Cây nêu “mình ên” ở Sài Gòn không cô đơn

07/02/2020 - 13:52

PNO - “Ai đi ngang cũng hỏi về cây nêu, và tôi rất thích điều đó. Tôi có thể trả lời một câu “có dựng nêu chứ” cả chục lần trong ngày mà không thấy phiền hà gì. Họ thấy quê hương là thấy tết mà sao phải phiền”.

 

Tầm chục năm trước, lần đầu trên đường phố tấp nập, cây nêu có lẽ là duy nhất trước cửa nhà một thị dân đã mang không gian tết cổ truyền tưng bừng suốt từ rằm tháng Chạp qua tận rằm tháng Giêng với bất cứ ai qua lại đoạn đường Nguyễn Kiệm, thuộc Q.Phú Nhuận, TP.HCM.

Mỗi người đều có một cảm xúc khác nhau khi trông lên ngọn nêu la đà trong nắng gió xuân phương Nam, để mặc cho mọi ký ức tuổi thơ chực ùa về, hoặc có khi chỉ là một dự cảm linh thiêng bình an trong tiết giao hòa của đất trời, cho mình và cho mọi người xung quanh.

“Năm nay có dựng nêu không?”

Đó là câu hỏi mà vợ chồng ông Chu Quang Sính (59 tuổi) - chủ tiệm giò chả Quê Hương trên đường Nguyễn Kiệm, P.4, Q.Phú Nhuận, TP.HCM thường xuyên nhận được từ khách hàng lẫn người đi đường về “truyền thống” gia đình mỗi dịp cuối năm âm lịch. Câu trả lời luôn đính kèm nụ cười tươi của mọi thành viên trong ngôi nhà có mặt tiền khiêm tốn ấy: “Có chứ lỵ!”.

Không rặt theo phong tục dựng nêu của ông bà xưa: trồng nêu vào ngày ông táo về trời (23 tháng Chạp) và hạ nêu vào mồng Bảy tết, ông Sính tự tạo ra “truyền thống” của riêng mình, của cả khu phố mình đang sống: phất cây nêu liền tù tì suốt một tháng trời. Ông nói: “Tục dựng nêu đúng ra là theo truyền thống của dân tộc, nhưng thực sự ban đầu tôi chỉ cảm thấy điều đó hay hay thì làm thôi. Từ khi dựng nêu, không khí tết trở nên đặc biệt hẳn, và sự vui vẻ ấy khi cứ kéo dài, thì nó tự nhiên trở thành một thói quen không bỏ được”.

Vợ ông Sính, bà Nguyễn Thị Thu Nga (56 tuổi, thường gọi là bà Đào) tự hào cho hay: “Khách hàng quen hay thậm chí là người đi đường cứ đến gần tết là hỏi: “Chừng nào dựng nêu?”, “Năm nay nhà mình có dựng nêu không?”, “Sao ở thành phố mà tìm đâu ra cây tre hay vậy?”… Có người thì động viên chúng tôi: “Thôi cố gắng giữ gìn sức khỏe để mỗi năm mỗi dựng nêu cho mọi người hưởng ké chút không khí tết cổ truyền”.

Giữ đúng tục lệ, cây nêu của gia đình ông Sính đích thị là một cây tre nguyên từ gốc đến ngọn với cành lá sum suê. Lúc mới làm, ông phải cất công đi lòng vòng khắp Sài Gòn để tìm mua hoặc xin nhiều nơi. Sau này, một người bác họ xa biết được việc làm của vợ chồng ông Sính nên năm nào cũng để dành cho gia đình ông một cây tre đúng nghĩa tại vườn. “Ngoài nhà tôi ra, ổng chỉ tặng tre cho một ngôi chùa nữa mà thôi. Cứ đợi buổi trưa rằm tháng Chạp là tôi phi thẳng vô vườn nhà ổng đốn luôn”, ông Sính kể.

Thấy chúng tôi thắc mắc vì sao phải chọn buổi trưa để đốn cây, ông cười bảo đơn giản vì thời điểm đó đường sá vắng vẻ, dễ di dời cả một thân tre trên một chặng đường không dài không ngắn. Để người đi đường được thưởng thức cảnh dựng nêu lạ lùng giữa thời đại này, ông phải vác cây tre dài từ bốn đến năm thước, lội bộ khoảng hai cây số giữa cái nắng chang chang từ vườn về nhà.

Vác tre về đến nơi rồi, cả nhà ông phải đợi đến tận đêm khuya mới có thể tiến hành dựng nêu, với lý do giờ đó người đi đường đã vãn, xe cộ cũng đã thưa thớt, hòng bảo đảm an toàn cho những người qua lại. Tương tự, ngày hạ nêu cũng sẽ tổ chức vào thời điểm như vậy.

“Sau này, các con tôi qua Nhật du học cả rồi, nhưng đứa nào cũng nhớ và gọi điện về hỏi bao giờ bố mẹ dựng nêu, hạ nêu. Nó trở thành một kỷ niệm quá ấn tượng với tụi nhỏ về gia đình, về cái tết Việt Nam mà chúng nó từng được trải nghiệm khi còn ở quê nhà. Cả gia đình sẽ có thêm cơ hội quây quần, hàn huyên, ngắm trăng, đợi dựng nêu, hạ nêu. Hàng xóm của chúng tôi cũng háo hức mỗi người phụ một tay. Người đi đường thì dừng lại chụp ảnh. Từ khi có thêm công nghệ mới, họ livestream luôn”, bà Nga vừa kể vừa khoe ảnh những cậu con trai của mình.

Người con lớn bà học kỹ sư điện - điện tử tại Đại học Kỹ thuật Nagaoka thuộc thành phố Nagaoka, tỉnh Niigata. Cậu em học kỹ sư xây dựng tại Đại học Kanazawa thuộc thành phố Kanazawa, tỉnh Ishikawa. Cả hai đều du học theo chương trình liên kết quốc tế của Đại học Bách khoa TP.HCM.

Dựng cây nêu là công việc ngày càng khó với vợ chồng ông Sính vì cả hai ngày càng lớn tuổi. Ông Sính kể năm nay ngoài chuyện cây tre để dựng nêu không được đẹp như mọi năm, vì ít ngày trước đó, vườn tre nhà ông bác họ bị điện lực tỉa bớt cành nhánh, thì việc các con không về ăn tết cùng bố mẹ đã suýt nữa khiến gia đình bỏ qua cái tục dựng nêu. “Vì các cháu phải ở lại nhận học bổng trị giá gần hai tỷ đồng. Điều đó làm chúng tôi vừa vui, vừa buồn. Nhưng cứ nghĩ đến những lời hỏi thăm của mọi người, năm nay có dựng nêu không, nhất là nghe mấy đứa bé hỏi bố mẹ về sự tích cây nêu, thì vợ chồng tôi không cưỡng lại được. Lại vội phi ra vườn chặt tre về dựng” - ông Sính bùi ngùi.

Tết nào không về được quê, chỉ muốn chạy ra chỗ gần cây nêu

Nhiều phụ huynh hay chạy đến cám ơn gia đình có dựng cây nêu, nhờ nó và thắc mắc của con trẻ, chính bố mẹ lại phải về tìm hiểu, ôn lại kiến thức sự tích cây nêu… để kể lại cho các con nghe. Truyền thống dân tộc cứ thế được nhắc nhớ bởi một hàng giò chả nhỏ bé mỗi dịp xuân về. Ấy thế mà cửa hàng giò chả gần năm mươi năm trên đường Nguyễn Kiệm, cùng với cây nêu, “bất chiến tự nhiên thành”. Bởi không biết tự lúc nào, hình ảnh hòa quyện ấy đã được người dân khu vực này lấy dùng làm cột mốc để chỉ nhà, chỉ đường cho nhau.

Không khí tết nhờ thế ùa về rất sớm ở con phố này. Nhiều bạn bè của gia đình ông Sính ở Canada, Nhật Bản hằng năm đều đợi trang Facebook của bà Nga “sáng đèn”, để được tha hồ xem những hình ảnh, video dựng nêu mà bà tải lên để đỡ nhớ Việt Nam.

Có lẽ do tục trồng cây nêu là tục lệ tết phổ biến của các dân tộc từ Kinh, Thái, Mường đến Ba Na, Gia Rai... nên có người lầm tưởng, đã tò mò hỏi ông bà Sính thuộc dân tộc nào. Có người còn nghĩ hẳn ông bà phải là “văn công nên mới nghệ sĩ thế!”. Tất cả bình luận, đánh giá đều được ông bà và gia đình đón nhận với tất cả niềm vui. Đúng như sách vở nói, khi cây nêu được dựng lên, nó thu hút và tạo thế cân bằng cho sự vận hành chuyển đổi giữa năm cũ và năm mới, khiến con người yên tâm vui chơi, quên đi mọi vất vả, nhọc nhằn trong suốt một năm qua.

Bà Nga kể, có một anh quê ở Nam Định, vào Sài Gòn làm ăn. Năm nào anh cũng chạy đến nhắc chừng ông bà “phải dựng nêu đấy nhé”. Tết Canh Tý này, anh cho hay không về quê được, nhưng mỗi lần trông thấy cây nêu của ông bà thì cảm thấy ấm lòng và đỡ nhớ nhà hơn nhiều lắm.

“Ai đi ngang cũng hỏi về cây nêu, và tôi rất thích điều đó. Tôi c thể trả lời một câu “có dựng nêu chứ” cả chục lần trong ngày mà không thấy phiền hà gì. Họ thấy quê hương là thấy tết mà sao phải phiền”, bà Nga lại cười thật tươi.

Có lẽ trong xã hội hiện đại như vợ chồng chủ tiệm giò chả ở Q.Phú Nhuận đang sống, ý nghĩa trừ ma quỷ của cây nêu đã giảm đi nhiều. Ở cái nhìn rộng hơn, cây nêu - hay còn gọi là cây vũ trụ nối đất với trời - mộc mạc, hiếm hoi mọc lên giữa Sài thành cũng khiến người người có dịp thông hiệp với nhau bằng niềm vui năm cũ bước qua, năm mới lại tới. Hanh thông hay không là bởi lòng người. Hỏi “có dựng nêu không?”, thực ra là chỉ để nhận được nụ cười ấm áp của mùa xuân từ nhau. 

Quốc Ngọc

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI