Cấy ghép nội tạng heo - hy vọng sống cho hàng triệu bệnh nhân

30/03/2024 - 10:42

PNO - Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhu cầu cấy ghép nội tạng vượt xa nguồn cung, tạo ra một cuộc khủng hoảng trên toàn cầu. Dù vậy, với những tin tức khả quan từ việc cấy ghép nội tạng heo sang người, hàng triệu bệnh nhân có hy vọng được cứu sống.

Những tiến bộ nhanh chóng

Chỉ riêng ở Mỹ, có 103.223 người trưởng thành và trẻ em đang nằm trong danh sách chờ ghép tạng. Những bệnh nhân này đang trong cuộc đua sống còn với thời gian. Tuy nhiên, mỗi ngày có 17 người đã chết trong khi chờ ghép tạng.

Ông Lawrence Faucette cùng vợ tại bệnh viện vào tháng 9/2023, trước khi ông được ghép tim heo - Nguồn ảnh: AP
Ông Lawrence Faucette cùng vợ tại bệnh viện vào tháng 9/2023, trước khi ông được ghép tim heo - Nguồn ảnh: AP

Để giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học đang tìm cách cấy ghép nội tạng động vật cho người (xenotransplants) và họ đã đạt được một số tiến bộ đáng kể trong vài năm qua. Vào ngày 21/3, eGenesis - một công ty công nghệ sinh học tại bang Massachusetts, Mỹ - đã công bố ca ghép thận heo biến đổi gen đầu tiên cho người nhận còn sống.

Ca cấy ghép được Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép và thực hiện bởi nhóm phẫu thuật tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts (MGH). Bệnh nhân bị bệnh thận giai đoạn cuối, không thể tiếp tục lọc máu. Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân đang trong tình trạng sức khỏe tốt và dần hồi phục.

Những ca cấy ghép nội tạng từ động vật sang người đã thất bại trong nhiều thập niên vì hệ thống miễn dịch của con người từ chối mô lạ. Hiện nay, một số công ty công nghệ sinh học đang chạy đua để phát triển nguồn cung cấp heo nhân bản biến đổi gen, để nội tạng của chúng không bị cơ thể con người đào thải, không lây lan vi rút từ heo sang người hoặc gây ra các biến chứng khác.

Quả thận cấy ghép cho bệnh nhân ở trên là từ giống heo do eGenesis lai tạo, với 69 biến đổi gen giúp bảo vệ chống lại một loại vi rút nguy hiểm ở heo, xóa gen của heo và thêm gen của người nhằm tăng độ tương thích. Trong những năm gần đây, 2 người đàn ông cũng được ghép tim từ heo biến đổi gen dù sau đó cả 2 đều qua đời trong vòng vài tháng. Thí nghiệm cho thấy, một ngày nào đó gan heo có thể được cấy ghép sang người.

Hy vọng lớn cho người bệnh

Tại một trang trại nghiên cứu ở vùng Trung Tây nước Mỹ của eGenesis, những con heo với chiếc mũi ướt đang khụt khịt di chuyển đến phía trước chuồng, chờ đợi sẽ nhận được món kẹo dẻo từ những người chăm sóc.

Giám đốc điều hành và Chủ tịch của eGenesis - tiến sĩ Mike Curtis - nhận xét: “Những chú heo này có tiềm năng cứu sống mọi người”. Để tạo ra bầy heo, eGenesis bắt đầu với mẫu da được phân lập từ giống heo Yucatan nhỏ và nuôi cấy để mở rộng tế bào, sau đó sử dụng công nghệ CRISPR để thực hiện các chỉnh sửa gen. Thông qua quá trình nhân bản vô tính, tế bào chỉnh sửa gen sẽ biến thành phôi thai. Heo con biến đổi gen ra đời bằng phương pháp sinh mổ. Trong suốt quá trình, heo được nuôi trong điều kiện cực kỳ vệ sinh.

Tiến sĩ Curtis cho biết: “Chúng tôi cần phải tích hợp 5-6 khám phá khoa học từng đạt giải Nobel để biến điều này thành hiện thực”. Thực tế, quy trình cấy ghép nội tạng heo cho người vẫn còn những bước quan trọng cần thực hiện trước khi ra mắt công chúng. FDA tiết lộ với kênh CNN rằng, phương pháp cấy ghép thể hiện "nhiều hứa hẹn nhưng cũng có những rủi ro tiềm ẩn" và họ chỉ khuyến nghị cách điều trị này cho những người mắc các bệnh nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng mà không có giải pháp thay thế thích hợp.

Tuy còn nhiều rủi ro nhưng đối với các gia đình có người thân mắc bệnh hiểm nghèo, cấy ghép nội tạng từ heo vẫn là con đường đầy hy vọng. Mùa hè năm 2023, sau hơn một thập niên bị bệnh, Lawrence (Larry) Faucette và vợ ông - Ann - phải đối mặt với thực tế phũ phàng rằng cái chết của ông đã gần kề. Người đàn ông 58 tuổi bị suy tim giai đoạn cuối trong khi bệnh động mạch ngoại biên khiến ông không đủ điều kiện để ghép tim.

Trước khi gia đình từ bỏ mọi hy vọng, một bác sĩ đã đến nói chuyện với đôi vợ chồng và đưa ra một câu hỏi bất thường: "Liệu họ có bao giờ xem xét việc cấy ghép nội tạng động vật không?". Ông Larry - một nhà khoa học từng làm việc tại Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ trong gần 10 năm - hiểu rằng trái tim mới khó có thể cứu sống ông. Nhưng đồng thời, ông cảm thấy lựa chọn này có thể giúp các bác sĩ học hỏi và cuối cùng mang lại lợi ích cho người khác. Bà Ann kể: “Ông ấy rất thoải mái khi có thể trở thành một ca thí nghiệm”, dù cho cả 2 vẫn hy vọng phương pháp sẽ có tác dụng.

Sau ca cấy ghép, ông Larry đã có thể vui đùa cùng người thân. Thậm chí, ông còn có thể ra khỏi giường và đạp xe. Tuy nhiên, vào khoảng cuối tháng 10/2023, trái tim không còn hoạt động tốt và ông Larry qua đời vào khoảng 6 tuần sau cuộc phẫu thuật.

Bà Ann bộc bạch: “Tôi biết ngày đó sẽ đến nhưng chúng tôi đã có thêm thời gian bên nhau. Tôi rất hài lòng khi ông ấy chấp nhận phương pháp cấy ghép. Nếu có phải lựa chọn lại, chúng tôi vẫn sẽ làm điều đó”.

Linh La (theo CNN, Genetic Literacy Project, NPR, VOA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI