Cây đào tiên trong khu vườn cũ...

11/08/2022 - 06:16

PNO - Bây giờ, tôi lục tìm, “hỏi nát” cả Google cũng không tìm đâu ra hình ảnh hoặc thông tin về những trái đào tiên.

Google trưng ra trái bòng (bưởi bòng), trái mận (roi) hoặc những trái đào (peach) trồng nơi các vùng cao, ngoại trừ… đào tiên. Lên mạng đã vậy, còn ngoài thực tế, tìm về những vùng quê xưa từng trồng nhiều đào tiên nơi đất Phú Yên mới hay chúng hầu như bị tuyệt chủng.

May mắn, cuối cùng tôi cũng phát hiện ra một cây đào tiên hiếm hoi. Người chủ chắc cũng nặng tinh thần hoài cổ hoặc cũng… giống tôi, từng có một tuổi thơ gắn bó máu thịt với cây đào tiên, nên không nỡ chặt cây đào cổ thụ.

Ngày ấy, vườn nhà bác tôi có cây đào tiên bự, gốc lớn hai người ôm không xuể. Tán cây kết hợp cùng lũy tre ken dày xung quanh che rợp mát tới hơn nửa sào đất. Vườn bỏ hoang không trồng trọt nên cây bụi xung quanh tha hồ mọc rậm rịt như rừng nguyên sinh, làm chỗ trú chân cho rắn rít, chồn cheo cùng các loài chim chóc.

Đám trẻ con trong xóm, trong đó có tôi, vào trưa hè nắng lửa rủ nhau tụ tập chỗ “rốn vườn”, dưới gốc đào tiên. Kỳ lạ, bên ngoài nắng cháy da nhưng trong vườn luôn mát rượi, tha hồ chạy nhảy. Khu vườn ấy như “thiên đường” trong ký ức tuổi thơ bởi cái mát mẻ dịu êm cùng tiếng rúc rích của con sóc đất, tiếng lanh chanh chuyền cành của đôi chim chào mào xây tổ hòa cùng thanh âm kẽo kẹt của những thân tre già đưa đẩy cọ nhau.

Nhưng hấp dẫn nhất vẫn là cảnh những chùm đào tiên lủng lẳng, lấp ló sau tán lá xanh. Đào tiên đất Phú chắc thuộc họ mận (roi). Lá dài thuôn mũi mác giống lá mận. Hoa cũng giống hoa mận, nở bung từng chùm trên cành, nhụy hoa bung ra thành những đốm tròn vo trông rất ngộ. Trái đào tiên chứa 2, 3 hạt nằm cùng khoang bên trong cũng giống hạt mận; nhưng hình dạng trái bên ngoài lại khác: tròn vo; không hình phễu như mận. Thịt trái cũng mỏng hơn, kể cả lúc chín.

Đào tiên lúc sống có màu xanh đậm; khi chín chuyển sang xanh nhạt hoặc đỏ tím đồng thời trái phình to, bóng mỡ. Có những quả đào không chín toàn bộ mà chỉ chín… một nửa: bên chín phình to, bên sống teo tóp. Tôi nhớ  một chi tiết trong phim Tây du ký, Tôn Ngộ Không ăn trộm đào tiên trong vườn đào; ăn xong chui luôn vào trái đào nằm ngủ. Phải chăng vì vậy mà giống đào đất Phú được gọi là “đào tiên”?

Đào tiên xanh có vị chát, khi chín lại giòn, ngọt. Mùa đào chín, đám trẻ nhỏ trưa nào cũng tụ tập dưới gốc đào cổ thụ vườn nhà bác. Cây đào to cao, chỉ vài ba anh lớn trèo được. Lũ trẻ nhỏ muốn ăn phải tìm cành tre chắp, buộc thành sào có móc để khều. Mỗi đứa một móc, lố nhố sắp hàng, ráng ngước mặt, nghẹo đầu, căng mắt mà nhòm, phát hiện trái chín là rón rén lại thò móc ngoéo và giật.

Đào tiên trái chín hơi tiệp cùng màu lá nên khó thấy; vậy nên, “săn” đào chín cứ như một cuộc thi lanh tay lẹ mắt. Cả bọn vui và hồi hộp rồi chí chóe cãi vã khi hai đứa cùng lúc phát hiện ra trái đào chín khuất trên cành. Vậy nhưng vui vẫn là chính, bởi đào tiên đất Phú thường mọc hoang, con nít hái ăn thoải mái. Ngoài lũ trẻ, đám chim chào mào, hoành hoạch hay dơi cũng rất khoái đào tiên.

Những trái đào chín có vết cắn, mổ của chim, dơi bao giờ cũng rất ngon. Đứa nào cũng biết điều này nên luôn khoái trá hét to mỗi khi khều được một quả đào chim/dơi ăn dở. Niềm vui tuổi thơ trong “vườn cổ tích” quanh đi quẩn lại chỉ có vậy thôi mà chúng tôi say mê hết ngày này sang ngày khác - cho tới lúc phải lìa xa quê, mang theo ký ức về cây đào tiên.

Nửa thế kỷ trôi qua, bất chợt tôi mừng rơi nước mắt khi tình cờ gặp lại những trái đào tiên ngày cũ.

Y Nguyên

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI