Xoay quanh sự tích Chử Đồng Tử gặp Tiên Dung, Cây gậy thần là nỗ lực đưa sắc màu đương đại vào một câu chuyện dân gian rất đỗi quen thuộc. Đây cũng là tác phẩm mở màn cho dự án Huyền sử Việt hợp tác giữa Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Nhà hát Cải lương Việt Nam, xoay quanh bốn vị thánh trong Tứ bất tử: Chử Đồng Tử, Sơn Tinh (Tản Viên Sơn Thánh), Thánh Gióng và Thánh Mẫu Liễu Hạnh, sẽ lần lượt ra mắt công chúng trong thời gian tới.
|
"Cây gậy thần" vở diễn mở màn cho dự án Huyền sử Việt |
Nét độc đáo, mới mẻ của vở diễn nằm ở sự kết hợp đầy bất ngờ giữa xiếc và cải lương. Đây có thể coi là một chương trình tạp kỹ (variety show) được đầu tư khá bài bản, không chỉ hai bộ môn trên lần đầu đứng chung sân khấu, mà còn có sự tham gia của kịch, vũ đạo và ảo thuật để đem đến những màn trình diễn hấp dẫn cho khán giả.
Các màn biểu diễn của Cây gậy thần được dàn dựng khá hoành tráng và công phu. Khán giả được “chiêu đãi” một bữa tiệc nghe-nhìn đầy đặn với đa dạng các loại hình nghệ thuật, trong đó trọng tâm là xiếc và cải lương. Đây là một sự kết hợp lạ lẫm và có phần táo bạo, bởi xiếc vốn gắn liền với mạo hiểm, kịch tính còn cải lương lại đậm chất trữ tình, mùi mẫn.
|
Vở 'Cây gậy thần" với câu chuyện của Chử Đồng Tử là sự phối hợp tuyệt đẹp giữa cải lương và xiếc |
Tuy nhiên, khi đứng cùng một sân khấu, hai loại hình tưởng khác biệt lại có sự phối hợp hài hòa, ăn ý để chắp cánh cho cảm xúc của người xem thăng hoa cùng mạch kịch và các nhân vật.
Ở lớp diễn Chử Đồng Tử và Tiên Dung gặp gỡ rồi phải lòng nhau, họ không chỉ bộc lộ tâm trạng qua lời hát, mà còn cùng bay lên không trung. Hình ảnh đẹp như một giấc mơ, hòa cùng giai điệu, sự sắp đặt của ánh sáng, người xem càng yêu thương, đồng cảm hơn với hai tâm hồn cô độc, vượt lên mọi khác biệt về xuất thân, giai cấp để thăng hoa trong tình yêu.
Không chỉ ở một vài lớp diễn, mà trong tổng thể tác phẩm, xiếc và cải lương được kết hợp, "đặt để" đúng chỗ, tối đa hóa hiệu quả trình diễn.
Nghệ thuật xiếc với những pha treo người, nhào lộn, giữ thăng bằng... đóng vai trò chủ đạo trong các phân cảnh giàu kịch tính, như cảnh linh hồn phù thủy tà ác nhập vào viên Lạc tướng để gieo rắc hậu họa cho xứ Phong Châu, hay đoạn Chử Đồng Tử đương đầu với sóng gió trên đường vượt biển đi tìm cây gậy thần.
Cảnh Chử Đồng Tử trên biển được dàn dựng khá độc đáo, khi con thuyền lơ lửng giữa không trung, còn các diễn viên xiếc đóng vai thủy quái không ngừng đu người lên để kéo chàng xuống. Đây đều là những dấu ấn của vở diễn, khiến khán giả không khỏi ngạc nhiên, thích thú.
Trong khi đó, lợi thế của nghệ thuật cải lương lại được khai thác ở những phân đoạn thiên về cảm xúc, như cảnh hội ngộ, chia ly, trùng phùng, hay lời tự sự của các nhân vật.
|
Tích xưa được kể với góc nhìn, sắc màu của nghệ thuật khiến câu chuyện của chàng Chử Đồng Tử - nàng Tiên Dung hấp dẫn và nhiều cảm xúc hơn |
Sự kết hợp nhịp nhàng giữa xiếc và cải lương giữ cho sân khấu một sắc thái cổ điển, đằm thắm nhất định mà không cũ kỹ, nhàm chán.
Một điểm đặc biệt khác ở Cây gậy thần là phần tham gia sáng tác những ca khúc mới dành riêng cho vở diễn của NSƯT Thanh Thanh Hiền. Những lời ca là nỗi lòng của các nhân vật huyền sử từ ngàn xưa mà vẫn đồng điệu với khán giả ngày hôm nay.
Bên cạnh đó, vở diễn cũng trẻ trung, thú vị hơn nhờ được điểm xuyết bằng những lớp diễn hóm hỉnh, duyên dáng, những màn vũ đạo và ảo thuật, giúp cân bằng yếu tố nghệ thuật và giải trí để phù hợp với thị hiếu khán giả. Trong Cây gậy thần, nếu xiếc và cải lương là "kép chính" thì các bộ môn trên là những nhân vật phụ duyên dáng, khiến cho tổng thể vở diễn trở nên vui tươi, sinh động hơn.
|
Tiên Dung gặp gỡ Chử Đồng Tử lớp diễn nhiều cảm xúc |
Vở diễn dù công phu, mới lạ nhưng còn vài điểm khiến cho trải nghiệm sân khấu chưa thực sự trọn vẹn.
Kịch bản được phát triển dựa trên truyền thuyết Chử Đồng Tử, nhưng lại lược bỏ mất phần đầu nên chưa lột tả được sự hiếu thảo và hy sinh cho cha của chàng.
Thay vào đó, vở diễn lồng ghép thêm tuyến truyện về gã phù thủy tàn ác gieo rắc dịch bệnh để thực hiện mưu đồ thôn tính Phong Châu, khiến Chử Đồng Tử phải đi tìm một vị tiên nhân đắc đạo xin giúp đỡ. Đây cũng là một mô-típ thường gặp trong cổ tích hay truyền thuyết, xoay quanh cuộc đấu tranh thiện – ác với sự xuất hiện của các thế lực siêu nhiên.
Vì vậy, kịch bản sẽ khiến khán giả nhỏ tuổi thích thú, hào hứng, nhưng ngược lại khán giả trưởng thành sẽ có đôi chút tiếc nuối.
|
"Cây gậy thần", thêm một nỗ lực đáng trân trọng của những người làm nghệ thuật |
Tuy nhiên, Cây gậy thần nhìn chung vẫn là một tác phẩm nghiêm túc và đầy tâm huyết của Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Nhà hát Cải lương Việt Nam. Tinh thần sáng tạo, cống hiến để phục vụ khán giả của các nghệ sĩ thực sự đáng ghi nhận, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang hoành hành.
Và trên hết, vở diễn là một nỗ lực để bảo tồn tinh hoa văn hóa dân tộc, đưa những di sản tinh thần và tâm linh của người Việt xưa đến gần hơn với công chúng ngày hôm nay.
Minh Trang