Cấy ghép não bằng cách sử dụng siêu âm giúp cải thiện trầm cảm

21/01/2025 - 06:31

PNO - Thiết bị được cấy ghép sẽ cải thiện được tâm trạng của bệnh nhận mắc bệnh trầm cảm, OCD và động kinh.

Dịch vụ Y tế Quốc gia chính phủ Anh (NHS - National Health Service) vừa đưa ra một thử nghiệm mang tính đột phá đối với bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm bằng cách sử dụng siêu âm để thay đổi trực tiếp hoạt động của não.

Thiết bị sử dụng các xung siêu âm để kích thích các cụm tế bào thần kinh được cấy ghép bên dưới hộp sọ nằm bên ngoài não. Dự án do Cơ quan Nghiên cứu và Phát minh Tiên tiến của Anh (Aria - UK’s Advanced Research and Invention Agency) tài trợ trị giá 6,5 triệu bảng Anh, sẽ thử nghiệm trên khoảng 30 bệnh nhân.

Thiết bị được cấy ghép giúp cải thiện tâm trạng của bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm. Ảnh: Zuma Press Inc./Alamy.
Thiết bị được cấy ghép giúp cải thiện tâm trạng của bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm - Ảnh: Zuma Press Inc./Alamy

Jacques Carolan - Giám đốc chương trình của Aria - cho biết: “Công nghệ này là một cơ hội lớn giúp điều trị chứng trầm cảm, động kinh, OCD, rối loạn ăn uống và người bị nghiện bằng cách cân bằng lại hoạt động bị gián đoạn của não”.

Thử nghiệm này dựa trên công nghệ BCI (brain-computer-interface) do công ty Neuralink của Elon Musk đã triển khai thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân bị liệt vào năm ngoái. Tuy nhiên, công nghệ này đặt ra những vấn đề đạo đức xung quanh quyền sỡ hữu và quyền riêng tư của dữ liệu thu thập được từ bệnh nhân.

Thử nghiệm của NHS sẽ tuyển dụng những bệnh nhân bị chấn thương não, phải cắt bỏ tạm thời một phần hộp sọ để giảm áp lực tích tụ nghiêm trọng trong não. Điều này có nghĩa là thiết bị có thể được thử nghiệm mà không cần phải phẫu thuật.

Khi thiết bị được cấy ghép, sóng siêu âm có thể phát hiện được những thay đổi nhỏ trong lưu lượng máu để tạo ra sơ đồ 3D về hoạt động của não với độ phân giải không gian gấp 100 lần so với quét MRI (chụp cộng hưởng từ) thông thường.

Theo thống kê từ WHO, có khoảng 5% dân số toàn cầu đang đối mặt với bệnh trầm cảm và con số này sẽ không ngừng gia tăng nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời. Ảnh: ShanHealth.
Theo thống kê từ WHO, có khoảng 5% dân số toàn cầu đang đối mặt với bệnh trầm cảm và con số này sẽ không ngừng gia tăng nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời - Ảnh: ShanHealth

Những người tham gia sẽ đeo thiết bị trên da đầu tại vị trí khuyết tật hộp sọ trong 2 giờ. Hoạt động não của họ sẽ được đo và các nhà nghiên cứu sẽ kiểm tra tâm trạng và cảm giác của bệnh nhân có thể thay đổi đáng tin cậy hay không.

Các nhà nghiên cứu vẫn đang lo ngại về vấn đề sóng siêu âm sẽ khiến thiết bị nóng lên và gây bỏng da cũng như có những kết quả sai lệch.

Việc kiểm tra thiết bị sẽ do tổ chức phi lợi nhuận Forest Neurotech (Mỹ) thực hiện.

Nghiên cứu sẽ kéo dài trong ba năm rưỡi bắt đầu từ tháng 3/2025, với 8 tháng đầu tiên tập trung vào việc đảm bảo phê duyệt theo quy định. Nếu thành công, Forest hy vọng sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng đầy đủ cho bệnh nhân mắc trầm cảm.

Hà Di (Theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI