Cây mới trồng ở Hà Nội chết hàng loạt: Hà Nội còn phải học hỏi nhiều

18/04/2016 - 09:37

PNO - Đối với những cây giống có kích thước lớn thì phải được tưới đầy đủ một ngày 2 lần vào sáng sớm và chiều tối

Cay moi trong o Ha Noi chet hang loat: Ha Noi con phai hoc hoi nhieu
Cây chết khô trên trục Bưởi - Nhật Tân

Như thông tin đã đưa về việc hàng loạt cây trồng mới, thay thế trên nhiều tuyến đường ở Hà Nội "bỗng dưng" chết hàng loạt tại nhiều tuyến đường trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Ngày 15/4, phóng viên đã có cuộc trao đổi với anh Nguyễn Tiến Lộc, chuyên viên tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật trồng cây xanh tỉnh Bình Phước. Lý giải về hiện tượng cây mới trồng bị chết khô, anh Lộc cho hay, có rất nhiều nguyên nhân khiến cho cây bị chết. Nguyên nhân khách quan do thời tiết được loại bỏ, vì thời điểm trồng các loại cây này là vào mùa xuân, đây là thời điểm lý tưởng nhất cho việc trồng cây xanh.

Vì vậy, nguyên nhân chính khiến cây chết ở đây là nguyên nhân chủ quan. Đầu tiên phải kể đến vấn đề đầu vào của cây giống, cụ thể là việc đơn vị chịu trách nhiệm trồng cây rất có thể đã nhập về những cây giống không đảm bảo, cây chưa đủ ngày ươm trong bầu, cây bị nhiễm bệnh trước khi được trồng xuống.

Nguyên nhân thứ hai là do quá trình chăm sóc cây mới trồng không được quan tâm, dẫn đến việc cây bị thiếu nước và chết. Đối với những cây giống có kích thước lớn thì phải được tưới đầy đủ một ngày 2 lần vào sáng sớm và chiều tối. Cây giống phải có bao bố quấn quanh thân và tán lá, tránh ánh sáng trực tiếp của mặt trời.

Cay moi trong o Ha Noi chet hang loat: Ha Noi con phai hoc hoi nhieu
Cây giống phải có bao bố quấn quanh thân và tán lá, tránh ánh sáng trực tiếp của mặt trời

Anh Lộc cho biết, trong quá trình cung cấp và trồng cây xanh tại một số công trình, anh cũng đã gặp nhiều trường hợp cây mới trồng bị chết. Tuy nhiên, số lượng cây chết không nhiều, chỉ chiếm khoảng 1% tổng số cây được trồng, chứ không chết hàng loạt như một số tuyến đường tại Hà Nội.

Đồng tình với quan điểm của anh Lộc, anh Vũ Thế Toàn, Giám đốc CTY TNHH VƯỜN ƯƠM RỪNG VÀNG cho rằng, cây chết là do những nguyên nhân chủ quan. Đồng thời anh cho biết thêm, tại một số địa điểm đã từng xảy ra vụ việc tương tự, khi đến kiểm tra thì yếu tố bón phân lót là bị sai nhiều nhất, nếu bón lót không đúng, cây trồng sẽ bị héo lá và chết dần, sau 3 đến 4 tháng cây mới chết hẳn.

Anh Toàn chia sẻ, đối với những cây lớn có đường kính từ 10 - 30cm  phải được dưỡng trong vườn ươm từ 30 - 60 ngày cho tới khi ra những chòm lá nhỏ thì mới bắt đầu đem đi trồng. Trước khi trồng phải tưới nước ngập hố trồng để nước ngấm sang diện tích đất xung quanh, mỗi ngày phải tưới nước 2 lần và tưới đủ 30 lít nước/1 ngày/gốc.

Khi trồng tuyệt đối không được xé bầu, nếu xé bầu thì tỷ lệ cây chết sẽ trên 10%. Việc bón lót cho cây khi trồng tuyệt đối không được để bầu cây tiếp xúc trực tiếp với phân bón. Lượng phân bón cũng phải phù hợp, thường thì sẽ dưới 100 gram/cây, nếu không làm đúng thì khả năng cây chết sau 1- 2 tháng là rất lớn.

Bình luận về việc cây trồng mới, thay thế trên nhiều tuyến đường ở Hà Nội chết hàng loạt, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hiệp, Giám đốc Trung tâm bảo tồn thực vật Việt Nam cho rằng, chuyện trồng cây của Hà Nội  vẫn tồn tại rất nhiều vấn đề, "Hà Nội còn phải học hỏi nhiều"

Ngày 23/2, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã yêu cầu Sở Nội vụ phối hợp với Cty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội nghiên cứu, tổ chức lại bộ máy công ty theo hướng thành lập các xí nghiệp chuyên nghiệp. Sau khi cơ cấu lại, các đơn vị bố trí cán bộ quản lý, nghiệp vụ đi học kỹ thuật cắt tỉa, trồng mới cây xanh ngắn hạn tại Singapore, Trung Quốc.

Huy Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI