Cấy mỡ tự thân hiệu quả đến đâu?

25/05/2013 - 06:20

PNO - PNCN - Xu hướng cấy mỡ tự thân để làm đẹp đang bùng nổ khắp thế giới bởi tính an toàn. Tuy nhiên, đây không hẳn là phương pháp chỉnh sửa diệu kỳ với tất cả các bộ phận như nhiều mỹ viện quảng cáo…

Cấy mỡ tự thân (phương pháp Coleman) là đem những tế bào mỡ đã được lấy ra từ vị trí này cấy vào vị trí khác trên cùng cơ thể. Đây là phương pháp đã được áp dụng từ lâu trong phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ nhằm làm đầy các rãnh khuyết, vùng lõm trên cơ thể, làm tăng thể tích của các bộ phận như gò má, cằm, vú, mông và bắp chân.

Mỡ sau khi hút ra, được đem quay ly tâm để loại bỏ máu, cặn huyết thanh, dầu, chỉ lấy phần tế bào mỡ tinh khiết rồi đem bơm vào vùng lõm hoặc bộ phận cần làm tăng thể tích. Về nguyên tắc, lượng mỡ khi vừa được cấy vào sống bằng dịch thẩm thấu, sau đó sẽ bám dính vào tổ chức xung quanh và sống nhờ tuần hoàn tại vùng nhận tổ chức nuôi cấy.

Vậy bơm mỡ tự thân có phải phương pháp thần kỳ, bơm bao nhiêu cũng được? Liệu có thể bơm mỡ tự thân vào ngực để biến một bộ ngực lép trở nên to, no tròn mà không cần đặt túi độn ngực như các quảng cáo thường thấy hay không?

Cay mo tu than hieu qua den dau?

Thực tế, các tế bào mỡ khi bơm vào ban đầu sẽ sống nhờ dịch thẩm thấu tại chỗ. Chỉ có các tế bào tiếp xúc được với dịch thẩm thấu mới có thể sống sót được qua giai đoạn này. Sau đó, các tế bào sống sót được tổ chức hóa, bám dính vào mô xung quanh và được nuôi bởi các vi mạch tân tạo. Các tế bào không được nuôi dưỡng bị chết đi và được cơ thể dọn dẹp thông qua cơ chế thực bào.

Như vậy, không phải cứ bơm bao nhiêu mỡ là sống được bấy nhiêu. Tỷ lệ sống sót của tế bào mỡ tùy thuộc vào nhiều yếu tố: lượng mỡ bơm vào bao nhiêu? (càng bơm nhiều, tỷ lệ sống sót tế bào càng thấp); cấp máu của vùng được bơm mỡ tốt hay nghèo nàn? (vùng nào càng được cấp máu tốt thì khả năng nuôi dưỡng tế bào càng cao, ví dụ vùng mặt); kỹ thuật bơm mỡ có đạt yêu cầu hay không?

Nếu kỹ thuật cấy mỡ tốt với lượng mỡ vừa phải thì khả năng sống sót của phần mỡ bơm vào cũng chỉ khoảng 30-70%, tùy thuộc khả năng cấp máu của vùng được cấy ghép. Thông thường, để tăng khả năng thành công của phẫu thuật, việc cấy mỡ được tiến hành thành nhiều đợt cách nhau bốn-sáu tháng.

Thông thường, để biến một bộ ngực lép thành một bộ ngực đầy đặn, no tròn, cần một thể tích trên 200ml mỗi bên. Nếu bơm một lượng mỡ lớn như vậy vào vùng ngực thì khả năng chết của tế bào rất cao, hiệu quả nâng ngực sẽ giảm đi sau bốn-sáu tháng. Vì vậy, kỹ thuật bơm mỡ chỉ nên áp dụng để chỉnh sửa vùng lõm nửa trên bầu vú, các khuyết lõm dưới da sau cắt bỏ u hay sau nạo bỏ silicone, chỉnh sửa làm cân đối hai vú trong tái tạo vú… Trong những trường hợp này, lượng mỡ bơm vào chỉ giới hạn ở vài chục ml.

Tóm lại, bơm mỡ tự thân là một phương pháp an toàn để làm đầy các rãnh khuyết hay làm tăng thể tích một bộ phận. Tuy nhiên, trong trường hợp ngực, mông, bắp chân quá lép, cần đến vài trăm ml thể tích độn mới đạt được kết quả thẩm mỹ thì không nên chọn phương pháp này mà nên chọn phương pháp đặt túi độn.

ThS-BS Trần Thị Nga
(giảng viên Bộ môn Tạo hình - thẩm mỹ ĐH Y Dược TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI