Cây nhỡ trồng từ nhỏ là phù hợp nhất

19/09/2024 - 06:22

PNO - Cây đô thị không chỉ làm đẹp cảnh quan mà còn lọc bụi mịn, khí độc hại và các chất ô nhiễm khác trong không khí.

Nhiều người dân - nhất là các cụ cao tuổi - rất thích ngồi dưới bóng cây bởi cây xanh giúp giảm căng thẳng, lo âu, cải thiện tinh thần. Cây xanh kích thích người ta ra ngoài đi dạo, tập thể dục. Thân cây có giá trị kinh tế, còn rễ cây giúp giữ đất, giảm xói mòn, tăng khả năng hấp thụ nước mưa…

Cây đô thị không chỉ làm đẹp cảnh quan mà còn lọc bụi mịn, khí độc hại và các chất ô nhiễm khác trong không khí.
Cây đô thị không chỉ làm đẹp cảnh quan mà còn lọc bụi mịn (ảnh minh hoạ).

Sau cơn bão Yagi, không chỉ những tỉnh, thành trực tiếp hứng bão như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình mà ngay cả ở TP Hà Nội, rất nhiều cây bị đổ, gây nhiều thiệt hại về vật chất và cảnh quan đô thị.

Cây ở các đô thị lớn ở Việt Nam có lịch sử lâu đời. Dưới thời Pháp thuộc, khi mạng lưới đường sá của Hà Nội và Sài Gòn được xây dựng, có nhà thực vật học người Pháp tên là Louis Pierre rất mê các loài cây to, đã mang cây con từ rừng sâu về trồng dọc đường phố, nhiều nhất là ở Sài Gòn. Hiện còn có nhiều cây dầu rái với thân to mấy người ôm không xuể, vươn cao thẳng tắp, tỏa bóng mát xuống mặt đường, là do công lao của ông Pierre.

Sau này, người ta ươm nhiều loài cây trong các vườn ươm, khi chưa có nhu cầu thì để đấy, khi cần trồng thì người ta đào cây ươm lên, cắt bộ rễ xung quanh và bên dưới, cho vào bầu rồi đem trồng vào nơi được chỉ định. Người ta làm theo cách này để có ngay hàng cây cao tương đối ở khu đô thị mới, con đường mới, tạo vẻ hoành tráng ngay từ ngày đầu. Nhưng vì có bộ rễ nông theo chiều sâu và hẹp theo đường kính, cây được trồng theo cách này không thể đứng vững trong cơn dông bão cho dù vận tốc gió không cao lắm. Cũng do bộ rễ bị hạn chế nên cành cây không phát triển tốt, dễ gãy dù không có gió.

Thật ra, cây cao như các loài sao, dầu không thích hợp cho đô thị hiện đại vì bộ rễ có thể làm hư hại công trình ngầm, tốn kém khi quản lý tán cây do phải chặt xén thường xuyên. Hơn nữa, mặt đường cần có ánh nắng chiếu xuống để khô ráo nhanh sau cơn mưa, ánh nắng cũng giúp tiêu diệt mầm bệnh bởi độ ẩm ướt duy trì mầm bệnh. Cho nên, cây cao bóng cả che hết ánh nắng là điều không tốt về mặt y tế công cộng. Cần cắt tỉa cây thường xuyên để ánh nắng rọi xuống ít nhất 30% mặt đường và cũng để tránh cây ngã đổ hay gãy cành.

Đáng lẽ từ lâu rồi, các đô thị Việt Nam cần đổi cách làm, thay thế cây to bằng cây nhỡ và trồng cây nhỡ dọc những tuyến đường mới, trong khu đô thị mới. Từ lâu, TP Bangkok của Thái Lan đã làm theo cách đó. Chọn loài cây nhỡ và chỉ trồng lúc cây còn nhỏ, cho dù trong vài năm đầu trông không đẹp. Nhưng làm như vậy để cây có điều kiện phát triển bộ rễ sâu và rộng, giúp cây được khỏe và vững, chống chọi tốt hơn với dông bão.

Khoảng năm 2002-2004, lúc mới mở rộng đường Nguyễn Văn Trỗi, người ta trồng cây long não 2 bên đường lúc cây còn rất nhỏ. Mấy năm đầu, hàng cây trông còi cọc, xấu xí nhưng chỉ sau dăm bảy năm, chúng đã cho bóng mát. Sau 20 năm, ta có 2 hàng cây đẹp bên đường. Nhưng về lâu dài, cây long não có thể phát triển lên rất cao nên vẫn phải xén tán cho thấp và gọn để tránh ngã, đổ. Sau này, cần thiết nghiên cứu những loài cây nhỡ thực sự để trồng cho phù hợp với đô thị, đỡ tốn kém chi phí quản lý tán cây.

Như vậy, việc lựa chọn và quản lý cây đô thị hợp lý là rất quan trọng để đảm bảo phát huy hết giá trị và lợi ích của chúng. Bài học về cây đô thị sau cơn bão cho thấy sự cần thiết phải nâng cao nhận thức của cộng đồng và chính quyền về tầm quan trọng của việc lựa chọn và bảo trì cây đô thị.

Tiến sĩ Tô Văn Trường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI