Cây khế cũng nghe nội kể chuyện

30/05/2024 - 20:00

PNO - Tôi nhớ những ngày hè xanh mát, anh chị em tôi tụ tập dưới tán cây câu cá, cất vó tôm. Đến chiều, ông nội cho chúng tôi xuống ao tập bơi. Dưới tán cây ấy, tôi lớn lên bằng những câu chuyện kể của ông nội.

Ông nội kể, ngày bác Hai tôi còn nhỏ, ông cõng bác lên quê ngoại ăn giỗ. Bác đứng ngắm mãi cây khế ngọt cụ trồng góc vườn. Cụ ngoại chiều cháu liền cho ông và bác mang về nhà trồng. Từ ngày tôi biết nhận thức, cây khế đã được vài chục năm tuổi, lớn hơn cả tuổi ba tôi. Thân cây to lớn, vươn cao hơn mái nhà, tán cây phủ rộng, che kín sân giếng lẫn cầu ao.

Cây có lá kép, mặt đón nắng sậm màu xanh mướt, mặt dưới xanh mơn mởn. Lá cây xếp theo cành, cành nọ đan cành kia cho bóng mát rượi. Cây khế nhà tôi đặc biệt không có sâu róm, bọ nẹt, thỉnh thoảng xuất hiện con sâu xanh to cỡ ngón tay cái. Những con sâu đó hiền khô, bò ở tít đầu cành, rồi lặng lẽ kéo kén, sau cùng hóa thành những con bướm rực rỡ, cánh xòe to bằng bàn tay và bay đi.

Tôi nhớ những ngày hè xanh mát, anh chị em tôi tụ tập dưới tán cây câu cá, cất vó tôm. Đến chiều, ông nội cho chúng tôi xuống ao tập bơi. Dưới tán cây ấy, tôi lớn lên bằng những câu chuyện kể của ông nội. Những năm 1990, buổi trưa cúp điện, ông nội sẽ mắc võng dưới tán cây khế cho tôi nằm hóng mát, còn ông kê ghế xếp ngồi nghỉ kế bên. Ông cột sợi dây kéo cho võng đu đưa. Vừa đưa võng, ông vừa ôn tồn kể cho tôi nghe những câu chuyện cuộc đời.

Ông nội kể chuyện ông bị Tây bắt ngồi tù, may mắn được cán bộ cách mạng dạy chữ. Chuyện ông ôm cây chuối bơi qua sông Hồng sang Thái Bình rồi lại từ Thái Bình về. Chuyện ngày xưa ông làm tín dụng, tuyệt nhiên không làm thất thoát một xu của Nhà nước.

Rồi ông kể chuyện ông gặp bà nội thế nào, ông bà cưới nhau ra sao, rồi ông bà cùng nhau chăm chỉ làm ăn, cùng nhau đắp ao thành đất xây nhà cho chúng tôi có cơ ngơi hôm nay. Chuyện các bác và ba tôi lần lượt chào đời... Những câu chuyện ông kể hoài nhưng chưa khi nào tôi thấy chán. Dường như cây khế cũng thích nghe nội kể chuyện.

Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI
Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI

Thỉnh thoảng ông sẽ đeo cái kính gọng mảnh xiêu xiêu vẹo vẹo, đọc sách báo. Ông ham đọc, ham học lắm, hơn 80 tuổi ông vẫn còn đọc sách. Ông chỉ còn 1 mắt, nhưng con mắt đó rất tinh tường, những chữ báo in nhỏ xíu ông vẫn đọc được. Giọng ông đọc ê a y hệt lũ trẻ con đánh vần. Gió mát lành thổi ngang qua, từng chiếc lá khế đu đưa, chùm hoa đỏ hồng rực rỡ như sao, tôi ngủ ngon lành với giấc mơ trưa trong trẻo.

Ông nội kể về một buổi tối đầu thu năm 1972, ông thao thức không tài nào ngủ nổi. Sáng hôm sau, ông thức dậy ra thăm vườn, phát hiện cây khế đêm qua đột ngột trút lá. Bao nhiêu lá xanh, hoa đỏ, trái non rụng la liệt dưới gốc cây.

Ông bàng hoàng và lờ mờ cảm nhận được: người con trai cả của ông đã dâng tặng thanh xuân và máu xương cho đất nước.

Cây khế ngọt ở với gia đình chúng tôi đến năm 2010 thì mất. Năm đó, ông tôi bệnh nặng. Những ngày đầu năm 2011, nắng xuân tràn về ấm áp, cây cối đâm chồi nảy lộc, cả nhà tôi vui mừng vì sau bao ngày nằm liệt giường, ông đã ngồi dậy và đi lại được.

Sáng hôm đó, ông nhờ tôi dìu ông đi một vòng quanh nhà. Ông đi đến tận góc vườn, ve vuốt từng cái cây. Khi ra đến bờ ao, nơi cây khế từng đứng đó, bấy giờ đã được ba tôi trồng lên một gốc lộc vừng, ông quay sang tôi thủ thỉ: “Mai ông nhờ ba mẹ con đi mua một gốc khế ngọt, trồng phía bên này bờ ao cho các con có trái ăn nhé. Cây kia già rồi, để cho nó đi thôi”.

Đầu hè năm đó, khi cây khế non trổ những bông hoa đầu tiên, ông tôi đi gặp người con trai cả ông hằng nhung nhớ.

Nguyễn Thanh Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI