Cây nào thẳng đứng cũng là cây cô đơn

11/10/2019 - 20:13

PNO - “Cây cô đơn” nổi tiếng ở Đà Lạt trở thành cảm hứng sáng tác của nhà văn Bích Ngân sau một chuyến đi thực tế.

Con đường đến cây cô đơn, xét về địa lý, địa hình không mấy dễ dàng. Hình ảnh ấy trở thành ẩn dụ trong tác phẩm văn chương khi nhà văn viết về hành trình cuộc đời của con người. Đó, có lẽ cũng là mẫu số chung của những cá thể sống dưới bầu trời mênh mông, tự do, mà cũng đầy áp lực và bất trắc này: sự cô đơn. 

Những người đàn bà trong tập truyện Đường đến cây cô đơn (nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành) gặp nhau ở những nỗi buồn, chênh vênh, cô độc, cho dù họ đơn lẻ hay có chồng. Đôi khi, sự cô đơn ngột ngạt đó như màn sương mù vô hình mà con người không thể nào thoát ra được. Sự lặng lẽ giấu mình tìm kiếm sẻ chia, tìm kiếm hạnh phúc; những thắt nghẹn trước thế thời, uẩn khúc của đời người.

Kẹt trong sương mù, Người đàn bà góa trên chuyến tàu Trường Sa, Một đám rước, Rượu bốn mươi năm, Gió lạnh, Bên dòng sông Ray, Cánh rừng vĩnh cửu… là những câu chuyện không thể đọc nhanh đọc vội. Cái ẩn tình nằm sau những trang chữ miêu tả từ hiện thực đến nội tâm của nhà văn khiến người đọc phải ngẫm ngợi. Rằng trong cuộc đời này, con người cuối cùng mong muốn gì, tìm kiếm gì, hạnh phúc vì điều gì, và sẽ phải chấp nhận những gì?

Cay nao thang dung cung la  cay co don

Lần in sách này, nhà văn Bích Ngân cho ra mắt cùng lúc bộ ba tác phẩm. Ngoài Đường đến cây cô đơn còn có tạp bút Tiếng gọi bến bờ, và tập truyện hài hước Anh nhớ em muốn chết!. Chị từng nói, muốn hiểu nhà văn, hãy đọc tạp bút. Có lẽ vậy, mọi cảm xúc và sẻ chia chân thật, thể hiện rõ nhất tâm tưởng, tình cảm của người viết chính là ở thể loại này. Nếu Đường đến cây cô đơn là những khúc vọng về đời người, thì Tiếng gọi bến bờ đã gọi tên những cuộc đời rất thật, những ký ức bồi hồi và cả suy ngẫm thế sự. 

“Văn chương vốn dĩ là thế giới mù sương. Phải là ngọn lửa của chính mình mới có thể nhìn thấy con đường. Con đường ấy nhiều khi không chỉ dưới chân mình” - lời của nhà văn với đứa cháu yêu văn chương cũng xem như là một tự sự với chính bản thân. Một người đàn bà viết văn, chọn cách làm ngọn lửa cho chính mình - có lẽ cũng là một hình ảnh thật cô đơn giữa thời đại số sôi động này. “Cây nào đứng thẳng cũng đều là cây cô đơn”. Con người cũng vậy! 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI