỳ căng thẳng. Ăn xong, bà kêu An đứng tại phòng ăn và bắt đầu bằng câu hỏi: “Con không thương mẹ phải không?”.

An đứng tim vì biết mình đã làm sai chuyện gì đó. Bà nói tiếp: “Đề thi toán lần này không hề khó, chỉ cần con biết thương mẹ, biết nghĩ đến mẹ mà tập trung ôn luyện thì đã không bị điểm thấp đến thế”. Và điểm thấp lần đó là 7.

Từ lúc biết nhận thức, An đã được mẹ dạy phải chia sẻ việc nhà, phải chan hòa với hàng xóm, phải biết kính trên nhường dưới “vì thương mẹ”. Lần nào An lười biếng, vụng về hay xích mích với bạn bè... đều được mẹ kết luận: “Do con không  thương mẹ”. 

Mẹ An không bao giờ chê bai con kém cỏi, cũng không đánh mắng, xúc phạm, mà chỉ đánh vào tình thương. Con cái cũng dùng tình thương mẹ làm động lực để học tốt, sống tốt. Nhưng tình thương thì không được phép vơi, mà phải luôn tràn trề.

Bởi vậy nên khi An lớn lên, khi điểm 9, 10 càng lúc càng khó đạt, thì áp lực thương mẹ càng trở nên nặng nề. An từng có thời gian dài bị stress, bởi cô cũng tin rằng điểm cao mới là biểu hiện tình yêu dành cho mẹ.

Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK

Tội làm mất danh dự gia đình

Ở nhiều nhà, việc dùng tình thương để dọa dẫm vẫn không phổ biến bằng “danh dự của ba mẹ”, mặt mũi của cả dòng họ, hay là tấm gương của một anh chị nào đó...

“Con làm sao để xứng với tiếng tăm Nguyễn Trần Mạnh Cường nhen!”. Cho đến lớn, Nguyễn Trần Mạnh Bảo, kỹ sư xây dựng ở Q.10, TP.HCM vẫn còn ám ảnh với lời dặn dò đó của ba mẹ. Bảo nhỏ hơn anh Cường tám tuổi, và suốt thời phổ thông, tất cả thầy cô gặp Bảo đều hỏi “có phải em của Nguyễn Trần Mạnh Cường không?”.

Cường - anh trai của Bảo - từng là học sinh giỏi nổi tiếng cả huyện. Và từ nhà đến trường, ai cũng đem hình ảnh Nguyễn Trần Mạnh Cường để làm gương cho Bảo.

Ba mẹ luôn đem thành tích của anh trai ra làm mục tiêu cho Bảo phấn đấu. Bản thân Bảo cũng rất cố gắng, cũng từng là học sinh giỏi 12 năm liền, nhưng Bảo chưa bao giờ nổi trội đến mức được trầm trồ nhắc đến như anh.

Bảo tâm sự, anh đã mất một thanh xuân vì mặc cảm không giỏi bằng anh trai. Nhưng cảm giác khủng khiếp hơn mặc cảm là sự dằn vặt vì đánh mất danh dự gia đình.

Bảo chia sẻ: “Mẹ luôn nói thời anh Cường đi học, ông bà bố mẹ nở mày nở mặt. Nên em luôn thấy rất tệ trước những kỳ thi chuyển cấp, thi học sinh giỏi… vì mẹ em nhớ tất cả điểm thi của anh Cường. Cảm giác của em sau mỗi kỳ thi rất ê chề, giống như đến lượt mình thì danh dự gia đình bị giảm đi”.

Nếu như Bảo từng muốn… đổi tên để không ai nhận ra cậu là em trai anh Cường, thì Võ Diệu Linh, một học viên cao học đang du học tại Trung Quốc lại muốn gia đình quên mình đi.

Linh lớn lên trong nỗi sợ làm ba mẹ đau lòng, làm mất mặt gia đình, dòng họ. Dù không đánh mắng, nhưng mẹ Linh có thể dùng danh dự gia đình để trừng phạt khi con bị điểm thấp, khi con có bạn trai, gọi điện thoại nhiều, hay chỉ đơn giản là về nhà sau 20 giờ.

Mẹ hay nói: “Con gái phải sống nền nếp để người ta không có cớ trách gia đình không biết dạy con”. Dù chỉ về trễ vài phút, Linh cũng bị mẹ đem điều tiếng về dòng họ ra dọa để cô thấy mình phạm tội.

Linh yêu người bạn trai thành đạt nên rất được lòng gia đình. Ngay sau khi Linh đưa bạn trai về nhà, mẹ Linh đã xúc tiến đám cưới trong khi Linh dự định đám cưới vào năm 2023, khi bạn trai đã hoàn thành khóa tu nghiệp ở Mỹ. Nghe nói đàng trai sắp đi Mỹ tu nghiệp, mẹ Linh càng thúc giục việc cưới xin. 

Chuyện làm đám cưới trở thành đề tài duy nhất của mẹ, dù Linh đã hàng trăm lần giải thích về kế hoạch của hai đứa. Mẹ liên tục tác động bằng… danh dự gia đình. Mỗi ngày, bà đều nhắn tin kể chuyện các dì, chú hỏi han về đám cưới của Linh. 

Mỗi lần Linh và bạn trai có dịp về thăm nhà, mẹ cô lại tập hợp những người họ hàng thân thiết lại để khuyên nhủ.

Khi bạn trai khẳng định sẽ tôn trọng quyết định của Linh, mẹ cô càng đánh vào tình cảm và trách nhiệm của con gái bằng những lý lẽ như: “Bà ngoại 90 tuổi cần được yên tâm mà sống những ngày cuối đời”, “Mẹ 60 tuổi không biết trời kêu đi lúc nào”…

Đỉnh điểm, trong một buổi giỗ chạp vào cuối năm 2020, mẹ Linh mời một người bác uy tín trong họ lại đứng giữa bàn tiệc có mặt Linh và nói: “Cô này tính ở giá để làm gương cho đàn em trong họ đây hả?”. Câu hỏi đó dù nửa đùa nửa thật, nhưng khiến Linh ngượng chín, bạn trai Linh cũng lúng túng. 

Chuyện Linh chưa chịu lấy chồng lan truyền khắp họ hàng. Mọi người phân tích:  Linh đã có công việc, có bạn trai, cha mẹ ủng hộ mà lại không chịu cưới thì chỉ có thể là do quan điểm sống hời hợt, không muốn ràng buộc lâu dài. 

Yêu thương và thấu hiểu

Dù chỉ thực sự xung đột với mẹ về chuyện kết hôn, nhưng với Linh đó là xung đột tích tụ từ rất nhiều lần ấm ức từ trước. Chính vì những ức chế đó, nên ở chuyện kết hôn, Linh càng kiên quyết bảo vệ kế hoạch của mình, và có phần thiếu kiên nhẫn với mẹ.

Nguyễn Trần Mạnh Bảo thì bộc bạch rằng, vào năm 17 tuổi, anh từng có ý định tự tử vì bị loại khỏi đội tuyển học sinh giỏi lý của trường. Việc không thể dẫn đầu như anh trai đã là một nỗi nhục, Bảo thấy như trời sập dưới  chân mình.

Là chỗ quen biết, tôi đề cập đến tâm lý của Khánh An với mẹ em thì nhận được một câu hỏi đầy day dứt: “Không đánh đòn, cũng không được đánh vào tình thương, thì biết đánh vào đâu?”. 

Câu hỏi của mẹ em Khánh An có lẽ cũng là thắc mắc chung của nhiều phụ huynh. Kiềm chế cảm xúc để không roi vọt với con đã là một nỗ lực lớn. Nhưng đã tránh làm đau thân thể, cha mẹ càng nên tránh làm đau tinh thần và tình cảm của con.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Việc thao túng tinh thần con bằng tình thương và trách nhiệm (với danh dự gia đình, dòng họ và với sức khỏe của ông bà cha mẹ) chính là một cách đánh đòn vào tinh thần. Tình thân, tình mẫu tử và những trách nhiệm của một đứa con với danh dự gia đình là hoàn toàn tự nhiên và vô điều kiện.

Việc dùng những điều đó để tạo áp lực và thao túng tâm lý chỉ khiến con trẻ đánh mất sự tự tin, và dễ gây hoang mang giữa các lựa chọn trong đời.

Thay vì dùng những áp lực từ bên ngoài (bao gồm đòn roi và đòn tâm lý) đè xuống những nhu cầu, mong muốn của con, phụ huynh cần làm theo hướng ngược lại. Cần tiếp cận để hiểu thật rõ những mong muốn, năng lực, sở thích của con và ghi nhận tất cả.

Sự ghi nhận đó không nên phân biệt giữa ý muốn tích cực và tiêu cực, có lợi hay không có lợi, mà phải ghi nhận công bằng với toàn bộ những gì bộc lộ từ con. Khi được đón nhận vô điều kiện, trẻ mới đủ tự tin để mở lòng và tựa vào cha mẹ.

Từ sự gần gũi đó, phụ huynh mới có thể cùng con phát hiện ra thế mạnh, động lực của riêng con, mới có một vị thế phù hợp nhất để giúp con nhận ra cái tốt, cái xấu thay vì áp đặt. Mỗi đứa trẻ đều khác biệt. Nhưng chúng đều có một điểm chung là mong được ghi nhận bằng dấu ấn riêng.

Và cha mẹ sẽ không thể làm được điều đó nếu vẫn tiếp tục sử dụng đòn tâm lý, thao túng tình thương và trách nhiệm…

Không roi vọt đã là một nỗ lực đáng ghi nhận, nhưng nó không nên thay thế bằng sự giày vò, mà phải bằng sự yêu thương, thấu hiểu, đồng hành và khơi gợi. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI